Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp chống sản xuất, buôn bán hàng giả tại chi cục quản lý thị trường tỉnh bắc giang (Trang 45 - 51)

Dân số

Dân số của Bắc Giang đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 1,6 triệu người, trong đó có khoảng trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 63%. Mật độ dân số bình quân là 420,9 người/km2, là tỉnh có mật độ dân số bình quân cao hơn so với mật độ dân số bình quân cả nước. Dân số gồm 21 thành phần dân tộc, trong đó có 20 thành phần dân tộc thiểu số với số dân là 200.538 người, chiếm 12,4% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú tập trung ở 105 xã, thị trấn thuộc 6 huyện miền núi, vùng cao: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên.

Dân số sống ở khu vực thành thị khoảng 183.918 người, chiếm khoảng 10,13% dân số, dân số ở khu vực nông thôn là 1.440.538 người, chiếm 90,38%. Tỷ lệ nam giới chiếm khoảng 49,92% dân số, nữ giới khoảng 50,08% dân số. Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 62,15% dân số, trong đó lao động được đào tạo nghề chiếm 26%; số hộ nghèo chiếm 8,88%.

Cư dân Bắc Giang sinh sống bằng nghề nông là chủ yếu, một số địa phương có làng nghề truyền thống còn duy trì đến ngày nay. Cơ cấu lao động trong tỉnh đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Sự chuyển dịch này phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngày 28/10/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 1531/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%, đến năm 2020 đạt 70%. Trong đó, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đến năm 2015 đạt 37%; đến năm 2020 đạt 55%. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 50-55%; ngành công nghiệp từ 90-95%; ngành xây dựng đạt từ 60-65%…

Do đó, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo tăng nhanh, nếu năm 2000 chỉ có khoảng 25,1%, thì đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,5%, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 70%.

năm 2015 và đạt từ 400-450 sinh viên vào năm 2020. Đặc biệt lao động qua đào tạo nghề tăng mạnh nhất, năm 2015 đạt gần 42%.

Với những tiềm năng, thế mạnh trên, Bắc Giang đã và đang tạo ra bước đột phá trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào về số lượng, đảm bảo về chất lượng cho thị trường lao động trong và ngoài nước.

Lịch sử, văn hóa

Bắc Giang ngày nay là vùng đất tụ cư của 20 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Sán Chí, Sán Dìu... Nơi đây ở vào một địa thế thuận lợi, nằm trong khu vực Bắc Bộ, đất đai được bồi đắp phù sa bởi các con sông lớn như: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; có núi cao bao bọc, có nhiều lâm sản quý, có vùng trung du rộng lớn thuận lợi việc canh tác.

Trong lịch sử, thời các vua Hùng, Bắc Giang thuộc bộ Vũ Ninh của nước Văn Lang, dưới triều Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) thuộc huyện Long Biên, thời Lý - Trần thuộc lộ Bắc Giang, thời Hậu Lê thuộc thừa tuyên Kinh Bắc, sau đổi thành trấn Kinh Bắc, trấn Bắc Ninh. Dưới đời vua Minh Mạng (năm thứ 2, 1821), Bắc Giang thuộc phủ Thiên Phúc, năm 1831, đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang trên cơ sở hai phủ Đa Phúc, Lạng Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh. Ngày 27/10/1962, tỉnh Bắc Giang sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn chia tách tỉnh Hà Bắc, tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bộ máy hành chính tỉnh Bắc Giang chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997 đến nay.

Cư dân Bắc Giang sinh sống bằng nghề nông là chính. Trải qua nhiều đời, họ đã hình thành nên các làng, bản với hình thức kinh tế và văn hoá riêng biệt. Từ phương thức canh tác, chăn nuôi, từ nếp sinh hoạt, trang phục, phong tục, tập quán cho đến cách nghĩ, cách làm và lối sống… đã tạo nên truyền thống và đặc trưng của Bắc Giang. Làng truyền thống tiêu biểu còn giữ được như: Làng gốm Thổ Hà; làng rượu Vân Hà (Việt Yên); làng bún Đa Mai (thành phố Bắc Giang); làng mây tre đan Phúc Long, Phúc Tằng (Tăng Tiến - Việt Yên); làng rèn sắt Đức Thắng (Hiệp Hoà); làng quan họ Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên); làng tuồng Tân Dĩnh (Lạng Giang); làng chèo Đồng Quan (Đồng Sơn - Yên Dũng); làng Then (Thái Đào - Lạng Giang)...

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẫn được giữ gìn và phát huy. Làng võ, làng vật ở Yên Thế, Hiệp Hoà; làng thợ ở Yên Dũng; Làng Vân Xuyên (Hoàng Vân - Hiệp Hoà), vì cả làng theo Cách mạng mà còn gọi là làng Đỏ; làng Sặt (Liên Sơn - Tân Yên) là làng kháng chiến.

