3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Hưng Yên là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh), không có biển, không có rừng, tiếp giáp với 6 tỉnh là: Bắc Ninh. Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam và Thái Bình. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Hưng Yên và 9 huyện là Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ và Tiên Lữ. Tổng diện tích tự nhiên 930,22 km2 và dân số trung bình năm 2017 là 1.176.299 người, mật độ dân số trung bình 1.265 người/km2, thuộc loại cao so với mức bình quân trung của cả nước và của vùng Đồng bằng Sông Hồng (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2017).
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hệ thống các tuyến giao thông quan trọng gồm: Quốc lộ 5A, Quốc lộ 5 mới, Quốc lộ 39A, đường 38 và tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, nối Hưng Yên với các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là với Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Có hệ thống sông Hồng, sông Luộc tạo thành mạng lưới giao thông thủy khá thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại. Tuy ở vị trí trung tâm như vậy, nhưng một số khu vực trong tỉnh vẫn còn bị cách ly vì thiếu những tuyến đường và cầu.
Theo Quyết định số 145/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ, Hưng Yên là một trong 8 tỉnh của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ nay cho đến năm 2020, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ là vùng phát triển mạnh mẽ, đi tiên phong và trở thành động lực lớn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (UBND tỉnh Hưng Yên, 2006). Tốc độ phát triển kinh tế bình quân của vùng thời kỳ 1996 - 2000 đạt 12,32%; thời kỳ 2001 - 2005 đạt 12,27%; thời kỳ 2006 - 2010 đạt 11,95%; thời kỳ 2011 - 2015 đạt 7,85% và cả giai đoạn 1997-2015 đạt 11,02%; kim ngạch xuất khẩu tăng 28 - 30%/năm (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2016). Vùng có ưu thế thực hiện hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới thông qua mở rộng kinh doanh xuất nhập khẩu và tăng cường thu hút đầu tư.
Với vị thế địa kinh tế thuận lợi do nằm trên các trục giao thông chính và gần những trung tâm kinh tế lớn ở phía Bắc, như gần Thủ đô Hà Nội, thành phố
Hải Phòng, Hải Dương, nhất là hiện nay đường 5 mới được xây dựng, phần chạy qua địa phận Hưng Yên dài khoảng 25 km sẽ rất thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và hành khách của Hưng Yên và qua tỉnh Hưng Yên. Từ năm 2003, theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc thì Hưng Yên nằm trọn trong hai tuyến hành lang là: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Ngoài ra, Hưng Yên cũng ở rất gần vành đai phát triển kinh tế Vịnh Bắc Bộ.
3.1.1.2. Điều kiện khí hậu, thời tiết
Hưng Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Hàng năm có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt: mùa lạnh, trong thời kỳ đầu mùa đông, khí hậu tương đối khô, nửa cuối thì ẩm ướt; mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều. Chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính: gió đông nam thổi vào mùa hạ, gió đông bắc thổi vào mùa đông.
Nhiệt độ trung bình 24,50C khá đồng nhất trên địa bàn tỉnh; nhiệt độ trung bình thấp nhất là 17,40C. Lượng mưa trung bình từ 1.939,9 mm nhưng phân bố không đều trong năm, mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10) tập trung tới 70% lượng mưa cả năm, mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) lạnh và thường có mưa phùn, thích hợp cho gieo trồng nhiều loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Độ ẩm không khí trung bình trong năm là 82%, tháng cao nhất (tháng 3 và tháng 9) là 86% và tháng thấp nhất (tháng 2) là 75% (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2017).
3.1.1.3. Đất đai, tài nguyên thiên nhiên
* Tài nguyên đất:
Theo kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2017, tổng diện tích đất tự nhiên (tổng quỹ đất) của tỉnh là 93.022,44 ha. gồm:
- Đất sản xuất nông nghiệp: diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 60.369,21 ha, chiếm tỷ lệ 64,9% so với tổng diện tích tự nhiên, bình quân đất nông nghiệp là 606 m2/nhân khẩu nông nghiệp. Đất nông nghiệp phân bố khắp các huyện, thành phố trong tỉnh.
- Đất phi nông nghiệp của tỉnh là 32.408,31 ha, chiếm 34,84% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, gồm đất chuyên dùng và đất ở. Trong đó:
+ Đất chuyên dùng của tỉnh có 17.419,05 ha, chiếm 18,73%, được sử dụng với cơ cấu như sau: đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp 1.176,98 ha;
đất quốc phòng, an ninh 103,45 ha; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 3.237,28 ha; đất có mục đích công cộng 12.901,34 ha.
+ Đất ở: đất dân cư nông thôn tỉnh Hưng Yên đã được hình thành từ lâu đời gắn với biến động lịch sử của tự nhiên và xã hội, tồn tại theo quy mô các làng, xã phân bố rải rác ở 161 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với tổng diện tích là 9.636,3 ha, chiếm 10,36% (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2017).
* Tài nguyên nước ngọt:
Nằm trong hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, là 2 hệ thống sông lớn nhất ở miền Bắc nên Hưng Yên có nguồn nước ngọt rất dồi dào.
