Các cử nhân khi tốt nghiệp ĐH phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại khi xin việc làm như:
Thất nghiệp
Một trong những vấn đề nan giải nhất mà sinh viên phải đối mặt sau khi ra trường là tình trạng thất nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê định nghĩa về người thất nghiệp, định nghĩa “thất nghiệp” căn cứ vào ba tiêu chuẩn sau: (1) Hiện không làm việc; (2) Đang tìm kiếm việc làm; (3) Sẵn sàng làm việc.
Những người thất nghiệp là những người thoả mãn tất cả 3 yếu tố trên.
Ngoài ra những người như sau cũng được phân loại là người thất nghiệp: (1) Người không làm việc; (2) Người sẵn sàng/có nhu cầu làm việc nhưng hiện không tìm việc Người thất nghiệp khác với người không hoạt động kinh tế. Người không hoạt động kinh tế là những người không làm việc và cũng không phải là người thất nghiệp trong tuần nghiên cứu. Họ có thể là : học sinh, sinh viên, nội trợ gia đình, không thể làm việc do mất khả năng lao động, người tàn tật, người quá trẻ, quá già,...
Hiện nay, nhóm lực lượng lao động ĐH trở lên có tỷ lệ thất nghiệp lớn.
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2016,2017)
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê về thị trường Lao động Việt Nam vào quý 3 năm 2017, lực lượng lao động từ ĐH trở lên chiếm số lượng lớn nhất trong nhóm lao động thất nghiệp chia theo cấp trình độ . Lượng này cao gần gấp đôi so với nhóm trung cấp (1,97 lần Q2/2017 và 2,5 lần Q3/2017). Điều này chứng tỏ một trong những vấn đề lớn lao mà sinh viên phải đối mặt đầu tiên khi tốt nghiệp chính là nỗi sợ thất nghiệp. Lý do dẫn đến thất nghiệp có rất nhiều lý do, nhóm tác giả sẽ bàn kĩ hơn nội dung này ở mục 2.5.
Chênh lệch cung cầu thị trường lao động của lực lượng lao động sinh viên
Với số lượng sinh viên đầu ra hằng năm rất lớn ( vào năm học 2016-2017 thì số lượng cử nhân tốt nghiệp là 305,601), tổng số lượng sinh viên trong lực lượng lao động hiện nay đã vượt quá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Vì vậy, sự chênh lệch cung - cầu thị trường lao động này đã dẫn đến một nhóm sinh viên không có việc làm. Khi đó, nhóm này sẽ phải đối mặt với các vấn đề như: thất nghiệp, làm trái ngành nghề hoặc đi làm các công việc tạm thời.
Kiến thức ở trường ít được áp dụng thực tế
Các bài giảng ở trên giảng đường ĐH còn mang nặng tính lý thuyết và thiếu sự thực hành, điều này dẫn đến các kiến thức của sinh viên không có tính áp dụng vào thực tiễn nhiều. Thêm vào đó, đòi hỏi của nhà tuyển dụng đối với sinh viên đang ngày càng cao hơn. Các doanh nghiệp không chỉ yêu cầu kiến thức lý thuyết mà còn đòi hỏi hiểu biết thực tế. Sinh viên gặp rất nhiều trở ngại trong vấn đề tìm việc làm do kiến thức được học ở trường không đủ áp dụng và đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Môi trường làm việc không phù hợp với mong muốn của sinh viên
Khi các sinh viên mới ra trường đi làm, các vấn đề thuộc làm môi trường làm việc của doanh nghiệp như: lương, cơ sở vật chất, chế độ ưu đãi,đồng nghiệp,... không đúng như mong muốn, kì vọng của sinh viên.
Kỹ năng cá nhân của sinh viên không đủ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt tìm việc làm, các kỹ năng cá nhân là điểm yếu của sinh viên Việt Nam hiện nay, như: xử lý tình huống, thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc độc lập, tổ chức công việc khác,...
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu công việc, các sinh viên còn cần có các bằng cấp liên quan đến chuyên ngành, chứng chỉ ngoại ngữ,...