Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ sự phát triển làng nghề của một số

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp phát triển làng nghề trên địa bàn huyện yên khánh (Trang 40 - 44)

Phần 1 Mở đầu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.3 Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ sự phát triển làng nghề của một số

số tỉnh

Từ thực tiễn kinh nghiệm phát triển làng nghề của các nước trên thế giới và một số địa phương, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phát triển làng nghề truyền thống gắn với quá trình công nghiệp hóa nông thôn

Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thương mại hóa ở các nước đã có lúc làm cho nét độc đáo, tinh xảo của làng nghề bị phai nhạt, lu mờ. Nhưng với cách nhìn nhận mới, các nước đã chú trọng việc khôi phục và phát triển các kỹ thuật truyền thống cơ bản và coi làng nghề là bộ phận của quá trình công nghiệp hóa nông thôn. Do vậy, khi tiến hành công nghiệp hóa họ thường kết hợp thủ công với kỹ thuật cơ khí hiện đại tùy điều kiện cơ sở vật chất của mỗi nước mà áp dụng công nghệ cổ truyền hay công nghệ hiện đại. Đồng thời, tổ chức các cơ sở sản xuất gần vùng nguyên liệu và đặt tại làng xã có nghề truyền thống để tiện cho việc phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa.

Hai là, chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ở nông thôn

Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ở những ngành nghề có tính đặc thù riêng, có nguy cơ mai một trong nông thôn có vai trò quan trọng đối với việc phát triển của làng nghề. Vì thế, các nước đều chú ý đầu tư giáo dục và đào tạo tay nghề cho người lao động để họ tiếp thu được kỹ thuật cổ truyền và kỹ thuật tiên tiến. Bởi vì, việc hình thành một đội ngũ lao động có tay nghề cao là rất quan trọng. Nếu thiếu yếu tố này thì việc tiếp thu khoa học công nghệ sẽ không thành công như mong đợi. Nhìn chung, các nước đều triệt để sử dụng những phương pháp huấn luyện tay nghề cho người lao động như: bồi dưỡng tại chỗ, bồi dưỡng tập trung, ngắn hạn,… theo phương châm thiếu gì huấn luyện đấy. Xúc tiến thành lập các trung tâm, các viện nghiên cứu để đào tạo một cách có hệ thống mà các cơ sở sản xuất hoặc địa phương có nhu cầu. Để bồi dưỡng và đào tạo tay nghề cho người lao động các nước cũng rất chú ý đến kinh nghiệm thực tiễn, tức là mời những nhà kinh doanh, những nhà quản lý có kinh nghiệm để báo cáo một số chuyên đề tập huấn hoặc mang sản phẩm đi triển lãm, trao đổi, …tiến hành hoạt động công nghiệp cộng đồng (gia đình, làng xóm, phường hội) để phổ biến kỹ thuật.

Ba là, đề cao vai trò của nhà nước trong việc giúp đỡ, hỗ trợ về tài chính cho phát triển làng nghề truyền thống phát triển sản xuất kinh doanh

Trong quá trình sản xuất kinh doanh của làng nghề, từ vài thập kỷ gần đây các nhà nước rất quan tâm và có nhiều chủ trương chính sách đề cập đến vấn đề phát triển ngành nghề thủ công truyền thống. Trong đó, chủ trương hỗ trợ về tài chính, tín dụng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển của làng nghề truyền thống. Sự hỗ trợ tài chính, vốn của nhà nước được thông qua các dự án cấp vốn, bù lãi suất cho ngân hàng hoặc bù giá đầu ra cho người sản xuất.