Nguồn nước ngầm của Hưng Yên cũng thuộc loại phong phú. Theo kết quả điều tra, trên địa phận Hưng Yên có những mỏ nước ngầm rất lớn, chất lượng tốt nhất là khu vực dọc đường 5 từ Như Quỳnh đến Quán Gỏi, không chỉ thỏa mãn cho yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh mà còn có thể cung cấp khối lượng lớn cho các khu vực lân cận.
* Tiềm năng phát triển du lịch:
Có thể nói, xét về điều kiện địa hình tự nhiên, tài nguyên du lịch của Hưng Yên kém phong phú và hấp dẫn so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, bù lại Hưng Yên lại là khu vực tập trung nhiều ditích lịch sử nổi tiếng. Theo thống kê toàn tỉnh có hơn 1.210 di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có 168 di tích được xếp hạng quốc gia, cùng với hàng ngàn tài liệu và hiện vật cổ có giá trị. Đặc biệt là quần thể di tích Phố Hiến, Đa Hòa - Dạ Trạch, khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông, Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhà thờ bà Hoàng Thị Loan... là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa rất có giá trị cho phát triển du lịch (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2017).
* Môi trường sinh thái:
Hưng Yên là một tỉnh thuần nông, đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các ngành kinh tế - xã hội chưa phát triển mạnh, các trung tâm kinh tế - xã hội, các đô thị, thị trấn đang được hình thành và phát triển nên mức độ ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai chưa nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc hình thành các khu, cụm công nghiệp ở: huyện Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào và gần thủ đô Hà Nội, các phương tiện giao thông cơ giới hoạt động nhiều, bên cạnh đó việc sản xuất vật liệu xây dựng cùng với chất thải trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, làng nghề nên phần nào đang có ảnh hưởng xấu đến môi
trường. Do vậy, cần sớm có biện pháp ngăn ngừa. hạn chế, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ và phát triển cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái trong tỉnh và vùng.
* Tài nguyên khoáng sản:
Một đặc điểm nổi bật của Hưng Yên là tài nguyên khoáng sản rất hạn chế. Khoáng sản chính của Hưng Yên hiện nay là nguồn cát với trữ lượng lớn ven sông Hồng và trong nội đồng, có thể khai thác đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh. Các khoáng sản khác hầu như không đáng kể.
3.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội
3.1.2.1. Dân số, lao động
Dân số trung bình của tỉnh Hưng Yên năm 2017 là 1.176.299 người, mật độ dân số 1.265 người/km2, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm từ 2009 đến nay luôn duy trì ở mức dưới 1%/năm. Dân số thành thị chiếm khoảng 12,93% dân số toàn tỉnh. Là một tỉnh có tỷ lệ dân số cơ học chiếm tỷ lệ cao bởi vì Hưng Yên có nhiều trường cao đẳng, đại học và nhiều KCN thu hút hàng ngàn sinh viên và công nhân từ các địa phương trong cả nước về cư trú, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh.
Có khoảng 705.021 lao động, có sức khoẻ, có trình độ văn hoá. Lao động đang làm việc trong tất cả các ngành kinh tế chiếm khoảng 85-90% lao động trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động trẻ khỏe, giá cả sinh hoạt và mặt bằng tiền công, tiền lương, đặc biệt là ở khu vực công nhân sản xuất trong các doanh nghiệp được đánh giá là tương đối thấp với các tỉnh và thành phố lân cận (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2017).
3.1.2.2. Phát triển kinh tế - xã hội
Sau gần 20 năm, kinh tế của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu và tạo ra nhiều sự thay đổi sâu sắc. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông và độc canh cây lúa Hưng Yên đã vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước. Tốc độ tăng tổng sản phẩm hàng năm được duy trì ở mức trên hai con số, cao hơn so với cả nước. nhất là các năm đầu mới tái lập tỉnh.
Điều đáng chú ý trong các thời kỳ phát triển kinh tế của tỉnh là cả 3 khu vực kinh tế đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Bình quân chung giai đoạn 1997-2015, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3,27%/năm; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 19,02%/năm; khu vực thương mại, dịch vụ tăng khoảng 13,05%/năm. Cùng với sự phát triển của các khu kinh tế, các thành phần kinh tế cũng phát triển khá toàn
diện; đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng bình quân gần 24%/năm; khu vực kinh tế tư nhân tăng 9,7%/năm; khu vực kinh tế nhà nước tăng bình quân khoảng 12,7%/năm (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2016)
Bảng 3.1. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997-2015
Đơn vị tỉnh: %
Chia theo khu vực Giai đoạn Tổng số Nông, lâm nghiệp
và thuỷ sản Công nghiệp và xây dựng Dịch vụ
Giai đoạn 1997 - 2000 112,32 104,59 133,30 115,77
Giai đoạn 2001 - 2005 112,27 104,49 120,45 115,17
Giai đoạn 2006 - 2010 111,75 102,51 116,62 113,92
Giai đoạn 2011 - 2015 107,85 101,54 109,55 108,30
Giai đoạn 1997 - 2015 111,02 103,27 119,02 113,05
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2016)
Trong gần 20 năm qua, nền kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao; các ngành, các lĩnh vực sản xuất then chốt phát triển mạnh với nhiều nội dung, hình thái mới; đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và kinh doanh dịch vụ đã hình thành nên các ngành kinh tế mới, kinh tế mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp mang tính quyết định đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra khá nhanh; xu hướng chuyển dịch tương đối rõ nét và phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện nước ta hiện nay.
