Doanh nghiệp và xã hội

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn làm trái ngành nghề của sinh viên (Trang 79 - 83)

Truyền thông

Hàng năm, bắt đầu từ tháng tư, trên các phương tiện truyền thông thường xuyên xuất hiện thông tin về tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh. Tuy nhiên, truyền thông chính là nguồn thông tin ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và quyết định lựa chọn của thí sinh. Bộ Thông tin và truyền thông nên kiểm soát chặt chẽ nội dung truyền tải của thông tin trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin được cung cấp nên xoay quanh những con số về thị trường nghề nghiệp Việt Nam như cơ hội việc làm, nhu cầu của ngành,... thay vì hướng tới và xác định ngành nghề “hot”. Chính vì sự nhận định của truyền thông, quý vị phụ huynh và bản thân học sinh đã nộp hồ sơ vào ngành học không phù hợp, dẫn tới tỷ lệ trái ngành càng cao. Truyền thông giờ đây nên khuyến khích các em học sinh hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, khả năng của bản thân để từ đó chọn được chuyên ngành đào tạo sao cho phù hợp với cá nhân mình nhất.

Xã hội

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang duy trì nhiều tổ chức tư vấn nghề nghiệp. Các trung tâm này cung cấp dịch vụ tư vấn và định hướng nghề nghiệp để học cao hơn, các khả năng và cơ hội nghề nghiệp, tư vấn về khóa học. Các trung tâm hoặc tổ chức này thực hiện các hoạt động tư vấn chuyên nghiệp, giúp đỡ những cá nhân gặp phải khó khăn khi đưa ra quyết định nghề. Các tư vấn viên, chuyên gia làm việc cùng với những học sinh đang tìm kiếm về nghề, cơ hội nghề nghiệp, thay đổi nghề, làm trái ngành hoặc những người đang tìm kiếm việc làm. Hình thức tư vấn có thể là tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm hoặc các phương tiện khác như gọi điện, nhắn

tin, fanpage trên mạng xã hội, website. Các tổ chức nổi tiếng trên thế giới về tư vấn nghề nghiệp tại các quốc gia trên thế giới có thể kể đến như Tổ chức quốc gia về tư vấn và hướng dẫn nghề nghiệp ENTO được thành lập 2006 tại Anh (ENTO: National Occupational Standards for Advice and Guidance); Hội đồng nghề Savickas được thành lập 2011 tại Mỹ.

Một trong những tổ chức định hướng nghề nghiệp xuất hiện sớm trên thế giới là vào 2003, Tổ chức định hướng giáo dục và dạy nghề quốc tế IAEVG: “ International Competences for Educational and Vocational Guidance”. Tư vấn viên của những tổ chức này đều là các cố vấn, chuyên gia, người hướng dẫn chuyên nghiệp, có trình độ và hiểu biết sâu về lao động, nhiều chuyên gia có bằng cấp từ Liên đoàn tư vấn quốc tế ICF (International Coach Federation) , Hiệp hội tư vấn tâm lý BPS (British Psychology Society). Bằng chuyên môn trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp và thị trường lao động, các cố vấn tìm hiểu sâu và chi tiết về phẩm chất, kinh nghiệm, ưu điểm và nhược điểm cá nhân, đồng thời cân nhắc đến mức lương mong muốn, sở thích cá nhân, địa điểm, thị trường lao động và vấn đề đào tạo nghề. Nhờ khả năng định hướng và tư vấn của mình, các chuyên gia giúp học sinh, sinh viên nhận ra điều quan trọng với bản thân họ là gì, cách lên kế hoạch một cách độc lập, chủ động, giúp họ đưa ra những quyết định khó khăn và vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng.

Đồng thời, những người tư vấn nghề nghiệp này có khả năng giúp đỡ khách hàng trong việc tìm kiếm những vị trí làm việc phù hợp, giải quyết các xung đột, tìm kiếm sự hỗ trợ của các dịch vụ khác. Tùy theo lợi nhuận và cách thức hoạt động của từng tổ chức tư vấn trên các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước gây quỹ và ủng hộ công khai cho các dịch vụ tư vấn định hướng giáo dục, nhằm mục đích giải quyết được tỉ lệ thất nghiệp và trái ngành, các vấn đề trong thị trường lao động, hướng đến một lực lượng và thị trường lao động có chất lượng.