Thông qua sự hỗ trợ giúp đỡ này mà các làng nghề lựa chọn kỹ thuật gắn với lựa chọn hướng sản xuất. Nhà nước tạo điều kiện cho ngành nghề thủ công truyền thống đổi mới công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Bốn là, nhà nước có chính sách thuế và thị trường phù hợp để phát triển các làng nghề truyền thống phát triển

Đi đối với việc hỗ trợ tín dụng, tài chính là chính sách thuế và thị trường của Nhà nước để khuyến khích làng nghề truyền thống, ngành nghề truyền thống phát triển. Bởi vì, chính sách thuế được coi như phương tiện để kích thích việc phát triển của làng nghề truyền thống và đóng vai trò thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội; còn thị trường là điều kiện tốt nhất cho sự tồn tại của mỗi xí nghiệp trong mỗi làng nghề. Thị trường không chỉ là nơi mua bán vật tư, nguyên liệu và sản phẩm của làng nghề mà còn có cả những ý kiến cố vấn kỹ thuật, các dịch vụ với nhiều thông tin quý giá.

Năm là, khuyến khích sự kết hợp giữa đại công nghiệp với tiểu thủ công nghiệp và trung tâm công nghiệp với làng nghề truyền thống.

Sự kết hợp giữa đại công nghiệp với tiểu thủ công nghiệp và trung tâm công nghiệp với làng nghề truyền thống thể hiện sự phân công hợp tác lao động thông qua sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là các vấn đề lựa chọn kỹ thuật, lựa chọn hướng sản xuất. Để tạo dựng cho mối quan hệ này, ở hầu hết các nước đều thiết lập chương trình kết hợp giữa các trung tâm công nghiệp với làng nghề truyền thống. Ở Nhật Bản, các làng nghề truyền thống đóng vai trò làm gia công, vệ tinh của các công ty lớn, khu công nghiệp tập trung và cung cấp những sản phẩm trung gian cho chúng. Chương trình này được thực hiện ở Hàn Quốc là: các trung tâm công nghiệp có trách nhiệm giúp đỡ làng nghề truyền thống nâng cao năng lực quản lý quy trình công nghệ, maketing, cung cấp tài chính, mua nguyên liệu thô và đứng ra bảo đảm cho làng nghề vay vốn ngân hàng còn làng nghề có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ đồng thời làm nhiệm vụ gia công cho trung tâm công nghiệp lớn. Ở Thái Lan, các trung tâm công nghiệp đứng ra đấu thầu công việc. Sau đó một phần công việc nhận thầu được đưa về cho làng nghề làm gia công số chi tiết của sản phẩm.

Sáu là, mô hình tổ chức sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề với nhiều hình thức khác nhau trong đó phổ biến là hình thức sản xuất hộ gia đình.

Hầu hết ở các nước hình thức tổ chức sản xuất trong làng nghề nông thôn rất đa dạng: Hộ gia đình, doanh nghiệp, xí nghiệp vừa và nhỏ,… nhưng trong đó hộ gia đình là chủ yếu đóng vai trò là gia công, vệ tinh cho các công ty lớn, các khu vực công nghiệp tập trung.

Bảy là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải quan tâm, chỉ đạo và ban hành các chủ trương, chính sách thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để khai thác tốt các nguồn lực.

Tám là, Chú trọng công tác đào tạo nghề cho người lao động, khuyến khích tư nhân và các tổ chức xã hội mở cơ sở đào tạo nghề cho nông dân. Ưu tiên sử dụng quỹ khuyến công cho các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, nhất là chương trình nhân cấy nghề mới. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội phát động các phong trào phát triển nghề. Lựa chọn phát triển những ngành nghề phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển.

Chín là, Phải xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề và tổ chức tốt công tác triển khai thực hiện quy hoạch. Quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề đổi mới thiết bị công nghệ, kết hợp cổ truyền với hiện đại. Đồng thời thành lập và tạo điều kiện cho hoạt động các hội, hiệp hội nghề nghiệp theo nhóm sản phẩm, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với nhau, giữa người sản xuất, cung ứng nguyên liệu với những người chế biến, tiêu thụ để thống nhất định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh cạnh tranh không lành mạnh gây khủng hoảng thừa, thiếu, sốt giá. Ngoài các chính sách của tỉnh thì các huyện, thành, thị và xã phải có những giải pháp của riêng mình hỗ trợ làng nghề phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp phát triển làng nghề trên địa bàn huyện yên khánh (Trang 40 - 44)