Biểu đồ 3.1. Cơ cấu GRDP trên địa bàn tỉnh năm 2016
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của khu vực nông nghiệp. Sau gần
20 năm, tỷ trọng của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm mạnh từ 51,87% năm 1997, xuống còn 13,54% năm 2015; tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng tăng gấp hơn hai lần từ 20,26% năm 1997 lên 48,98% năm 2015; tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng từ 27,87% năm 1997 lên 37,48% năm 2015. Tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng đã tạo ra sự thay đổi khá mạnh mẽ giữa các các ngành, bước đầu hình thành một số ngành, lĩnh vực và sản phẩm quan trọng tạo động lực phát triển cho kinh tế của tỉnh như: Sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử, may mặc, giày dép, sắt thép, chế biến thức ăn gia súc....
Bảng 3.2. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành giai đoạn 1997-2016
Năm
Chia ra (%) Nông, lâm nghiệp và
thuỷ sản Công nghiệp và xây dựng Dịch vụ Năm 1997 51,87 20,26 27,87 Năm 2001 38,04 32,44 29,52 Năm 2006 27,70 40,20 32,10 Năm 2010 17,85 48,00 34,09 Năm 2011 19,47 48,69 31,84 Năm 2015 13,54 51,09 35,59 Năm 2016 12,84 51,15 36,01
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2016)
Từ thành công trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp phát triển nhanh và hình thành nên các KCN tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến cuối 31/12/2016 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 5.342 doanh nghiệp thực tế đang tồn tại, trong đó có 4.930 DN đang hoạt động (trong số này có 4.068 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh; 100 DN đang đầu tư chưa đi vào sản xuất kinh doanh; 762 DN không hoạt động, chỉ đóng thuế môn bài); có 301 DN tạm ngừng kinh doanh; có 108 DN ngừng hoạt động, chờ giải thể, phá sản; có 263 DN không tìm thấy, không xác định được và có 27 DN đóng mã số thuế; 377 DN, dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 3.615,4 triệu USD. Tổng diện tích đất thuê của các DN tỉnh ngoài và dự án FDI là 2.217 ha. (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2016).
Trong tổng số 4.068 DN, dự án đang hoạt động SXKD; trong đó hơn 2.600 DN, dự án trong tỉnh đang hoạt động và sử dụng gần 60.000 lao động; 415 DN, dự án đầu tư tỉnh ngoài hoạt động và sử dụng 61.950 lao động với tổng
nguồn vốn đầu tư thực hiện khoảng 17.570 tỷ đồng, đạt 36% vốn đầu tư đăng ký; 228 DN FDI đang hoạt động và sử dụng 75.672 lao động với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 850 triệu USD, đạt 27,34% vốn đầu tư đăng ký.
Với hơn 4.068 DN, dự án đang hoạt động đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh gần 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 87,5% khoản thu ngân sách nội địa của tỉnh (chưa tính khoản thu thuế xuất, nhập khẩu của các DN) và góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh (tổng giá trị của các DN, dự án đang hoạt động đạt gần 25.500 tỷ đồng và chiếm khoảng 50% Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2016).
Kinh tế phát triển nhanh, nguồn thu ngân sách ngày càng cao, đáp ứng tốt nhu cầu chi đầu tư phát triển và chi tiêu dùng xã hội. Năm 1997, các khoản thu nội địa đạt 91 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt 8.696 tỷ đồng, tăng gấp 95,56 lần so với năm 1997, bình quân mỗi năm tăng 24,88%; trong đó thu từ kinh tế quốc doanh 231 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với năm 1997. Thu từ khu vực này những năm gần đây tương đối ổn định, số lượng DN trong khu vực kinh tế nay ít biến động, đã ổn định sau những năm cổ phần hóa mạnh mẽ diễn ra; thu thuế ngoài quốc doanh 2.749,6 tỷ đồng, tăng 290 lần so với năm 1997; thu từ khu vực có vốn FDI là 1.319,43 tỷ đồng, tăng gấp 99 lần so với năm 1997; thu tiền sử dụng đất 964 tỷ đồng; tăng gấp 400 lần so với năm 1997. Cùng với thu nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu cũng liên tục tăng cao, năm 1997 đạt 12,5 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt 3.376,2 tỷ đồng; tăng gấp 270 lần so với năm 1997. (Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, 2017).
Bảng 3.3. Biến động các khoản thu giai đoạn 1997-2017 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
STT Nội dung Năm 1997 Năm 2017
1 Khoản thu nội địa 91,00 8696,00
2 Thu từ kinh tế quốc doanh 13,59 231,00
3 Thu thuế ngoài quốc doanh 9,48 2749,60
4 Thu từ khu vực có vốn FDI 13,33 1319,43