Nhóm nhân tố về chính trị, pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tuân thủ pháp luật thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 76 - 78)

4.3.2.1. Hiệu quả của chi tiêu công

Tham nhũng, thất thoát ngân sách, đầu tư công phi hiệu quả sẽ là những yếu tố cản trở hàng vi tuân thủ thuế tích cực.

Thật vậy, những năm vừa qua, bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được trong công cuộc đổi mới, đất nước ta vẫn đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn, trong đó có tệ tham nhũng. Tình hình diễn ra rất phức tạp, ở nhiều lĩnh vực và có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng, thể hiện ở số lượng tài sản nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát; số đối tượng vi phạm, trong đó có cả một số cán bộ chủ chốt tham gia.

Nói về vấn đề chi tiêu công thật sự có nhiều vấn đề cần phải bàn. Trong số các hộ, cá nhân kinh doanh được phỏng vấn thì chỉ có 10,1% các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại, 8,9% hộ, cá nhân kinh doanh dịch vụ và 7,9% hộ, cá nhân kinh doanh sản xuất cho rằng chính sách chi tiêu công của nhà nước chưa hợp lý, một con số ít nhất trong số các nguyên nhân mà các hộ, cá nhân kinh doanh chọn. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là thái độ gay gắt của một số hộ, cá nhân kinh doanh khi nói về vấn đề chi tiêu công này. Để có được những ý kiến này, trong quá trình điều tra có hỏi trực tiếp một vài hộ, cá nhân kinh doanh. Và những hộ, cá nhân kinh doanh nào chọn nguyên nhân này đều cho rằng, họ cảm thấy số thuế mà họ bỏ ra không được nhà nước sử dụng hợp lý: tham nhũng vẫn xảy ra thường xuyên với con số thật khủng khiếp, những công trình công cộng được xây dựng với tốc độ quá chậm, chưa kể đến việc xây nên rồi lại phá bỏ,… Có thể họ chỉ nhìn thấy những mảng tối trong vấn đề quản lý chi tiêu công của nhà nước nhưng vẫn cần phải báo động về tình hình này vì những vướng mắc trong suy nghĩ tạo nếp xấu trong ý thức của các hộ, cá nhân kinh doanh thì việc họ tự nguyện tuân thủ là điều vô cùng khó khăn.

4.3.2.2. Nhân tố hệ thống chính sách pháp luật thuế của Việt Nam

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, công cuộc cải cách chính sách thuế ở nước ta trong những năm qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống chính sách pháp luật thuế hiện nay vẫn còn những vấn đề hạn chế, tác động không nhỏ đến sự tuân thủ của các hộ, cá nhân kinh doanh: Hệ thống chính sách thuế chưa thật sự đảm bảo bình đẳng, công bằng xã hội về nghĩa vụ thuế mà biểu hiện là: Hệ thống chính sách thuế vẫn còn lồng ghép nhiều

chính sách xã hội như miễn thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng nhiều lao động nhưng không vượt quá số người quy định, là người dân tộc thiểu số, lao động nữ (thay vì chi từ NSNN cho các đối tượng được hưởng chính sách). Việc này không những không đưa lại kết quả như mong muốn mà trong nhiều trường hợp dẫn đến sự phức tạp trong chính sách, không đảm bảo công bằng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Thực tế việc miễn giảm chỉ có ý nghĩa khi các hộ, cá nhân kinh doanh phát sinh số thuế phải nộp, khi không phát sinh số thuế phải nộp thì việc miễn giảm không có ý nghĩa, hoặc khi có số thuế phải nộp khác nhau thì sự ưu đãi khác nhau; hệ thống chính sách thuế chưa bao quát hết toàn bộ đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế (luật thuế GTGT hiện hành còn quy định trên 20 nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế dẫn đến hạn chế sự liên hoàn trong việc tính thuế, khấu trừ giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh).

Theo kết quả điều tra, có 17,5% số hộ, cá nhân kinh doanh thương mại, 16,3% hộ, cá nhân kinh doanh dịch vụ và 11,8% số hộ, cá nhân kinh doanh sản xuất được hỏi cho rằng hệ thống chính sách pháp luật về thuế của nước ta khá rườm rà, phức tạp.

Chính sách thuế thay đổi nhiều, gây khó khăn cho sự tuân thủ của các hộ, cá nhân kinh doanh: Hệ thống chính sách thuế của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, do vậy việc sửa đổi bổ sung là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc thay đổi quá nhiều làm các hộ, cá nhân kinh doanh khó nắm bắt được, dẫn đến sự không tuân thủ một cách vô tình của các hộ, cá nhân kinh doanh.

Hệ thống chính sách thuế còn có chỗ quy định không rõ ràng, phức tạp làm tăng cơ hội cho các hộ, cá nhân kinh doanh có những hành vi lợi dụng kẽ hở của luật hoặc gây khó khăn cho các hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ của mình; hoặc làm gia tăng chi phí tuân thủ của các hộ, cá nhân kinh doanh (kể cả chi phí về thời gian, tài chính và những căng thẳng về thần kinh) khiến cho các hộ, cá nhân kinh doanh có xu hướng trốn tránh nghĩa vụ của họ. Không phải các hộ, cá nhân kinh doanh cũng hiểu hết các quy định của pháp luật thuế, từ đó thực hiện nghĩa vụ của mình do một số nội dung quy định chưa rõ ràng, minh bạch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng không tuân thủ không dự tính.

Những hạn chế của hệ thống chính sách thuế đã phân tích ở trên đã tác động không nhỏ đến ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của các hộ, cá nhân kinh doanh, những vấn đề trên cần được nghiên cứu để đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách thuế hơn nữa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tuân thủ pháp luật thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 76 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)