Cách truyền lây

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều tra thực trạng chăn nuôi thú y và đánh giá các yếu tố nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu nuôi tại huyện nalae, tỉnh luang nam tha, lào giai đoạn 2016 2017 (Trang 34 - 39)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.4. Đặc điểm dịch tễ bệnh LMLM

2.4.5. Cách truyền lây

Bệnh LMLM có thể lây truyền trực tiếp giữa con ốm và con khoẻ. Virus từ nước bọt, dịch mụn nước, các chất bài tiết của con ốm xâm nhập vào con khoẻ.

Bệnh truyền gián tiếp thông qua thức ăn, nước uống, máng ăn, máng uống, nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi, tay chân, quần áo người chăn nuôi bị nhiễm virus. Độ ẩm, hướng gió là những yếu tố quan trọng trong việc lây lan bệnh qua không khí.

Bệnh LMLM có thể truyền theo con đường cơ học thông qua chó, mèo, gà, chim, thú hoang giã.

Loài nhiễm bệnh có thể ảnh hưởng đáng kể đến lây lan. Ví dụ lợn thải ra một lượng virus qua hơi thở. Một con lợn có khả năng thải tiết 400 triệu đơn vị lây virus nhiễm trong một ngày. Ngược lại loài nhai lại bài tiết 120.000 đơn vị lây nhiễm trong một ngày (Sellers and Parker, 1969).

Vấn đề vận chuyển gia súc bệnh và sản phẩm gia súc nhiễm bệnh là cơ chế truyền bệnh LMLM thông thường nhất. Gia súc mắc bệnh có thể bài thải virus trước khi các mụn nước xuất hiện nên sự tiếp xúc các gia súc này với gia súc khác sẽ là nguyên nhân lan truyền bệnh (Donaldson). Việc vận chuyển gia súc mắc bệnh phi lâm sàng, gia súc mang trùng là nguyên nhân lan truyền bệnh.

Bệnh có thể truyền từ mẹ sang bào thai. Bê, nghé sinh ra mắc bệnh thường chết nhanh.

2.4.6. Về mùa vụ

Thông thường dịch phát ra trầm trọng vào các tháng có nhiệt độ thấp, lượng mưa và độ ẩm cao tức vào dịp cuối thu và đông xuân. Các tháng khô nóng dịch có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên nếu xuất hiện nguồn bệnh lần đầu và độc lực virus cao thì dịch vẫn phát ra mạnh và lây lan rộng kể cả các tháng mùa hè.

Tỷ lệ nhiễm bệnh LMLM cao 70 – 80 %, nhưng tỷ lệ chết thấp khoảng 2 %, nhưng ở lợn con theo mẹ tỷ lệ chết có thể 70 – 80 %. Trong các tháng đông xuân do nhiệt độ thấp tỷ lệ gia súc non và già yếu chết cao một phần do rét, thiếu thức ăn hoặc chết do ghép với các bệnh khác như Tụ huyết trùng, Tiên mao trùng...

2.5. TRIỆU CHỨNG - BỆNH TÍCH 2.5.1. Triệu chứng

- Trâu bò: Thời gian nung bệnh từ 2 - 5 ngày, có khi chỉ độ 20 giờ. Bệnh bắt đầu xuất hiện thì con vật ủ rủ, lông dựng, mũi khô, giảm sản lượng sữa, sốt liên tục 2 - 3 ngày (nhiệt độ 40 – 410C), dáng điệu mệt mỏi, kém ăn, tai đuôi không phe phẩy, nằm xuống đứng lên có vẻ khó khăn.

Hình 2.9. Hình ảnh trâu mắc bệnh LMLM

Nguồn: World organisation for animal health + Ở miệng: Lúc sốt thì miệng nóng, lưỡi dày lên và khó cử động. Niêm mạc miệng, môi, lợi, chân răng nóng, khô, đỏ ửng. Mụn nước bắt đầu mọc ở phía

bằng hạt kê, hạt ngô. Ở hàm, môi, lợi, nơi có mụn nước, tổ chức liên kết phồng lên, có màng bọc mỏng, trong có nước, lúc đầu trong vàng, dần dần vẩn đục, sờ mụn thấy mềm. Sau một hai ngày thì mụn vỡ, nước đục chảy ra hoà với nước bọt thành chất bọt đặc dính có từng mảng màng. Mụn nước vỡ tạo thành vết loét màu hồng trắng, có phủ chất màu vàng, sau vài hôm thì hình thành sẹo. Ở lưỡi mụn nước không rõ như ở hàm, thấy lưỡi dày lên khó cử động, đến khi loét mới thấy rõ. Mụn nước mọc nhiều làm mặt lưỡi rộp lên, chỗ lồi chỗ lõm, có khi liền nhau tạo thành mảng. Mụn nước vỡ thì lưỡi bị loét đỏ, màng lưỡi tróc theo mụn nước, lớp da có gai tróc ra. Những con bị nặng, dùng tay bắt lưỡi ra kiểm tra thấy da lưỡi bong ra từng mảng, tạo thành những mảng loét màu đỏ. Nước bọt lúc đầu chảy ra ít và trong, đến khi mụn nước vỡ thì nước bọt chảy ra nhiều, có khi thành đống to, nước bọt thành sợi dài xoắn vào nhau, tiếng chép miệng đặc trưng, con vật nhai cẩn thận.

+ Ở chân: Móng chân bắt đầu nóng, đau, vành móng hơi sưng, da mỏng có màu trắng hồng, tụ máu. Con vật đứng không yên, chân đau, bước đi khó khăn, dò dẫm. Sau 12 ngày thì mụn nước bắt đầu thấy rõ ở kẽ chân, mụn trắng dài lấp cả kẽ chân. Mụn nước vỡ, chảy nước mùi hôi thối, làm rách lớp da kẽ chân, làm hở móng, có khi long móng ở những con bị nặng, con vật có biểu hiện què. Nếu vệ sinh tốt, không bị nhiễm trùng thì sau 10 - 15 ngày chân lành, con vật đi lại bình thường.

- Ở vú: Bầu vú bị sưng, da màu đỏ và đau, mụn nước mọc ở núm vú, đầu vú, mụn to bằng quả mận, sau 2 - 6 ngày thì vỡ để lại vết xước. Bầu vú bị tổn thương, việc vắt sữa khó khăn, sữa thay đổi tính chất: lỏng, màu vàng, mùi hôi và lượng sữa giảm nhiều. Sau khi khỏi bệnh, sản lượng sữa thấp hơn trước, có trường hợp cạn sữa hẳn. Ngoài những triệu chứng trên, có trường hợp sau khi mụn nước ở miệng, móng vỡ thì con vật đi tháo trong 2 - 3 ngày. Một số trường hợp gia súc non hoặc gia súc nuôi nhốt trong chuồng ẩm thấp, thiếu vệ sinh, chăm sóc kém thì mầm bệnh nhiễm vào bộ máy tuần hoàn, vào tim, biểu hiện thể ác tính. Lúc đầu bệnh rất điển hình, đến ngày thứ 5 thứ 6 đột ngột suy sụp biểu hiện thở khó, yếu, loạn nhịp tim và chết trong sự hôn mê.

2.5.2. Bệnh tích

Niêm mạc miệng, lợi, chân răng, lưỡi, họng, khí quản, thực quản và dạ dày có các vết loét. Niêm mạc ruột non và ruột già có điểm xuất huyết, bên ngoài

thành ruột có mụn nước. Màng bao tim xuất huyết từng đám và từng điểm, vùng tổn thương nhỏ, từng ổ xám, kích thước không đều, nó làm cơ tim có sọc vằn (gọi là tim vằn hổ). Xét nghiệm vi thể cơ tim bị thoái hoá và hoại tử cùng với sự xâm nhập lan tràn lymphô bào và đôi khi cả bạch cầu trung tính. Tổn thương ở cơ tim không phải là một đặc trưng sâu sắc của nhiễm virus LMLM, nhưng nó là nguyên nhân dẫn đến tử vong của gia súc non. Các bệnh tích cơ tim tương tự nhưng trầm trọng hơn thường xảy ra ở chuột con đang bú được gây nhiễm thực nghiệm với virus LMLM (Skinner, 1953; Smith et al., 1972; Andersen, 1980). Ở cơ vân, biến đổi giống như ở cơ tim. Những vùng bị hoại tử có ranh giới rõ khi nhìn về đại thể là những ổ màu xám có kích thước khác nhau. Về mặt vi thể có các bó cơ bị hoại tử đi đôi với sự xâm nhập bạch cầu.

2.6. PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LMLM 2.6.1. Phòng bệnh LMLM

Tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng, bệnh tích, tác hại và cách phòng, chống bệnh LMLM.

Thực hiện tốt vệ sinh thú y: Giữ gìn chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, định kỳ phun sát trùng. Con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng LMLM, trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Người vào thăm quan, nhân viên thú y…, trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi phải phải được vệ sinh, khử trùng và trang bị bảo hộ.

Kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập gia súc giữa các vùng. Thực hiện các quy chế phòng chống bệnh lở mồm long móng đúng theo Pháp lệnh Thú y: Cách ly triệt để gia súc ốm, không chăn thả tập trung; Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển…, thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực có gia súc nghi mắc bệnh, bị ốm, chết.

Phòng bệnh bằng vacxin: Đặc biệt quan tâm tiêm phòng bệnh cho gia súc ở những vùng đã từng xảy ra dịch LMLM, lựa chọn vacxin theo dịch tễ từng vùng (theo hướng dẫn của cán bộ thú y). Tiêm phòng vacxin LMLM cho trâu bò, lợn, dê lần 1 cho gia súc từ 2 tuần tuổi trở lên (tùy dịch tễ từng vùng mà chọn ngày tiêm cho phù hợp), sau 28 ngày tiêm nhắc lại lần 2, sau đó, cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

2.6.2. Chống dịch LMLM

Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, què chân, có mụn nước ở vùng miệng, vành móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng.

- Thực hiện nuôi nhốt không được chăn thả, không bán chạy, không vứt xác súc vật chết ra môi trường, không giết mổ, không sử dụng sản phẩm gia súc ốm chết làm thực phẩm.

- Báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp.

- Thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

- Lập chốt gác kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch, tạm dừng việc giết mổ, buôn bán sản phẩm gia súc trong thời gian có dịch.

- Thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc: Đối với hộ có dịch phun hóa chất ngày 1 lần, xã có dịch 2 ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch.

- Tiêm phòng vacxin bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong, người tiêm phòng phải thực hiện tốt vệ sinh khử trùng tiêu độc không làn lây lan dịch.

- Theo quy định hiện nay, nếu gia súc bị bệnh LMLM bắt buộc phải tiêu hủy sẽ được nhà nước hỗ trợ kinh phí khoảng 70 % giá trị của gia súc thương phẩm tại thời điểm xảy ra dịch.

Để bảo vệ đàn vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình đề nghị bà con chăn nuôi quan tâm áp dụng tốt các biện pháp đã nêu trên nhằm hạn chế mức thấp thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

2.6.3. Điều trị bệnh LMLM

Bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: Cho ăn thức ăn dễ tiêu, bổ sung chất điện giải, nền chuồng khô ráo sạch sẽ. Xử lý các vết loét bằng cách bôi các loại thuốc sát trùng hoặc nước chanh, nước khế, tiêm kháng sinh đề phòng bội nhiễm vi khuẩn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều tra thực trạng chăn nuôi thú y và đánh giá các yếu tố nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu nuôi tại huyện nalae, tỉnh luang nam tha, lào giai đoạn 2016 2017 (Trang 34 - 39)