KIỂM SOÁT CHI CÁC DỰ ÁN CTMTQG QUA KBNN

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) hoàn thiện công tác kiểm soát chi các dự án chương trình mục tiêu quốc gia qua kho bạc nhà nước thành phố buôn ma thuột (Trang 27)

8. Tổng quan tài liệu

1.2. KIỂM SOÁT CHI CÁC DỰ ÁN CTMTQG QUA KBNN

1.2.1. Chức năng, nhiệm vụ của KBNN

a. Chức năng của KBNN

Hệ thống KBNN được thành lập theo quyết định số 07/HĐBT ngày 04 tháng 01 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Từ ngày thành lập đến nay, qua từng thời kỳ xây dựng và phát triển chức năng, nhiệm vụ của KBNN được thay đổi để đáp ứng với sự phát triển của đất nước. Theo Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 08 năm 2009, KBNN có chức năng chủ yếu sau: KBNN là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước và các quỹ khác của Nhà nước được giao quản lý; quản lý ngân quỹ; tổng kế toán Nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật.

b. Nhiệm vụ của KBNN

Cũng theo Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 08 năm 2009, KBNN có một số nhiệm vụ sau:

- Quản lý quỹ ngân sách Nhà nước, quỹ tài chính Nhà nước và các quỹ khác được giao theo quy định của pháp luật:

+ Tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách Nhà nước; tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách Nhà nước các khoản

tiền của các tổ chức và cá nhân; thực hiện hạch toán số thu NSNN cho các cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

+ Kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác được giao theo quy định của pháp luật.

+ Quản lý, kiểm soát và thực hiện nhập, xuất các quỹ tài chính Nhà nước và các quỹ khác do Kho bạc Nhà nước quản lý; Quản lý tài sản quốc gia quý hiếm; quản lý tiền, tài sản, các loại chứng chỉ có giá của Nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại Kho bạc Nhà nước.

+ Được trích tài khoản của tổ chức, cá nhân mở tại Kho bạc Nhà nước để nộp ngân sách Nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật; từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức hạch toán kế toán ngân sách Nhà nước, các quỹ và tài sản của Nhà nước, thực hiện công tác thống kê, báo cáo tài chính:

+ Tổ chức hạch toán kế toán ngân sách Nhà nước, các quỹ và tài sản của Nhà nước được giao quản lý, các khoản vay nợ, viện trợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức thực hiện công tác thống kê Kho bạc Nhà nước và chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện công tác thanh toán và điều hòa vốn:

+ Tổ chức quản lý, điều hành ngân quỹ Kho bạc Nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống.

+ Mở tài khoản tiền gửi hoặc tài khoản thanh toán tại ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại để thực hiện các nghiệp vụ.

+ Được sử dụng ngân quỹ Kho bạc Nhà nước để tạm ứng cho ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Tổ chức huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và đầu tư phát triển thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

- Tổ chức quản trị và vận hành hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.

1.2.2. Kiểm soát chi các dự án CTMTQG qua KBNN

a. Khái niệm kiểm soát chi qua KBNN

Kiểm soát chi vốn từ NSNN qua KBNN là quá trình kiểm soát và thực hiện việc thanh toán vốn cho các dự án thuộc đối tượng sử dụng vốn NSNN trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan gửi đến KBNN nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn NSNN đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng chính sách, chế độ do Nhà nước quy định.

b. Kiểm soát chi các dự án CTMTQG qua KBNN

Kiểm soát chi các dự án CTMTQG là việc cơ quan cấp phát kinh phí NSNN thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động, các khoản chi từ NSNN cho các dự án, công trình thuộc vốn CTMTQG đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng mục tiêu của dự án đã được duyệt, các khoản chi phải tuân thủ đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành, đúng định mức, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành.

Như vậy, kiểm soát chi các dự án CTMTQG từ NSNN qua KBNN là quá trình kiểm soát và thực hiện việc thanh toán vốn cho các dự án thuộc đối tượng sử dụng vốn NSNN trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan gửi đến KBNN nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn NSNN đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng chính sách, chế độ do Nhà nước quy định.

KBNN thực hiện kiểm soát chi các dự án CTMTQG theo chế độ, quy định của Nhà nước. Do đó, KBNN có quyền từ chối thanh toán các khoản chi mà đơn vị sử dụng vốn không chấp hành đúng các quy định về kiểm soát chi.

Thủ trưởng KBNN chịu trách nhiệm hoàn toàn về các quyết định thanh toán, chi trả hoặc từ chối thanh toán theo quy định.

c. Đặc điểm của kiểm soát chi vốn CTMTQG qua KBNN

Do nguồn vốn đầu tư cho các CTMTQG chiếm một tỷ trọng tương đối trong chi NSNN, nên chi vốn CTMTQG có tác động đến chính sách tài khóa của Chính phủ. Kiểm soát chi vốn CTMTQG nhằm bảo đảm các khoản chi từ NSNN đúng mục đích, phát huy hiệu quả của chính sách tài khoá, bảo đảm an sinh xã hội.

d. Vai trò của KBNN trong kiểm soát chi các dự án CTMTQG

KBNN giữ vai trò quan trọng trong quy trình chi NSNN, KBNN trở thành “trạm gác cuối cùng” được Nhà nước giao nhiệm vụ kiểm soát trước khi đồng vốn của Nhà nước ra khỏi quỹ NSNN.

