Thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả ở một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp chống sản xuất, buôn bán hàng giả tại chi cục quản lý thị trường tỉnh bắc giang (Trang 34 - 37)

2.2.1.1. Trung Quốc

Trung Quốc đại lục và Hồng Công đang là quốc gia sản xuất lượng hàng giả, hàng nhái khổng lồ cho Thế giới, chỉ tính riêng năm 2015 lượng hàng giả, hàng nhái do đất nước này sản xuất chiếm 86% lượng hàng hóa bị làm giả trên toàn cầu, giá trị khoảng 400 tỷ USD. Trong khi đó, châu Âu lại là một trong những thị trường nhập hàng giả lớn nhất thế giới với 5% tổng nhập khẩu.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, việc mua một chiếc túi xách giả hay xem phim lậu không hề gây hại. Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, đây là một mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, hủy hoại sự sáng tạo và cản trở tăng trưởng kinh tế.

Ngành công nghiệp hàng giả, hàng nhái sẽ gây tổn hại cho những doanh nghiệp đã sáng tạo ra sản phẩm gốc, vì phá hỏng thương hiệu của họ cũng như vi phạm luật về sở hữu trí tuệ và sáng chế. Hơn nữa, việc bán dược phẩm và đồ chơi giả cho trẻ em cũng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và an toàn.

Ở Trung Quốc, các loại rượu cao cấp giả đang phát triển là một phân khúc trong ngành công nghiệp đồ uống và được bán cho nhiều người tiêu dùng Trung Quốc. Các chai rượu mang nhãn hiệu thật được thu mua, sau đó đổ rượu giả vào trong và bán lại cho khách hàng (Uy Linh, 2017).

2.2.1.2. Hoa kỳ

Thống kê cho thấy, mỗi năm hàng triệu lô hàng giả đã được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Mặc dù các cơ quan Chính phủ nước này đã cố gắng trấn áp nạn hàng giả nhưng vẫn không thể nắm bắt được hết những sản phẩm giả mạo được nhập vào. Theo Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP), những sản phẩm bị giả mạo nhiều nhất thường là các mặt hàng cao cấp bởi chúng có giá trị cao. Những mánh khóe làm hàng giả, hàng nhái hiện nay ngày càng tinh vi khiến cho việc phát hiện ngày càng khó khăn hơn. Người tiêu dùng khó có thể nhận ra những điểm khác biệt giữa sản phẩm thật và sản phẩm làm giả. Với vai trò là thị trường sản xuất đa dạng các mặt hàng cho các công ty trên thế giới, Trung Quốc trở thành nơi sản xuất hàng giả ở mức độ cao. Theo ước tính, có đến khoảng 1,2 tỷ USD trong số 1,7 tỷ USD sản phẩm làm nhái mà Hoa Kỳ thu giữ có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hồng Kông.

Dựa trên những thông tin được cung cấp bởi CBP, Wall Street đã đưa ra danh sách 10 sản phẩm bị làm giả nhiều nhất. Danh sách bao gồm: đĩa trò chơi, DVD, CD; nhãn mác hàng hóa; máy vi tính, phụ kiện công nghệ; giày dép; thuốc và các sản phẩm chăm sóc cá nhân; trang phục, phụ kiện thời trang; đồ tiêu dùng điện tử, phụ tùng; đồng hồ, trang sức; túi xách, ví, đồ chơi.

CBP cho biết, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một phần quan trọng trong sứ mệnh thương mại của CBP và nó rất cần thiết trong việc bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác chặt chẽ của CBP với các đối tác thực thi liên bang nhằm mục tiêu phát hiện và bắt giữ các lô hàng có nguy cơ làm giả cao tại các cảng Hoa Kỳ đã đạt được những kết quả nhất định. Khoảng hơn 25.000 vụ phát hiện sản phẩm giả mạo với trị giá khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm đã được các cơ quan này thực thi để bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ (Thu Anh, 2017).

2.2.1.3. Australia

Những hậu quả kinh tế bắt nguồn từ ảnh hưởng của hàng giả, hàng nhái khiến các doanh nghiệp Australia buộc phải cạnh tranh sản phẩm của mình với các phiên bản bất hợp pháp, đồng thời cạnh tranh để tiếp cận các nguồn đầu tư. Các tác động do hàng giả gây ra chủ yếu cản trở sự tăng trưởng các ngành công nghiệp sáng tạo. Cụ thể là 233 triệu USD mỗi năm đối với các trường hợp vi phạm bản quyền phim ảnh; 677 triệu USD bị mất đi do hàng giả trong ngành công nghiệp đồ chơi, phần mềm trò chơi trong năm 2002; 445,7 triệu USD doanh thu bị mất trong ngành công nghiệp phần mềm kinh doanh; 300 triệu USD mỗi năm cũng bị mất do vi phạm nhãn hiệu hàng dệt may, thời trang, giày dép.