Qua các thời kỳ lịch sử, Bắc Giang luôn có những nhân tài, trí sỹ: Đào Sư Tích; Thân Nhân Trung; Giáp Hải; Hoàng Công Phụ; Nguyễn Khắc Nhu; Hoàng Hoa Thám; Nguyễn Văn Mẫn; Hà Thị Quế…

Bắc Giang có đặc điểm văn hóa phong phú và đa dạng, được quy tụ và thể hiện thông qua đời sống, phong tục, tập quán truyền thống của cộng đồng mỗi dân tộc; biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo ở lễ hội truyền thống.

Hội làng tồn tại hàng nghìn năm với các nghi lễ, nội dung, hình thức riêng song mục đích chính của lễ hội đều nhằm giúp cho sự thống nhất, đoàn kết trong cộng đồng làng xã, giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống hiếu học, phát triển ngành nghề. Hàng năm, Bắc Giang có hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức; một số lễ hội tiêu biểu ở Bắc Giang như: Lễ hội Yên Thế; lễ hội Xương Giang; lễ hội Suối Mỡ; lễ hội Thổ Hà; lễ hội Chùa La (Vĩnh Nghiêm)…

Bắc Giang có hàng nghìn công trình kiến trúc cổ đặc sắc với nhiều loại hình khác nhau như: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, từ đường, văn chỉ… Mặc dù đã mất mát đi rất nhiều, song những công trình còn lại như: Đình Lỗ Hạnh (Đồng Lỗ - Hiệp Hoà), xây năm 1576; đình Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên) xây dựng năm 1686; đình Phù Lão (Đào Mỹ - Lạng Giang) xây dựng thế kỷ XVII; đình Cao Thượng, đình Vường, đình Hả (Tân Yên); chùa Vĩnh Nghiêm (Trí Yên – Yên Dũng); chùa Bổ Đà (Việt Yên); lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa)… đã thể hiện những dấu ấn đặc sắc về kỹ thuật tạo dựng công trình và nghệ thuật hội họa, điêu khắc tuyệt tác của người Bắc Giang.

Theo thống kê, khảo sát, tính đến 11/2010, trên toàn tỉnh Bắc Giang có 2.237 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong số đó đã lập hồ sơ khoa học và pháp lý xếp hạng được 492 di tích các loại (109 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 383 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Trong tổng số 2.237 di tích các loại được phân bổ ở các huyện, thành phố như sau: Huyện Sơn Động 24 di tích; huyện Lục

Ngạn 173 di tích; huyện Lục Nam 263 di tích; huyện Lạng Giang 237 di tích; huyện Yên Thế 109 di tích; huyện Tân Yên 347 di tích; huyện Hiệp Hoà 385 di tích; huyện Việt Yên 331 di tích; huyện Yên Dũng 318 di tích; thành phố Bắc Giang 50 di tích. Nổi bật là dấu tích thành cổ Xương Giang; khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; khu di tích cách mạng Hoàng Vân, di tích Y Sơn (Hiệp Hoà); cây Dã hương nghìn năm tuổi (Lạng Giang), Kho Mộc bản hơn 3.000 bản được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngày 16/5/2012 tại Bankok, Thái Lan).

Bắc Giang cũng là nơi có kho tàng văn nghệ dân gian phong phú như: Truyện thần thoại, truyện cổ tích, huyền thoại, giai thoại, truyện cười, tục ngữ, ca dao, hát ví, hát trống quân, hát quan họ, chèo, ca trù và dân ca của các dân tộc thiểu số. Dân ca Quan họ và Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bắc Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: Khu thắng cảnh Suối Mỡ (huyện Lục Nam); hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) với những hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại sinh vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn,… đó là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch… (Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, 2015).

Hệ thống giao thông

Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi, có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; nằm giữa trung tâm giao lưu của vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là điểm giao thông quan trọng vận chuyển ở phía Bắc.

Về giao thông đường bộ, đến hết năm 2014, tổng chiều dài đường bộ tỉnh Bắc Giang có 10.784,79 km, trong đó: Quốc lộ có 05 tuyến chạy qua km gồm: QL 1A, QL 31, QL 37, QL 279 và QL 17 với tổng chiều dài 308,9 km; 18 tuyến đường tỉnh, dài 367,66 km; đường huyện, dài 736,9 km; đường xã dài 2.053,72 km; đường đô thị khoảng 308,18 km và 7.009,43 km đường thôn. Ngoài ra, còn có hệ thống đường chuyên dùng ở các khu công nghiệp và đường nội đồng.

Giao thông đường thủy nội địa có 03 con sông chính (sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam), trong đó có 222 km do Trung ương quản lý và 130 km do địa phương quản lý.

