4.1.3.1. Thuận lợi
Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi nằm trong đô thị trung tâm, giữa vành đai 3,5 và vành đai 4, giữa Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 32, huyện Hoài Đức có điều kiện để mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với các địa phương khác ở khu vực phía Bắc, là cầu nối trong quan hệ kinh tế giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây. Với lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, huyện Hoài Đức sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, giao lưu hàng hóa và thu hút đầu tư cho phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội huyện.
Là huyện ven đô ngoại thành Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp màu mỡ, vấn đề thủy lợi, tưới tiêu tương đối chủ động, là địa phương có truyền thống thâm canh sản xuất... Tất cả những yếu tố trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao, cung cấp lương thực, thực phẩm sạch cho khu vực nội thành Hà Nội và các khu vực xung quanh.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật đô thị bước đầu được đầu tư nâng cấp và mở rộng, nhiều dự án mở rộng và mở mới đường giao thông đã và sẽ được thi công sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển với tốc độ cao của huyện.
Lực lượng lao động dồi dào, cần cù, năng động, nhạy bén, có trình độ sẽ tạo thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế -xã hội.
Có thể nói, Hoài Đức là một huyện phát triển sau nên đã rút kinh nghiệm được những hạn chế của những quận, huyện đi trước, đồng thời, lại có thể nắm bắt được những kinh nghiệm và thành tựu mới để vận dụng có kết quả vào điều kiện phát triển cụ thể của địa phương.
4.1.3.2. Khó khăn, hạn chế
Là huyện ngoại thành Hà Nội, rất gần trung tâm thành phố nhưng không nằm trong tầm bố trí vành đai phát triển công nghiệp ở ngoại thành. Do vậy, trong quá trình phát triển, huyện sẽ mất nhiều đất cho phát triển giao thông, thương mại dịch vụ và các khu đô thị. Đây cũng là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Xuất phát điểm phát triển kinh tế của huyện vẫn tương xứng với quy mô. Do vậy, mặc dù tốc độ phát triển kinh tế những năm gần đây là khá cao, tuy nhiên chưa thực sự phát triển đồng đều và bền vững.
Hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện nhìn chung còn chưa phát triển đồng bộ hơn so với một số huyện ngoại thành khác của Hà Nội. Mạng lưới giao thông cần tiếp tục được đầu tư khá lớn, nhất là một số tuyến trục giao thông chính.
Về các nguồn lực cho phát triển, dân số trên địa bàn huyện đã, đang và sẽ tăng nhanh, trong đó có nguồn đáng kể là tăng cơ học. Tình hình đó đang và sẽ tiếp tục gây quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đồng thời xu thế trên cũng sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý xã hội và môi trường trên địa bàn huyện. Lực lượng lao động dồi dào nhưng hiện phần đông đang làm nông nghiệp. Quỹ đất tuy thuận lợi cho phát triển các khu đô thị, song cơ cấu sử dụng đất hiện nay vẫn chưa hợp lý. Việc phát huy cơ chế, chính sách huy động vốn cho đầu tư phát triển từ quỹ đất trên địa bàn huyện cũng có hạn chế do thị trường bất động sản ở huyện mới phát triển những năm gần đây nên chưa vững chắc và còn nhiều yếu tố rủi ro.
c. Áp lực đối với đất đai
Từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hộicủa huyện cho thấy áp lực đối với đất đai ngày càng gia tăng, đặc biệt là các khu đất gần trung tâm. Áp lực đối với đất đai thể hiện trên các mặt sau:
+ Cơ cấu kinh tế của huyện trong những năm gần đây cho thấy tỷ lệ các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ ngày càng tăng. Do vậy, việc phân bổ quỹ đất hợp lý cho các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ…chiếm tỷ lệ lớn.
+ Trong thời kỳ tới, để thực hiện công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá cần dành đất cho cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở hạ tầng như phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục....
+ Nhu cầu cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng cao, cần dành đất cho xây dựng các công trình công cộng, văn hoá, thể dục thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ ngơi…
Nhìn chung áp lực đối với đất đai của huyện trong thời kỳ quy hoạch là rất lớn và phần nhiều sẽ lấy vào đất đang sử dụng mà chủ yếu là đất nông nghiệp. Vì vậy cần sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả và gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái, bền vững. Đồng thời đầu tư cải tạo, khai thác đất chưa sử dụng và thực hiện tốt các biện pháp thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.