Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Tình hình tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN LÝ NHÂN
4.2.1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 “ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới” (sau tiếp tục bổ sung Quyết định số 342/QĐ-TTg, ngày 20/02/2013 “sửa đổi một số tiêu chí của
Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới”); Tỉnh ủy Hà Nam ban hành Nghị quyết
số 03-NQ/TU, ngày 21/4/2011 “về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam đến
năm 2020”; từ tháng 6/2009, huyện Lý Nhân đã chọn xã Nhân Bình tiến hành
khảo sát hiện trạng, lập Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới của huyện (cũng là 1 trong 6 xã được chọn làm điểm toàn tỉnh). Ngày 07/11/2011, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 14-KH/HU về quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới. Ngày 26/11/2011, Huyện ủy Lý Nhân tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của huyện quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 15/12/2011, 100% các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy đã hoàn thành việc quán triệt, học tập tới cán bộ, đảng viên. Thông qua việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên về mục đích, yêu cầu của xây dựng nông thôn mới.
Ngày 18/11/2011, Huyện ủy Lý Nhân ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU
“về xây dựng nông thôn mới huyện Lý Nhân đến năm 2020”; đảng uỷ các xã ban
hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo UBND huyện xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện; UBND các xã khảo sát thực trạng và xây
dựng Đề án xây dựng nông thôn mới trình UBND huyện phê duyệt xong trong năm 2011. Phương châm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện là: “tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; những tiêu chí trực tiếp phục vụ nhu cầu thiết thực cho cộng đồng dân cư được ưu tiên thực hiện trước, trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm tiêu chí phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”.
Huyện ủy đã chỉ đạo thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Tổ công tác giúp việc từ huyện đến các xã do đồng chí Bí thư cấp uỷ làm trưởng ban, UBND các xã thành lập Ban Quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới; các thôn, xóm thành lập Ban quản lý và Tổ giám sát cộng đồng. Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới các cấp có Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể, sát hợp theo chức năng, nhiệm vụ của các ngành và phụ trách cơ sở. Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của huyện thành lập các Tiểu ban Chỉ đạo theo các nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của huyện thành lập các Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng nông thôn mới đối với 22/22 xã trong huyện. Từ năm 2011 đến nay, các cấp ủy đảng trong huyện đã tổ chức 77 cuộc kiểm tra đối với 284 lượt tổ chức đảng cấp dưới (trong đó Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức 04 cuộc đối với 38 lượt đảng ủy xã); tổ chức 62 cuộc giám sát đối với 160 lượt tổ chức đảng cấp dưới (trong đó Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức 02 cuộc đối với 27 lượt đảng ủy xã) về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Để tháo gỡkịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thường trực Huyện uỷ, Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện, lãnh đạo UBND huyện thực hiện định kỳ hằng tháng giao ban với bí thư đảng uỷ và chủ tịch UBND các xã. Cùng với duy trì lịch ngày mùng 3 hằng tháng, các đồng chí Huyện uỷ viên, trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể của huyện dự họp với các chi bộ thôn, xóm; từ năm 2014, Huyện ủy đã phân công các đồng chí Huyện ủy viên, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của huyện về dự hội nghị giao ban nông thôn mới tại các xã vào chiều ngày 21 hằng tháng để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, kịp thời bàn các biện pháp khắc phục.
Hằng năm, chỉ đạo các xã đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới trong năm và đăng ký các tiêu chí, chỉ tiêu hoàn thành năm tiếp theo; đồng thời, Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của huyện đã ban hành Quyết định giao kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí và số điểm đạt được trong năm cho 22/22 xã.
4.2.2. Công tác tuyên truyền, vận dộng, đào tạo, tập huấn
Để công tác tuyên truyền, phổ biến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu; từ tháng 01/2012 đến nay, Huyện uỷ đã biên tập và phát hành Bản tin xây dựng nông thôn mới hằng tháng đến 100% chi bộ thôn, xóm để sinh hoạt thường kỳ, nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến và xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến, lồng ghép các mô hình, chương trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình với xây dựng nông thôn mới.
Thường xuyên sơ kết, đánh giá kết quả, tiến độ xây dựng nông thôn mới. Trong các hội nghị sơ kết quý, 6 tháng, tổng kết công tác năm của các cấp ủy đảng và tại các kỳ họp của HĐND các cấp đều có nội dung đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới. Duy trì tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ huyện và cơ sở về xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật thực hiện các chương trình, đề án phát triển sản xuất cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, nông dân.
4.2.3. Công tác quản lý kinh phí, nguồn vốn hỗ trợ
Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2016 là 3.110 tỷ đồng (trong đó ngân sách cấp trên 195,198 tỷ đồng, ngân sách huyện 46,809 tỷ đồng, ngân sách xã 54,303 tỷ đồng, vốn lồng ghép 823,191 tỷ đồng, vốn khác 395,499 tỷ đồng và vốn do nhân dân đóng góp 1.595 tỷ đồng). Tổng nguồn kinh phí trên chưa tính diện tích đất nhân dân tự nguyện hiến, góp để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi.
Tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện còn có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, người con quê hương Lý Nhân trên khắp mọi miền đất nước ủng hộ đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, xây nhà tình nghĩa và hỗ trợ vật tư để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông thôn, xóm, trường học...