Kiểm soát chi các dự án CTMTQG góp phần thúc đẩy thực hiện chế độ kế toán XDCB, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp chính xác, minh bạch, rõ ràng.

KBNN thực hiện kiểm tra, kiểm soát các khoản chi các dự án CTMTQG về tính hợp pháp, hợp lệ của khoản chi, bảo đảm đúng mục đích, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện được cơ quan, đơn vị nào sử dụng kinh phí sai mục đích, sai chế độ, KBNN được phép từ chối thanh toán. Từ đó hạn chế được tình trạng thất thoát, lãng phí kinh phí NSNN, đồng thời giúp cho việc sử dụng NSNN tiết kiệm, hiệu quả.

KBNN tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình chi NSNN qua KBNN theo từng địa bàn và từng cấp ngân sách. Từ đó rút ra kết quả, tồn tại và nguyên nhân tồn tại, cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan tài chính và lãnh đạo chính quyền các cấp.

e. Nguyên tắc kiểm soát chi vốn CTMTQG của KBNN

Tất cả các khoản chi NSNN phải được kiểm tra, kiểm soát trong quá trình chi trả, thanh toán. Các khoản chi phải có trong dự toán NSNN được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định và đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được uỷ quyền quyết định chi.

KBNN kiểm soát thanh toán trên cơ sở hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư và căn cứ vào các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng (số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán và điều kiện thanh toán) để thanh toán theo đề nghị của chủ đầu tư.

Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng thực hiện, định mức, đơn giá, dự toán các loại công việc, chất lượng công trình, KBNN không chịu trách nhiệm về các vấn đề này. KBNN căn cứ vào hồ sơ thanh toán và thực hiện thanh toán theo hợp đồng.

KBNN thực hiện “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với từng lần thanh toán của công việc, hợp đồng thanh toán nhiều lần. “Kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với công việc, hợp đồng thanh toán một lần và lần thanh toán cuối cùng của công việc, hợp đồng thanh toán nhiều lần.

Kế hoạch vốn năm của dự án chỉ thanh toán cho khối lượng hoàn thành được nghiệm thu đến ngày 31 tháng 12 năm kế hoạch; thời hạn thanh toán khối lượng hoàn thành đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau (trong đó có thanh toán để thu hồi vốn đã tạm ứng), trừ các dự án được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán.

Quá trình kiểm soát thanh toán nếu phát hiện quyết định của các cấp có thẩm quyền trái với quy định, KBNN phải có văn bản gửi cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét lại và nêu rõ ý kiến đề xuất. Nếu quá thời hạn đề nghị mà không nhận được trả lời thì được quyền giải quyết theo đề xuất. Nếu được trả

lời mà xét thấy không thỏa đáng thì vẫn phải giải quyết theo ý kiến của cấp có thẩm quyền; đồng thời phải báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn và báo cáo cơ quan Tài chính để xem xét, xử lý.

1.2.3. Nội dung công tác kiểm soát chi vốn CTMTQG

a. Tiếp nhận hồ sơ, chứng từ

Chủ dự án lập và gửi KBNN các hồ sơ, tài liệu, chứng từ thanh toán có liên quan theo quy định: Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, Giấy rút vốn đầu tư , Giấy rút dự toán và các hồ sơ khác tùy theo tính chất của từng khoản chi. Cán bộ kiểm soát chi tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, chứng từ và thực hiện kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ, chứng từ; sự lôgic về thời gian các văn bản, tài liệu, số lượng, loại hồ sơ, đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý, hợp lệ của hồ sơ, chứng từ.

b. Tiến hành kiểm soát chi

Công chức được giao nhiệm vụ kiểm soát chi tiến hành kiểm tra các điều kiện chi trên cơ sở các hồ sơ, tài liệu và chứng từ chi của chủ dự án gửi cơ quan KBNN, cụ thể như sau:

- Kiểm tra, đối chiếu khoản chi với dự toán, đảm bảo các khoản chi đã có trong dự toán được duyệt và phải phù hợp với điều kiện của hợp đồng (đối với khoản chi có hợp đồng).

- Kiểm tra, kiểm soát các khoản chi, bảo đảm chấp hành đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đối với những khoản chi chưa có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN thì KBNN căn cứ vào dự toán được duyệt để kiểm tra, kiểm soát.

- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của lệnh chuẩn chi đã được Thủ trưởng của chủ dự án hoặc người được uỷ quyền quyết định chi. Khi kiểm soát hồ sơ giải ngân, KBNN phải kiểm tra lệnh chuẩn chi của Thủ trưởng cơ quan được giao chủ dự án hoặc người được ủy quyền (gọi chung là chủ tài khoản) đối với bất kỳ khoản chi nào. Chuẩn chi của chủ tài khoản được thể

hiện khi có đầy đủ chữ ký và dấu của chủ tài khoản, kế toán trưởng của đơn vị trên lệnh chuẩn chi (Giấy rút vốn đầu tư, Giấy rút dự toán); Mẫu dấu, chữ ký phải phù hợp với mẫu dấu, mẫu chữ ký đã đăng ký tại cơ quan KBNN.

- Kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ, chứng từ có liên quan. Các hồ sơ, chứng từ của chủ dự án gửi đến KBNN là căn cứ pháp lý để KBNN kiểm tra, kiểm soát, vì vậy mỗi khoản chi đều phải được lập đúng theo biểu mẫu quy định (đối với trường hợp quy định phải lập đúng biểu mẫu) và hồ sơ chứng từ thanh toán, tạm ứng kèm theo phải bảo đảm đầy đủ và hợp pháp, hợp lệ. KBNN có trách nhiệm kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ, chứng từ trước khi giải ngân cho đối tượng thụ hưởng.

- Kiểm tra các yếu tố liên quan đến hạch toán (Mục lục ngân sách), tùy theo từng nội dung, từng khoản chi mà chủ dự án ghi mã CTMTQG, mã chương, mã ngành kinh tế, mã nội dung kinh tế cho phù hợp trên chứng từ kế toán.

c. Quyết định sau kiểm soát chi

Sau khi kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ của chủ dự án, nếu đủ các điều kiện như trên thì KBNN thực hiện giải ngân (tạm ứng, thanh toán) cho đối tượng thụ hưởng theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện chi, thì cơ quan KBNN làm thủ tục thông báo từ chối thanh toán, từ chối tạm ứng, đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Từ đó có thể thấy thực chất của nội dung công tác kiểm soát chi vốn CTMTQG của KBNN là kiểm soát sự đáp ứng các điều kiện nêu trên đối với từng khoản chi cụ thể của chủ dự án, căn cứ vào hồ sơ, chứng từ do chủ dự án gửi đến cho KBNN.

1.2.4. Tiêu chí đánh giá công tác kiểm soát chi vốn CTMTQG

cần dựa vào một số tiêu chí sau:

- Tổng kế hoạch, dự toán nguồn vốn CTMTQG trong năm kế hoạch: Tổng kế hoạch, dự toán giao cho các CTMTQG trong năm cho thấy được quy mô hoạt động của công tác kiểm soát chi các dự án CTMTQG. Đối với góc độ KBNN giúp đánh giá được mức độ phù hợp của nguồn lực cho công tác kiểm soát chi các dự án CTMTQG.

- Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn CTMTQG trong năm kế hoạch: Tỷ lệ giải ngân là chỉ tiêu giúp phân tích, đánh giá năng lực của các chủ dự án trong việc triển khai các CTMTQG, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai chính sách của Nhà nước. Đối với KBNN, tỷ lệ giải ngân giúp cho việc xác định các nội dung chi cần được chú trọng để nâng cao chất lượng kiểm soát chi.

- Số lượng hồ sơ KBNN giải quyết trước hạn, đúng hạn, quá hạn: Trong công tác kiểm soát chi, ngoài việc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình, thì cũng phải bảo đảm thời gian kiểm soát. Do vậy, KBNN phải có biện pháp bố trí, sắp xếp giải quyết thanh toán cho đơn vị kịp thời, đúng thời gian quy định. Nếu tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn cao, KBNN cần phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến thời gian xử lý kiểm soát chi để tìm biện pháp khắc phục.

- Số món và số tiền KBNN chối cấp phát, thanh toán qua công tác KSC: Tiêu chí này thể hiện được mức đóng góp của KBNN trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các khoản chi vi phạm chế độ của Nhà nước. Đồng thời, phản ánh được ý thức tuân thủ, chấp hành luật pháp của chủ dự án trong việc sử dụng kinh phí NSNN. Tuy nhiên tiêu chí này còn phụ thuộc vào các yếu tố như: Sự đầy đủ, rõ ràng, nhất quán của quy trình, các quy định liên quan như chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi của Nhà nước; trình độ năng lực của cán bộ kiểm soát chi,… Vì vậy, khi xem xét, đánh giá kết quả của tiêu chí

này cần xem xét toàn diện các yếu tố ảnh hưởng, không nên máy móc chỉ dựa vào kết quả từ chối thanh toán để đánh giá chất lượng hoạt động kiểm soát chi của KBNN.

- Kết quả kiểm toán chi các dự án CTMTQG của Kiểm toán Nhà nước khi thực hiện kiểm toán tại các chủ dự án: Kết quả kiểm toán tại một số chủ dự án phản ánh tính khách quan chất lượng công tác kiểm soát chi của KBNN. Một khoản chi NSNN của chủ dự án trước khi được thanh toán cho đơn vị hưởng đều trải qua hai cửa kiểm soát chi, đó là: kiểm soát của chủ dự án trước khi quyết định chuẩn chi và kiểm soát của cơ quan KBNN trước khi

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) hoàn thiện công tác kiểm soát chi các dự án chương trình mục tiêu quốc gia qua kho bạc nhà nước thành phố buôn ma thuột (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)