PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
2.2.2. Kinh nghiệm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản ở một số
số tỉnh
2.2.2.1. Kinh nghiệm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản ở tỉnh Hà Nam
Mục tiêu thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào địa bàn hoạt động sẽ là “bà đỡ'' trong khâu bao tiêu nông sản cho nông dân, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch cung cấp cho thị trường. Xác định được khâu then chốt này, tỉnh đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng sản
xuất nông sản hàng hóa tập trung, tạo nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung tích tụ ruộng đất, cho doanh nghiệp thuê sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo nguyên tắc: Không thu hồi đất của hộ dân; quyền được Nhà nước giao đất lâu dài cho người dân được bảo đảm; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hộ dân lưu giữ và quản lý; các cấp chính quyền thực hiện tích tụ ruộng đất giao cho doanh nghiệp thuê đất của các hộ dân, lợi ích của nông dân được bảo đảm; người dân cho thuê đất được ưu tiên tuyển dụng vào làm công nhân cho doanh nghiệp.
Điển hình như Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 660 tỷ đồng tại xã Xuân Khê, Nhân Bình (Lý Nhân). Quy mô của dự án có diện tích hơn 227 ha được đầu tư công nghệ nhà kính, nhà lưới của Nhật Bản, công nghệ tưới tiêu tự động của Israel. Mục tiêu của dự án là hướng tới: Xây dựng và hình thành cánh đồng sản xuất quy mô lớn tích hợp các công nghệ canh tác tiên tiến; tổ chức nghiên cứu, phát triển giống và các sản phẩm khoa học. công nghệ mới phục vụ sản xuất; đào tạo, chuyển giao, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, giám sát, quản lý chất lượng và tư vấn cho người sản xuất áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Qua gần 3 năm đi vào hoạt động, dự án đã mở rộng được vùng sản xuất nông sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm rau sạch cung ứng cho thị trường. Hiện sản phẩm nông sản sạch của VinEco đã cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực, trong đó rau, củ, quả được bày bán ở nhiều siêu thị lớn. Về lâu dài dự án hướng tới hình thành trung tâm nghiên cứu chọn tạo giống nhằm khôi phục. cải tạo và sản xuất các giống bản địa đặc sản. Tại huyện Duy Tiên, sau 10 năm thu hút được Công ty TNHH Hội Vũ chuyên sản xuất nông sản xuất khẩu, đã mở rộng được vùng trồng dưa chuột, ngô ngọt, cà chua. Công ty có công suất chế biến hàng nghìn tấn nông sản/năm. Trong năm 2018, doanh nghiệp thu mua khoảng 1.500 tấn dưa chuột để chế biến xuất khẩu. Để ổn định vùng nguyên liệu đầu vào, công ty đã hướng mạnh đầu tư liên kết sản xuất với các Hợp tác Xã dịch vụ nông nghiệp, thông qua các khâu trung gian, thu mua sản phẩm nông nghiệp cho bà con (Trần Hữu, 2018)
2.2.2.2. Kinh nghiệm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản ở tỉnh Tuyên Quang
tiêu nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực, có lợi thế như chè, mía đường, lâm sản... Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định là một trong những khâu đột phá giai đoạn 2016 - 2020.
Công nghiệp chế biến nông sản là ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nhân công tại chỗ rẻ, trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông, lâm sản đã có những bước phát triển nhất định. Công nghiệp chế biến nông sản không chỉ đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp chung mà được coi là “bà đỡ” cho nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, có tầm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân.
Một số doanh nghiệp sản xuất giấy, mía đường còn lại phần lớn các cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, thiết bị, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, năng lực sản xuất hạn chế; các sản phẩm vẫn chủ yếu là sản xuất dưới dạng thô, chưa tập trung cho tinh chế; chất lượng thấp, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu riêng. Điển hình có Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang, một số Hợp tác xã chế biến chè, mật ong, bột dong riềng. Chế biến sâu vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, chiếm tỷ trọng quá khiêm tốn; do đó, giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm này vẫn còn hạn chế, đặc biệt là tại những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm.
2.2.2.3. Kinh nghiệm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản ở tỉnh Long An
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Long An bắt đầu từ tháng 9/1992 với dự án đầu tiên được cấp phép. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 941 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 5.950 triệu USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD. Hiện có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó Đài Loan đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo là các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI là may mặc, da giày, chế biến nông sản, đồ uống. Các dự án FDI tập trung chủ yếu tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An.
Long An hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi nhiều yếu tố. Trước hết là lợi thế về vị trí địa lý, tỉnh Long An nằm giáp ranh với thành phố Hồ
Chí Minh, là cửa ngõ nối liền vùng Đông Nam bộ với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này giúp các nhà đầu tư tại Long An dễ dàng tiếp cận những tiện ích về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, thị trường của thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào cũng là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư chọn Long An làm “bến đỗ”. Tỉnh Long An đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển công nghiệp, bao gồm các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với thành phố Hồ Chí Minh.
Về giao thông đường bộ, trên địa bàn tỉnh Long An có các tuyến đường Quốc lộ N2, Quốc lộ 1, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 50 đi qua. Về giao thông thủy, có cảng biển quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp đã tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tương lai từ 50.000 - 70.000 DWT, đây được xem là lợi thế quan trọng của tỉnh so với các địa phương khác trong vùng.
Tuy nhiên, theo tôi, những yếu tố trên chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng để các nhà đầu tư đến với Long An còn ở sự thông thoáng của môi trường đầu tư, sự nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và luôn sát cánh đồng hành với doanh nghiệp trong những thời điểm mà doanh nghiệp cần. Điều này đã được các doanh nghiệp ghi nhận qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của tỉnh Long An đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố của cả nước. thuộc nhóm “tốt” với 66,7 điểm; tăng 11 bậc so với năm 2016. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 11 cả nước và được xếp vào nhóm 1 là nhóm đạt điểm cao nhất cả nước.
Nhằm tận dụng, phát huy tốt những lợi thế của tỉnh và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Long An tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (gồm cơ khí - chế tạo máy, điện tử - tin học, sản xuất linh kiện, lắp ráp…), công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng. Đây là những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều lợi thế thu hút đầu tư.
Với hơn 15.000 ha đất công nghiệp được quy hoạch, bố trí giáp ranh giới TP.HCM trong bán kính từ 30 - 40 km, trong đó bao gồm 11.964 ha đất khu công nghiệp và 3.106 ha đất cụm công nghiệp, tỉnh Long An sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mặt bằng để các doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh (Hoàng Nghị, 2018)