Điều kiện tự nhiên và tài nguyên

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại phòng tài chính kế hoạch thị xã gia nghĩa, tỉnh đăk nông (Trang 35 - 38)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.1. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên

a. Điều kiện tự nhiên

Thị xã Gia Nghĩa nằm ở khu vực Nam Tây nguyên là trung tâm kinh tế- xã hội, chính trị của tỉnh Đăk Nông, được thành lập ngày 15 tháng 7 năm 2005 theo Nghị định số 82/2005/NĐ-CP, ngày 27/6/2005 của Chính Phủ, trên cơ sở diện tích, dân số của ba đơn vị hành chính là thị trấn Gia Nghĩa, xã Quảng Thành và xã Đăk Nia của huyện Đăk Nông cũ.

Phía Đông giáp huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông. Phía Tây giáp huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông. Phía Nam giáp huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Phía Bắc giáp huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông.

Dân số thị xã Gia Nghĩa tính đến 31/12/2013 là: 52.778 người, chiếm

khoảng 9,5% dân số toàn tỉnh Đắk Nông. Mật độ dân số: 185,84 người/km2. Thị xã Gia Nghĩa có 8 đơn vị hành chính gồm 05 phường: Nghĩa Đức,

Nghĩa Thành, Nghĩa Tân, Nghĩa Phú, Nghĩa Trung và 03 xã gồm: Quảng Thành, Đăk Nia và Đăk R’Moan.

Thị xã Gia Nghĩa cách thành phố Buôn Ma Thuột 120 km theo quốc lộ 14 về phía Đông Bắc; cách thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía Nam; là giao điểm giữa quốc lộ 14 nối thành phố Buôn Ma Thuột với thị xã Gia Nghĩa và các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh…, và quốc lộ 28 nối trung tâm thị xã Gia Nghĩa với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh vùng Duyên

hải Nam Trung Bộ như: Ninh Thuận, Bình Thuận,…Trong tương lai sẽ có đường sắt đi qua nối khu mỏ khai thác bô xít với các khu công nghiệp của các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là lợi thế trong quan hệ phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai của thị xã, sẽ có điều kiện tăng cường các quan hệ hợp tác đầu tư phát triển.

Thị xã Gia Nghĩa có địa hình phức tạp, gồm nhiều dãy đồi núi mấp mô xen kẽ nhiều khe suối tự nhiên lớn, nhỏ tạo thành dạng địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh. Địa hình thị xã có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây; Địa hình của thị xã như vậy rất không thuận lợi trong canh tác nông nghiệp, xây dựng giao thông, xây dựng các công trình, nhưng lại tạo cảnh quan sinh động và thơ mộng cho khu đô thị có dáng vẻ đặc trưng riêng biệt của miền núi Tây Nguyên.

Thị xã Gia Nghĩa nằm trong tiểu vùng khí hậu Cao Nguyên Đăk Nông – Lâm viên Bảo Lộc, thời tiết mát mẻ, ít có gió bão, không có mùa đông lạnh, rất thuận lợi cho phát triển ngành du lịch, nghỉ dưỡng và sản xuất nông nghiệp.

Khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa bình quân năm là: 2.339 mm, phân bố chủ yếu vào mùa mưa (khoảng 90%). Về mùa khô, khí hậu khô hạn, độ ẩm thấp. Sự phân bố không đồng đều này đã ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

- Nhiệt độ bình quân năm là: từ 220C - 240C. - Số giờ nắng bình quân năm từ 2.000 – 2.200 giờ. - Lượng bốc hơi bình quân năm là: 1.000 mm. - Độ ẩm không khí bình quân năm là: 82%.

gió Tây Nam.

b. Tài nguyên

- Tài nguyên đất:

Diện tích tự nhiên của thị xã Gia Nghĩa có 28.384 ha và cơ cấu sử dụng đất năm 2013 như sau:

1- Đất nông nghiệp: 22.511 ha 2- Đất phi nông nghiệp: 4.619 ha 3- Đất chưa sử dụng: 1.254 ha

Như vậy diện tích đất chưa sử dụng vẫn còn nhiều, chủ yếu là đất đồi núi chưa sử dụng, có thể khai thác đưa vào trồng rừng phát triển lâm nghiệp và du lịch

- Tài nguyên nước:

Tài nguyên nước mặt do nguồn nước mưa cung cấp, được lưu giữ trong các hồ và hệ thống khe suối. Nhìn chung, nước mặt trong khu vực tương đối dồi dào do lượng mưa trung bình năm lớn. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng của khí hậu cao nguyên, lại nằm ở phía Tây, cuối dãy Trường Sơn nên vào mùa khô mưa ít, nắng nóng kéo dài làm khô hạn, nhiều lúc thiếu nước.

Tài nguyên nước ngầm, phân bố ở hầu khắp cao nguyên bazan và các địa bàn trong khu vực nghiên cứu, có trữ lượng lớn ở độ sâu 40-90m. Đây là nguồn cung cấp nước bổ sung cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô.

- Tài nguyên rừng:

Trước đây rừng tự nhiên được phân bố đều trong khu vực thị xã, tập trung chủ yếu ở vùng núi cao, rừng tự nhiên có nhiều hệ động vật, thực vật phong phú và đa dạng. Nhiều khu rừng nguyên sinh có nhiều loại gỗ và nhiều loại dược liệu có giá trị kinh tế và khoa học. Trong rừng còn có nhiều loại động vật quý hiếm như: voi, hổ, gấu v.v. được ghi trong sách đỏ thế giới. Rừng đóng vai trò phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, bảo vệ môi sinh.

Trong những năm gần đây diện tích rừng dần bị thu hẹp và hiện giờ rừng trong khu vực đô thị Gia Nghĩa hầu như không còn nữa, đất rừng đã nhường lại cho cây công nghiệp, hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế. Rừng nói chung chỉ còn lại rất ít tại khu vực xã Trường Xuân và một vài cụm nhỏ lẻ trong khu vực.

- Tài nguyên khoáng sản:

Trên địa bàn thị xã có các loại khoáng sản như bô xít, đá Grannit, sét Cao Lanh và một số khoáng sản quý hiếm như Vonfram, Thiếc,… Ngoài ra còn có các tài nguyên khá phong phú là nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng như: đá xây dựng, đất sét phân bố rải rác, có thể khai thác công nghiệp, sản xuất gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng. Sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp phân bố tập trung ở thị xã Gia Nghĩa hiện nay. Hiện tại, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã triển khai thăm dò tổng thể và thí điểm khai thác bô xít một số vị trí. Hiện nay, đã triển khai xây dựng nhà máy khai thác bô xít ở xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp, dự kiến cuối năm 2015 sẽ đưa vào vận hành khai thác. Trong năm 2016 sẽ tiến hành khai thác bô xít quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông nói chung và thị xã nói riêng và giải quyết việc cho người lao động trên địa bàn thị xã.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại phòng tài chính kế hoạch thị xã gia nghĩa, tỉnh đăk nông (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)