Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.1. Cơ sở lý luận của giao đất, cho thuê đất
2.1.4. Vai trò của quy hoạch sử dụng đất
Quy hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ quan trọng giúp nhà nước quản lý có hiệu quả đối với đất đai. Bất kể nhà nước nào, dù đó là nhà nước Xã hội chủ nghĩa hay nhà nước Tư bản chủ nghĩa cũng đều coi trọng công tác quy hoạch sử dụng đất. Trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước như ở nước ta hiện nay thì quy hoạch sử dụng đất càng có vai trò quan trọng hơn, thể hiện ở các mặt sau:
- Quy hoạch sử dụng đất tạo lập một trật tự nhất định trong việc sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội; là cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia lợi ích công cộng và phát triển kinh tế.
- Quy hoạch sử dụng đất còn có vai trò như một công cụ giúp Nhà nước tổ chức lại việc sử dụng đất đai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường trong quản lý, sử dụng đất; hạn chế sự chồng chép, gây lãng phí trong việc sử dụng đất đai; ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong việc sử dụng đất như chuyển mục đích sử dụng đất tùy tiện, hủy hoại đất, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường...
- Quy hoạch sử dụng đất là công cụ để thực hiện quyền định đoạt của Nhà nước - người đại diện chủ sở hữu đối với đất đai, nó có vai trò tạo giá trị gia tăng cho đất đai, đặc biệt là khu vực đô thị (tạo ra địa tô độc quyền). Thực tế cho thấy có những khu đất (hiện trạng vẫn là ao hồ, ruộng trồng rau
muống...) có giá chuyển nhượng rất thấp (chỉ vài chục nghìn đồng/m2) nhưng
sau khi quy hoạch được công bố, khu đất đó sẽ được chuyển sang xây dựng khu thương mại hoặc khu đô thị thì giá đất sẽ tăng lên rất nhiều lần mặc dù quy hoạch chưa được thực hiện và cũng chưa có sự đầu tư nào của Nhà nước,
của các doanh nghiệp vào khu đất đó. Có tình trạng do thông tin về quy hoạch thiếu minh bạch, công khai mà một số “cò đất ” đã lợi dụng (do “mua được thông tin” quy hoạch) để nhận chuyển nhượng đất của dân với giá rất thấp, chờ khi Nhà nước thu hồi đất, nhận tiền bồi thường với giá cao hơn để kiếm lời (giá đất để tính bồi thường tại thời điểm thu hồi đất cao hơn nhiều giá đất mà “cò đất” nhận chuyển nhượng của dân). Còn khi quy hoạch được thực hiện, khu đất nói trên được chuyển sang mục đích sử dụng mới thì giá trị của nó tăng gấp hàng chục lần, thậm trí cả trăm lần mặc dù chưa có sự đầu tư nào (trong trường hợp có được dự án rồi chuyển nhượng đất thô) hoặc có đầu tư nhưng với suất đầu tư không đáng kể (chủ yếu là chi phí san lấp mặt bằng với suất đầu tư chỉ một, hai trăm nghìn đồng/m2). Nhờ “quy hoạch” và cơ chế định giá theo kiểu “xin cho” mà không ít tổ chức, cá nhân giầu lên một cách nhanh chóng. Do vậy, Nhà nước cần có biện pháp thích hợp để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đai do công tác quy hoạch của Nhà nước mang lại.
- Đối với việc triển khai các dự án theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoài việc có vai trò làm gia tăng giá trị của đất đai, tăng thu cho ngân sách, quy hoạch sử dụng đất còn giúp cho Nhà nước chủ động trong việc tạo lập “quỹ đất hàng hóa” để cung cấp cho thị trường QSD đất cũng như điều tiết đối với thị trường này.