Giai đoạn Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng ở một số dự án tại xã đông triều, tỉnh quảng ninh (Trang 27 - 28)

Phần 2 Tổng quan các vấn đề nghiên cứu

2.3.2. Giai đoạn Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực

Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 thay thế cho Luật Đất đai năm 1987. Đây là văn bản pháp luật quan trọng nhất đối với việc thu hồi đất và bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Luật Đất đai 1993 quy định các loại đất sử dụng, các nguyên tắc sử dụng từng loại đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Một thủ tục rất quan trọng và là cơ sở pháp lý cho người sử dụng đất là họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Chính điều này làm căn cứ cho quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Để xác định nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước, Điều 12 Luật Đất đai 1993 đã quy định: “Nhà nước xác định giá các loại đất để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi giao đất hoặc cho thuê đất. Tính giá trị tài sản khi giao đất, bồi thường thiệt hại về đất. Chính phủ quy định khung giá các loại đất đối với từng vùng theo thời gian”. Điều 27 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người thu hồi đất được bồi thường thiệt hại”.

Để thực hiện Luật Đất đai 1993 được ban hành, Nhà nước đã ban hành rất nhiều các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư và các văn bản pháp quy khác về quản lý đất đai nhằm cụ thể hoá các điều luật để thực hiện các văn bản đó, bao gồm:

- Nghị định 90/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 1994 quy định cụ thể các chính sách và phân biệt chủ thể sử dụng đất, cơ sở pháp lý để xem xét tính hợp pháp của thửa đất để lập kế hoạch bồi thường GPMB theo quy định khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng và mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

- Nghị định 87/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ về việc ban hành khung giá các loại đất.

- Thông tư Liên bộ số 94/TTLB ngày 14 tháng 11 năm 1994 của Liên bộ Tài chính - Xây dựng - Tổng cục Địa chính - Ban vật giá Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị định 87/NĐ-CP.

- Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ, thay thế Nghị định 90/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001.

- Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai năm 1998, 2001. Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai năm 1998 được Quốc hội thông qua ngày 02/12/1998. Về cơ bản, Luật Đất đai sửa đổi năm 1998 vẫn dựa trên nền tảng cơ bản của Luật cũ, chỉ một số điều được bổ sung thêm cho phù hợp thực tế.

- Tháng 10/1999, Cục quản lý Công sản - Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo lần thứ nhất về sửa đổi bổ sung Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 về việc bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, một số điều cơ bản đã được đề nghị sửa đổi như xác định mức đất để tính bồi thường, giá bồi thường, lập khu tái định cư, quyền và nghĩa vụ của người bị thu hồi đất phải chuyển đến nơi ở mới, các chính sách hỗ trợ và các điều kiện bắt buộc phải có của khu tái định cư, Hội đồng bồi thường GPMB và thẩm định phương án bồi thường GPMB.

- Thông tư 145/1998/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 22/1998/NĐ-CP bao gồm các phương pháp xác định hệ số K, nội dung và chế độ quản lý, phương án bồi thường và một số nội dung khác.

- Văn bản số 4448/TC-QLCS ngày 04 tháng 9 năm 1999 của Cục quản lý Công sản, Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý một số vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB.

- Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai năm 2001. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 29 ngày 6 năm 2001 quy định cụ thể hơn về việc bồi thường thiệt hại và giải phóng mặt bằng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng ở một số dự án tại xã đông triều, tỉnh quảng ninh (Trang 27 - 28)