Bệnh sán lá ruột lợn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định sự lưu hành của giun sán ký sinh trên một số loại rau xanh tại địa bàn tỉnh hà nam và đề xuất các biện pháp phòng trị (Trang 25 - 27)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Một số bệnh thường gặp do mầm bệnh ký sinh trùng từ vật nuôi truyền

2.3.5. Bệnh sán lá ruột lợn

Sán lá ruột có tên khoa học là Fasciolopsis buski, phân bố phổ biến ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia... Sán gây bệnh chủ yếu cho người, lợn.

Hình thái:

Sán lá ruột có màu hơi đỏ, dẹt, là loại sán có hình thể to nhất ký sinh ở người. Kích thước dài khoảng 20 đến 70mm, rộng khoảng 8 đến 20mm, dày khoảng 0,5 đến 3mm. Ở mặt thân có những gai nhỏ xếp thành hàng, gần giác bụng có nhiều gai hơn.

Cơ quan sinh dục gồm hai tinh hoàn chia nhánh, chiếm hết cả phần giữa và phần sau của thân sán. Buồng trứng cũng chia nhánh, nằm ở bên phải thân. Túi tạo trứng nằm đúng giữa thân, có rất nhiều tuyến hoàng thể, nhỏ, nằm hai bên thân, từ giác miệng đến cuối thân. Tử cung chứa đầy trứng. Trứng có kích thước dài khoảng 130 đến 140µm, rộng khoảng 75 đến 90µm, vỏ dày, có nắp nhỏ ở một cực, phôi chưa phát triển. Mỗi ngày, sán có thể đẻ tới 25.000 trứng.

Vòng đời

Sán trưởng thành bám vào thành ruột non ở đoạn tá tràng hoặc hồi tràng, sán đẻ ra trứng, trứng theo phân ra ngoài, rơi vào nước. Ở nhiệt độ từ 27 đến 32oC và sau khoảng thời gian từ 3 đến 7 tuần, trứng phát triển có ấu trùng lông ở

bên trong. Ấu trùng lông phá vỡ vỏ trứng, bơi lội tự do ở trong nước. Ấu trùng lông chui vào vật chủ phụ thứ nhất là các loài ốc Planorbi. Trong ốc, ấu trùng phát triển thành nang bào tử, rồi trải qua hai thế hệ tạo thành nhiều ấu trùng đuôi. Thời gian ấu trùng phát triển trong ốc khoảng 30 ngày. Sau đó, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, bơi lội trong nước, nếu gặp các loại thực vật sống ở dưới nước, chúng bám vào đó, tạo ra một lớp vỏ bọc ngoài để biến thể thành ấu trùng đuôi trưởng thành hay còn gọi là nang ấu trùng, có kích thước khoảng 200µm. Nếu người hoặc các loại súc vật ăn phải nang ấu trùng vào dạ dày, chúng di chuyển xuống ruột và phát triển thành sán trưởng thành.

Những người ở các vùng có sán lá ruột lưu hành có thể bị nhiễm rất nhiều nang ấu trùng sán. Thời gian từ khi bị nhiễm nang ấu trùng sán đến khi phát triển thành sán trưởng thành có khả năng đẻ trứng mất khoảng 3 tháng.

Dịch tễ

Là bệnh chung của người và lợn. Bệnh gặp chủ yếu ở lợn. Tỷ lệ nhiễm ở lợn từ 30-40%, nhiễm tăng theo tuổi, nhiễm cao ở vùng trũng và cho ăn sống.

Trên thế giới có khoảng 10 triệu người nhiễm bệnh, chủ yếu ở châu Á: Trung Quốc; 57%, Ấn Độ: 60%, Bănglades: 50%, Đài Loan: 25% và Thái Lan là 10%.

Tại Việt Nam: Năm 1911 tỉ lệ người nhiễm là 0,08%, năm 1947 có 5 bệnh nhân, năm 1971 có 6 bệnh nhân, năm 2002 có 34 bệnh nhân ở phường Phú Cát thuộc thành phố Huế. Qua theo dõi 34 bệnh nhân tại Phường Phú Cát thấy nguyên nhân: do ăn ngó sống: 1 người, chiếm 2,94%; ăn rau muống sống: 17 người chiếm 50%; ăn xà lách xoong: 33 người chiếm 97,06%; bán rau: 12 người chiếm 35,29%; cán bộ công nhân viên: 8 người chiếm 23,53%; học sinh: 6 người chiếm 17,65%; nông nghiệp: 4 người chiếm 11,76%; các nghề khác: 4 người chiếm 11,76%.

Triệu chứng, bệnh tích:

Ở lợn biểu hiện không rõ: lợn chậm lớn, rối loạn tiêu hoá. Niêm mạc ruột xuất huyết, thành dầy, nhiều chất chứa.

Ở người bệnh phát ra ở 3 giai đoạn

Giai đoạn khởi phát: người bệnh mệt mỏi, kém ăn, thiếu máu.

Giai đoạn toàn phát: đau vùng hạ vị, ỉa chảy kéo dài, phân có nhiều chất nhầy, bụng chướng to.

Giai đoạn kết liễu: ỉa chảy kéo dài, phù toàn thân, tràn dịch các cơ quan nội tạng. Qua theo dõi 34 bệnh nhân tại Huế năm 2002: Triệu chứng đau vùng thượng vị: 21 người chiếm 61,76%; buồn nôn và nôn: 13 người chiếm 38,24%; bụng chướng to: 13 người chiếm 38,24%; tiêu chảy: 10 người chiếm 29,41%; phù 2 người chiếm 5,88%; không có triệu chứng: 10 người chiếm 29,41%.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định sự lưu hành của giun sán ký sinh trên một số loại rau xanh tại địa bàn tỉnh hà nam và đề xuất các biện pháp phòng trị (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(60 trang)