Nước ta với đặc điểm khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho trứng giun sán tồn tại phát triển ngoài môi trường. Thêm vào đó là tình hình ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước càng góp phần làm tăng tỉ lệ nhiễm và diện nhiễm ký sinh trùng trên khắp các vùng miền.
+ Môi trường đất bị ô nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng
Môi trường đất rất dễ bị ô nhiễm bởi phân của người và vật nuôi do thói quen chăn thả vật nuôi và sinh hoạt của con người. Khi trời mưa trứng giun, sán
bị cuốn trôi và tập trung vào những vũng nước trũng trên mặt đất. Ở Việt Nam trứng giun đũa, giun tóc phân bố nhiều ở môi trường đất, đặc biệt ở vùng đồng bằng, trứng có ở chuồng nuôi gia súc, phân gia súc, quanh chuồng nuôi gia súc, ngoài đồng cỏ bãi chăn, ao hồ. Theo thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thì ở miền Bắc Việt Nam mọi mẫu đất đều tìm thấy trứng giun đũa. Như vậy thực sự khó khăn để phòng chống giun sán ở Việt Nam.
+ Môi trường nước bị ô nhiễm
Trên thế giới nguồn nước bị ô nhiễm hoặc cạn kiệt làm khoảng hơn 2 tỷ người mắc các loại bệnh tật do thiếu nước sinh hoạt, ăn uống. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo điều tra của Liên Hợp Quốc tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra ở nhiều vùng thuộc các châu lục khác nhau. Ở các nước đang phát triển khoảng 70 - 75% dân cư đô thị được dùng nước sạch, tỉ lệ này ở nông thôn chỉ 20 - 30%. Ở Việt Nam vẫn còn nhiều nơi người dân vừa rửa rau, vo gạo vừa tắm giặt trên cùng một khu vực ao hồ thậm chí còn đại tiện luôn xuống đó. Nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam còn nuôi gia súc thả rông, còn tập quán bón phân người và vật nuôi cho cây tròng, nuôi cá bằng nguồn nước thải từ trại nuôi gia súc hoặc bằng phân tươi và có hiện tượng đổ rác và xả thẳng nước thải ra sông, ngòi. Vì vậy mà nhiều con sông đã “chết” không thể phục hồi. Cũng vì nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm nên mới có tình trạng tưới rau bằng nước thải làm cho rau bị nhiễm nhiều loại mầm bệnh.
Tại miền Trung, khu vực từ Huế đến Khánh Hòa đã xác định là vùng dịch tễ của bệnh sán lá gan Fassciola spp. nếu uống nước sông hay nước ao hồ có thể bị nhiễm sán lá gan lớn..
+ Môi trường không khí bị ô nhiễm
Trứng giun sán từ môi trường đất được khuyếch tán nhờ gió qua các hạt bụi vào mọi đồ vật và các ngóc ngách trong nhà. Do vậy khi chúng ta rửa sạch rau nhưng thời gian để ráo nước có thể cũng bị ô nhiễm mầm bệnh từ không khí.
+ Yếu tố khí hậu
Nhiệt độ để trứng giun, sán phát triển là từ 24 - 30oC nên chúng rất dễ dàng phát triển trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Ngoài ra trứng giun sán còn cần một số điều kiện khác như oxy và ẩm độ từ 80% trở nên vì vậy một số trứng giun nếu ở điều kiện ngập nước sẽ không phát triển được, nhưng trứng sán lá thì lại phát triển thuận lợi trong môi trường nước.
Sự cộng hưởng của tất cả các yếu tố trên làm mầm bệnh ký sinh trùng có điều kiện tồn tại phát triển, phát tán tốt hơn nên bệnh giun sán trở nên phổ biến và mang tính xã hội.