Kế toán quản trị đã hình thành, phát triển vô cùng nhanh chóng về lý luận, thực tiễn trong các doanh nghiệp trên thế giới. Quá trình đó vừa tạo nên những điểm chung và khuynh hướng riêng của mỗi doanh nghiệp và ở từng nước, cụ thể:
Trong DN sản xuất ở Anh, Mỹ
Hệ thống kế toán Anh và Mỹ rất chú trọng đến KTQT nói chung và KTQT chi phí nói riêng. KTQT chi phí của hai nước này vào những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20 chủ yếu áp dụng mô hình kế toán chi phí truyền thống, ngày nay đã phát triển vận dụng phương pháp chi phí theo hoạt động (ABC). KTQT của Anh và Mỹ thường tập trung vào việc lập định mức và dự toán chi phí, áp dụng các cách phân loại chi phí, đặc biệt là phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí, sử dụng các thông tin chi phí phù hợp cho việc ra quyết định. Hệ thống KTQT của Anh và Mỹ được thiết lập nhằm mục đích cung cấp thông tin cho việc ra quyết định quản trị của DN nên KTQT của Anh và Mỹ sử dụng nhiều mô hình và các phương pháp định lượng thông tin. Tại Anh và Mỹ, KTQT được coi là công việc riêng của DN nên nhà nước không can thiệp sâu vào chuyên môn, nghiệp vụ. KTQT luôn được nhận thức là một bộ phận chuyên môn trong tổ chức bộ máy kế toán, đề cao vai trò của KTQT gắn liền với các chức năng quản trị DN.
Trong DN sản xuất ở Châu Âu
Nước Pháp và nước Đức là 2 nước có KTQT đặc trưng cho Châu Âu. KTQT được xây dựng gắn kết với KTTC, có quan hệ mật thiết với chính sách kế toán chung và chịu sự hướng dẫn can thiệp bằng luật pháp của nhà nước với mục tiêu trọng tâm là cung cấp thông tin để kiểm soát nội bộ.
Trong DN sản xuất ở Châu Á
Kinh nghiệm vận dụng KTQT chi phí của các nước Châu Á được nghiên cứu thông qua nghiên cứu hệ thông KTQT của 2 quốc gia đặc trưng cho Châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc.
Ở Nhật Bản
KTQT ở Nhật phát triển phù hợp với đặc thù riêng theo phong cách quản lý với trọng tâm nâng cao chất lượng kiểm soát, kiểm soát định hướng trong nội bộ.
Kinh tế thị trường xuất hiện từ lâu ở Nhật, nhưng chỉ thực sự đúng nghĩa sau chiến tranh thế giới thứ II và KTQT cũng hình thành, phát triển nhanh từ đó. Những năm 1950 đến 1970, KTQT bắt đầu hình thành từ khởi xướng của Chính phủ Nhật qua xúc tiến giới thiệu, áp dụng KTQT Âu, Mỹ cho DN. KTQT trong DN sản xuất ở Nhật thời kỳ này chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm KTQT Âu-Mỹ với nội dung đơn giản và hướng đến trọng tâm kiểm soát dự toán, hoạch định lợi nhuận trong tiến trình tái thiết kinh tế Nhật sau chiến tranh. Sau những năm 1980 đến những năm cuối thế kỷ 20, nền kinh tế Nhật đã khôi phục, ổn định, phát triển và bắt đầu hướng ra thị trường quốc tế, phát triển mạnh nền kinh tế thị trường, cạnh tranh.
Với nguồn lực hạn hẹp, các DN Nhật phải đương đầu với sự bất ổn, sức ép cạnh tranh từ DN ở các nước cùng với bản sắc văn hoá người Nhật. Đây cũng là tiền đề nảy sinh KTQT kiểu Nhật, ảnh hưởng sâu rộng đến nội dung KTQT trên thế giới. Đó là KTQT với trọng tâm nâng cao về mặt định tính, tính chất thông tin để giảm những tổn thất nguồn lực kinh tế sử dụng của quy trình SXKD, thông tin để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế tạo ra giá trị, KTQT trên hệ thống quản lý với mô hình tổ chức linh hoạt, với phương thức quản lý kết hợp giữa tư duy giá trị, với tư duy chuỗi giá trị. Tuy nhiên, KTQT ở Nhật vẫn tiếp tục duy trì những tiến bộ của phương pháp kỹ thuật định lượng thông tin theo khuynh hướng riêng tạo nên nội dung KTQT thịnh hành ngày nay chủ yếu như: xây dựng tiêu chuẩn và phân loại chi phí, thu nhập, lợi nhuận, xây dựng hệ thống dự toán ngân sách hoạt động hàng năm, xây dựng kế toán chi phí theo phương pháp toàn bộ và trực tiếp, kế toán chi phí theo mục tiêu, kế toán chi phí theo cơ sở hoạt động, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá vốn đầu tư, kế toán các trung tâm trách nhiệm, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá các bộ phận, phân tích biến động chi phí, xây dựng hệ thống điều hành và đánh giá chi phí, bảng cân đối thành quả, phân tích tính cân đối chi phí - lợi ích, phân tích báo cáo tài chính,… Xuất phát từ đề cao tính an toàn, tính tập thể, tính kiểm soát, kiểm soát định hướng hoạt động, KTQT ở Nhật có nhiều mối liên hệ với kế toán tài chính, gắn kết với hệ thống kế toán chung, một bộ phận trong tổ chức bộ máy kế toán.
Ở Trung Quốc
KTQT ở Trung Quốc còn non trẻ và chưa có khuynh hướng riêng gắn liền quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Những dấu hiệu kinh tế thị trường chỉ mới xuất hiện ở Trung Quốc những năm cuối 1980 và KTQT bắt đầu hình thành phát triển từ đó. Sự phát triển nhanh
chóng nền kinh tế thị trường cùng chính sách cải cách kế toán đã thay đổi, phát triển nhanh chóng hệ thống kế toán, KTQT. Năm 1980, KTQT xuất hiện với nội dung cơ bản như KTQT ở Anh, Mỹ những năm 1965. Sau đó, KTQT được cải tiến, nâng cao nhưng với mức độ không đồng đều, thường tập trung vào những chủ đề sau: xây dựng hệ thống dự toán ngân sách, dự toán vốn đầu tư dài hạn, nhận diện và phân tích chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý, phân tích doanh thu, phân tích triển vọng thị trường, phân tích nợ phải thu, phân tích lợi nhuận, hệ thống khoán chi phí bộ phận, phân tích điểm hoà vốn, phân tích báo cáo tài chính. Tuy mới bước ra từ tư duy quản lý kinh tế tập trung, bao cấp; tuy nhiên, KTQT đã nhanh chóng giữ vai trò quan trọng trong hệ thống kế toán, trong DN. KTQT luôn được xem là một bộ phận chuyên môn, phân hệ của kế toán nhưng khuynh hướng, tổ chức thực hiện rất đa dạng. Đây cũng chính là đặc điểm chung tổ chức KTQT nói chung và KTQT chi phí nói riêng trong những nước mới phát triển ở Châu Á, của những nước từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường.