Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện các quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện thanh oai, thành phố hà nội (Trang 46 - 49)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.1.1.Điều kiện tự nhiên

4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội

4.1.1.Điều kiện tự nhiên

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Thanh Oai là một huyện đồng bằng nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hà Nội, có vị trí địa lý liền kề với quận Hà Đông, với trung tâm kinh tế - chính trị là thị trấn Kim Bài. Toàn huyện có 20 xã và 1 thị trấn, có tổng diện tích tự nhiên tính đến tháng 12 năm 2018 là 12.385,56 ha và dân số là 176.336 người. Huyện có địa giới hành chính tiếp giáp như sau:

- Phía Đông giáp huyện Thường Tín, huyện Thanh Trì; - Phía Tây giáp huyện Chương Mỹ;

- Phía Nam giáp Ứng Hoà và huyện Phú Xuyên; - Phía Bắc giáp quận Hà Đông và huyện Hoài Đức;

Với vị trí nằm liền kề với quận Hà Đông và trung tâm thành phố Hà Nội, Thanh Oai có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu buôn buôn bán đặc biệt thuận lợi trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản và các sản phẩm sản xuất từ các làng nghề truyền thống.

4.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Thanh Oai có địa hình đồng bằng tương đối bằng phẳng với hai vùng rõ rệt là vùng đồng bằng sông Nhuệ và vùng bãi sông Đáy, có độ dốc từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Điểm cao nhất là xã Thanh Mai với độ cao 7,50 m so với mực nước biển và điểm thấp nhất là xã Liên Châu có độ cao 1,50 m so với mực nước biển.

Với đặc điểm địa hình như vậy huyện có đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất đa dạng hoá cây trồng và vật nuôi, có khả năng thâm canh tăng vụ.

4.1.1.3. Khí hậu, thời tiết

Thanh Oai nằm trong huyện đồng bằng sông Hồng có khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền Bắc với 2 mùa rõ rệt, đó là mùa Hè nắng nóng, mưa nhiều, mùa Đông lạnh rét mưa ít với số giờ nắng trong năm từ 1.600 - 1.700 giờ. Lượng mưa bình quân năm của huyện khoảng 1.600 - 1.800 mm, lượng mưa tập trung vào mùa hè với khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

4.1.1.4. Thuỷ văn

Hệ thống thuỷ văn của huyện bao gồm hai con sông lớn đó là sông Nhuệ ở phía Đông của huyện có chiều dài 14,50 km và sông Đáy chạy dọc phía Tây của huyện với chiều dài khoảng 20,50 km. Ngoài ra còn có các hệ thống hồ, đầm lớn tập trung ở các xã Thanh Cao, Cao Viên, Cao Dương ...

4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên

a. Tài nguyên đất

Đất đai trên địa bàn huyện Thanh Oai được hình thành chủ yếu do quá trình bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng, thông qua sông Đáy. Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng trên địa bàn huyện có các loại đất chính như sau: Đất phù sa được bồi hàng năm, Đất phù sa không được bồi, Đất phù sa glây)

Nhìn chung, đất đai của huyện có độ phì cao, có thể phát triển nhiều loại cây trồng như cây lương thực, cây rau màu, cây lâu năm, cây ăn quả và có thể ứng dụng nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.

b. Tài nguyên nước

Nước phục vụ cho sản xuất và cho sinh hoạt của nhân dân trong huyện được lấy từ hai nguồn là nước mặt và nước ngầm.

- Nguồn nước mặt: Chủ yếu là sông Hồng và sông Nhuệ qua hệ thống thủy nông La Khê và sông Đáy. Ngoài ra còn có hệ thống hồ, đầm, ao rất rộng lớn (hơn 300 ha) đặc biệt là đầm Thanh Cao - Cao Viên.

- Nguồn nước ngầm: Tầng chứa nước nằm ở độ sâu 30-60 m, có hàm lượng sắt và mangan cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Vì vậy, cần phải được xử lý trước khi đưa vào sử dụng.

c. Tài nguyên nhân văn

Thanh Oai nằm trong vùng Đồng Bằng sông Hồng nơi có nền văn hóa dân tộc phát triển lâu đời và phong phú điển hình đó là hệ thống đình chùa, nhà thờ, miếu mạo đã có từ rất lâu không những đẹp mà còn tiêu biểu cho nhiều kiểu kiến

trúc khác nhau như: chùa Bối Khê, đình Bình Đà, nhà thờ Thạch Bích tại xã Bích Hòa… Các lễ hội truyền thống trong những năm gần đây được khôi phục và phát triển nhanh, mang đậm nét bản sắc dân tộc.

Tiềm năng con người là một trong những thế mạnh, với lực lượng lao động lớn có trình độ khoa học, kỹ thuật, có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm là điều kiện tiên quyết cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Thanh Oai còn là cái nôi của nền văn minh lúa nước, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cổ truyền. Đặc sắc nhất là làng làm nón lá ở Làng Chuông (Phương Trung), điêu khắc ở Võ Lăng (Dân Hòa), Dư Dụ (Thanh Thùy).... Ngoài ra rải rác khắp huyện là nghề mây tre đan.

4.1.1.6. Thực trạng môi trường

- Môi trường không khí, tiếng ồn:

Ô nhiễm không khí do giao thông ngày càng tăng. Trên địa bàn huyện có tuyến đường 21B chạy qua, đây là tuyến đường huyết mạch nối giao thông của huyện với các vùng lân cận. Hiện tại ô nhiễm về bụi ngày càng lớn do tốc độ phát triển các công trình xây dựng trên địa bàn huyện và vùng giáp danh, nồng độ bụi đều lớn hơn chỉ số tiêu chuẩn cho phép.

- Môi trường nước:

Nước thải sinh hoạt của các khu dân cư nông thôn hiện nay phần lớn chưa qua xử lý mà thải trực tiếp vào các nguồn nước mặt tiếp nhận là sông, hồ, kênh mương; nhiều sông, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải do vậy đã gây ô nhiễm nguồn nước mặt.

Nước thải từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp có xu hướng tăng cả về khối lượng và hàm lượng do các hệ thống xử lý nước thải chưa được lắp đặt hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đi vào hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Nước thải nguy hại từ bệnh viện, nước ngầm từ các bãi rác đều được đổ trực tiếp xuống sông, hồ. Nhìn chung ô nhiễm nước sông chủ yếu biểu hiện về ô nhiễm chất hữu cơ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện các quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện thanh oai, thành phố hà nội (Trang 46 - 49)