Nhiều doanh nghiệp Australia mất khả năng kinh hoanh, thu hút đầu tư để đổi mới và phát triển sản phẩm mới. Giảm cạnh tranh dẫn đến giá cả cao hơn, độc quyền và phân bố không hiệu quả các nguồn lực trong thị trường. Đồng thời, các sản phẩm vi phạm bản quyền có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Triển vọng phát triển của các thương hiệu Australia cũng trở nên ảm đạm hơn.

Lực lượng Biên giới Australia (ABF) được thành lập vào tháng 7/2015 sau khi sáp nhập cơ quan Hải quan Australia và Bộ Nhập cư và Bảo vệ Biên giới Australia. ABF có nhiệm vụ bảo vệ biên giới và các nghĩa vụ liên quan đến an ninh quốc gia bao gồm việc kiểm soát hàng giả.

Australia có một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ để giải quyết hàng giả nhập khẩu. Tháng 9/2014, Hải quan Australia đã tổ chức các hội thảo về các ý tưởng giúp cải thiện khả năng phát hiện vi phạm sở hữu trí tuệ ở khu vực biên giới. Trong 2 năm 2012-2013, Hải quan nước này đã thu giữ hơn 513.000 sản phẩm hàng hóa bị làm giả với giá trị bán lẻ ước tính 43 triệu USD. Trong giai đoạn 2013-2014, số lượng hàng giả bị tịch thu đã tăng lên gấp đôi là 975.000. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014-2015, số lượng hàng giả thu được chỉ là 560.000 USD (Thu Anh, 2017).

2.2.1.4. Một số quốc gia khác

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, các sản phẩm làm giả bao gồm các mặt hàng bắt chước rất giống vẻ ngoài của các sản phẩm thương hiệu chính gốc để đánh lừa khách hàng. Các sản phẩm giả còn gồm các loại hàng hóa và việc phân phối hàng hóa đó chưa được kiểm định và được bảo vệ bởi các quyền sở hữu trí tuệ, như quyền tác giả, các nhãn hiệu và thương hiệu. Trong nhiều trường hợp, các dạng vi phạm có thể xuất hiện cùng trong 1 sản phẩm làm giả: Như đồ chơi làm giả vi phạm thiết kế của một hãng lớn. Thuật ngữ “hàng giả” còn nói tới việc làm giả và các vấn đề liên quan như sao chép bao bì, nhãn hiệu và bất kỳ đặc tính nổi bật của hàng hóa.

Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn nạn hàng giả là phần mềm, ghi thu đĩa nhạc, phim, quần áo thời trang, các đồ đắt tiền, đồ thể thao, nước hoa, đồ chơi, phụ tùng máy bay, xe hơi và dược phẩm.

Theo Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) của Hoa Kỳ thì thị trường dược phẩm giả trên thế giới là khoảng 600 tỷ USD, gây thiệt hại lớn cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) chẩn ước hơn 30% thuốc men ở các nước đang phát triển là hàng giả; thuốc không những không hiệu nghiệm mà còn thường có những độc tố thêm vào.

Ước đoán chuyên môn cho rằng mỗi năm trên toàn cầu có ít nhất 700.000 người chết vì dùng thuốc giả. Theo tạp chí The Economist thì 15%-30% thuốc trụ sinh ở châu Phi và Đông Nam Á là thuốc giả; còn Liên hiệp quốc thì cho rằng khoảng phân nửa lượng thuốc chống sốt rét ở châu Phi không phải thuốc thật. Thị trường thuốc giả trên toàn thế giới năm 2010 là 75-200 tỷ USD.

Anh quốc tiết lộ việc điều tra tìm thấy thuốc lá giả chứa phân, amiăng, mốc và ruồi chết.

Với việc bán lẻ thuốc lá bất hợp pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ đạt lợi nhuận 16.2 tỉ USD mỗi năm, tổng thống Erdogan phát biểu thuốc lá giả còn “nguy hiểm hơn khủng bố” (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, 2013).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp chống sản xuất, buôn bán hàng giả tại chi cục quản lý thị trường tỉnh bắc giang (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)