Giao thông đường sắt có 03 tuyến: Hà Nội - Đồng Đăng dài 167 km (qua Bắc Giang 40 km); Kép - Hạ Long dài 106 km (qua Bắc Giang 32,77 km); Kép - Lưu Xá (chưa khôi phục hoạt động).

Về hoạt động vận tải, hiện tỉnh Bắc Giang có 17 tuyến vận tải đường bộ liên tỉnh và 09 tuyến nội tỉnh. Hệ thống cảng, bến đường thủy nội địa tương đối hiện đại, đồng bộ đủ năng lực trung chuyển, xếp dỡ hàng hóa cho tàu, thuyền có trọng tải lớn như: Cảng Á Lữ; cảng Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Bến Đám, Bến Tuần,… trong đó, cảng Á Lữ với diện tích khoảng 20.000m2, chiều dài khoảng 200m cùng 2 kho hàng với tổng diện tích 4.440m2 có năng lực thông qua cảng với khối lượng hàng hóa khoảng 250 nghìn tấn/năm; cảng chuyên dùng của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có năng lực thông qua cảng khoảng 70 - 100 nghìn tấn/năm, cùng hàng chục cảng, bến có quy mô vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu vận chuyển nội địa đã góp phần quan trọng vào việc đa dạng hóa các loại hình vận tải, giảm sức ép cho vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống lưới điện

Hệ thống lưới điện ở Bắc Giang bao gồm 2 trạm biến áp 110 KV với công xuất 85 MVA, 781 km lưới điện trung thế, 2.015 km đường dây hạ thế và 678 trạm biến áp. Đến thời điểm hiện tại 100% số thôn, xóm trên địa bàn tỉnh được cấp điện lưới quốc gia, 99,98% số hộ dân trên địa bàn tỉnh được cấp điện lưới, chất lượng điện không ngừng được củng cố từ khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa đến thành thị, các khu cụm công nghiệp. Sản lượng điện trong những năm qua tăng trưởng cao đứng tốp đầu các tỉnh khu vực phía Bắc.

Hệ thống bưu điện

Là một trong những ngành cơ sở hạ tầng quan trọng, Bưu Điện Bắc Giang tập trung đầu tư, hiện đại hoá nhanh chóng các loại hình dịch vụ, nhằm đón bắt kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đến nay, mạng lưới toàn tỉnh có 263 cơ sở Bưu Điện phục vụ (trong đó có 45 bưu cục, 186 điểm Bưu Điện - Văn hoá xã); bán kính phục vụ trung bình 01 bưu cục, điểm phục vụ là 2,05 km; số dân trên mỗi bưu cục, điểm phục vụ là

6.190 người, tiếp tục duy trì đảm bảo 100% số xã có điểm phục vụ; 100% số xã có báo của Đảng đến trong ngày; đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ Bưu chính công ích theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích” các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ chuyển, phát bưu phẩm, báo chí đạt và vượt so với chỉ tiêu của Bộ Thông tin & Truyền thông quy định. Nhiều dịch vụ mới được triển khai phục vụ trên lĩnh vực Chuyển phát, dịch vụ Tài chính bưu chính, Bảo hiểm Bưu Điện và các dịch vụ gia tăng khác trên mạng Internet nhằm đa dạng các hình thức kinh doanh, phục vụ và tận dụng nâng cao hiệu quả mặt bằng sản xuất hiện có góp phần đem lại doanh thu, lợi nhuận cho đơn vị trong điều kiện hội nhập, phát triển hiện nay.

Khu công nghiệp kinh tế

Bắc Giang là tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc), liền kề vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc. Đặc biệt, với các chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp nên đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên địa bàn. Tính đến nay tỉnh đã có 6 Khu công nghiệp với tổng diện tích 1.555 ha, các Khu công nghiệp chủ yếu nằm ở phía Nam của tỉnh thuộc các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa; có vị trí thuận tiện, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 40 km; sân bay quốc tế Nội Bài 45 km; cảng Hải Phòng 110 km; cách Cửa khẩu Hữu Nghị Quan 120 km; có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; hệ thống cung cấp điện, nước, bưu chính viễn thông đồng bộ; thuận lợi về đường bộ, đường sắt và đường thủy.

- Khu công nghiệp Đình Trám, diện tích 100 ha;

- Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, diện tích 180 ha; - Khu công nghiệp Quang Châu, diện tích 426 ha;

- Khu công nghiệp Vân Trung, diện tích 442 ha; - Khu công nghiệp Việt Hàn, diện tích 200 ha;

- Khu công nghiệp Châu Minh - Mai Đình, diện tích 207 ha.

Các Khu công nghiệp trên cơ bản được quy hoạch liền kề nhau, nằm dọc theo đường Quốc lộ 1A mới Hà Nội - Lạng Sơn, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không và các cảng sông, cảng biển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp chống sản xuất, buôn bán hàng giả tại chi cục quản lý thị trường tỉnh bắc giang (Trang 45 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)