Hầu hết các trường Đại Học tại Vương Quốc Anh hiện nay đều cung cấp dịch vụ tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh và sinh viên. Nhiều công ty cũng có phòng tư vấn nghề nghiệp cho nhân viên của mình. Đây là loại hình dịch vụ phổ biến xuyên suốt Vương Quốc Anh. Theo thường lệ, khách hàng hoặc các học sinh, sinh viên sẽ gặp mặt trực tiếp tư vấn viên, chuyên gia hoặc họ có thể lựa chọn hình thức tư vấn qua điện thoại hay các phương tiện online. Nhiều công ty tư nhân cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp trực tuyến theo đăng kí định kì hoặc tổ chức các buổi workshop, hội thảo công cộng. Sự xuất hiện của các tổ chức này giải quyết được các thách thức trong thị trường lao động hiện nay như làm trái ngành, thất nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, hướng dẫn xin việc, viết đơn xin việc, giải quyết xung đột với lãnh đạo,…

Hiện nay các trung tâm tư vấn – hướng nghiệp giới thiệu việc làm đã có tại Việt Nam, ví dụ như: Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Điểm Yên Hòa, Trung tâm Tư vấn viẹc làm và hỗ trợ sinh viên, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nôi của Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Việc làm 24h, … Tuy nhiên các tổ chức này chủ yếu giải quyết trường hợp của các cá nhân

thất nghiệp và thu lợi nhuận từ việc lấy phí môi giới việc làm. Hiện vẫn chưa có một tổ chức thực sự phục vụ việc tư vấn, định hướng cho các học sinh THPT lựa chọn ngành và trường Đại học, các sinh viên đang gặp khó khăn trong việc làm hay không làm trái ngành,…Đồng thời, học sinh – sinh viên tại Việt Nam vẫn chưa được định hướng hay có thói quen cần phải đến tư vấn khi gặp vấn đề như sinh viên các quốc gia phát triển , mà thường loay hoay tự giải quyết bằng ý định và hiểu biết cá nhân hoặc ý kiến của nhóm tham khảo như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…

Tỉ lệ trái ngành và thất nghiệp ở Việt Nam cao hơn so với các quốc gia phát triển vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến công tác định hướng của xã hội và nhà trường. Vì vậy viêc mở ra các tổ chức thực sự quan tâm và chuyên nghiệp trong công tác tư vấn, định hướng phục vụ cho học sinh và sinh viên và không hướng đến mục đích kiếm lợi nhuận từ việc môi giới việc làm là cần thiết. Cách thức và mô hình hoạt động của các tổ chức này có thể học tập từ các quốc gia đã xây dựng và phát triển thành công các tổ chức hay trung tâm cung cấp dịch vụ này như đã liệt kê phía trên. Đồng thời học sinh Việt Nam cần có thói quen định hướng sớm nghề nghiệp ngay từ khi còn học trung học. Hiện nay, đa phần các sinh viên khi lựa chọn nghề nghiệp đều là vì danh tiếng của trường, nguyện vọng của bố mẹ, số lượng học sinh THPT thực sự hiểu mình đam mê điều gì, khả năng, kĩ năng cá nhân phù hợp với ngành nào là thiểu số.

Trong chương trình “Lộ Trình Tỏa Sáng” diễn ra ngày 8 tháng 7 năm 2017 tại trường Quốc Tế Bắc Mỹ, cô Tiffany Kennedy, Trưởng ban Tư vấn chiến lược học thuật và định hướng sớm nghề nghiệp chia sẻ: “Hướng nghiệp sớm – ngay từ khi còn ở trung học, giúp các em học sinh nhận thức đúng đắn nghề nghiệp mình muốn làm, cũng như có được một lộ trình học tập chiến lược để đạt được những mục tiêu học tập và nghề nghiệp sau này”. Các bạn trẻ ngày nay thường chọn ngành học của mình theo cảm tính nhiều hơn lý tính. Tức là thích ngành vì nghe nói đó là xu hướng, là dễ xin việc, tự bản thân các em chưa thực sự biết rõ mình muốn gì, cần làm gì, học những gì để đạt được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai. Việc hướng nghiệp ở Việt Nam thường bắt đầu vào những tháng cuối thi cấp 3. Quá trình đưa ra nhận xét, đánh giá và lựa chọn của học sinh nên được cân nhắc và suy xét trong cả một quá trình. Vì vậy, việc tạo cho học sinh thói quen về định hướng nghề nghiệp từ sớm có trách nhiệm của cả xã hội, bao gồm nhà trường, gia đình và các hoạt động truyền thông.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại mỗi trường ĐH là công việc cần thực hiện thường xuyên, cần thiết, bắt buộc. Trên cơ sở tỷ lệ việc làm của sinh viên, các trường ĐH xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành, điều chỉnh, cập nhật nội dung chương trình…Các thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp giúp kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, xếp hạng, phân tầng,…Trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD &ĐT 2018, đề án tuyển sinh của các trường cần phải công bố thông tin về tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh. Thông tin

này sẽ giúp thí sinh có cơ sở để lựa chọn ngành học khi đăng kí xét tuyển trong kì thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, thách thức trước mắt là việc công bố thông tin nhưng số liệu không minh bạch, không đúng thực tế. Sau khi công bố, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho 4 trung tâm kiểm định chất lượng để thậm định và xác định nhằm đảm bảo việc công khai sẽ có trách nhiệm và đáng tin cậy khi công bố với xã hội. Nếu các trường làm không đúng, kết quả sẽ được Bộ GD&ĐT công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công tác công khai thông tin đã được các trường thực hiện trong vài năm gần đây, tuy nhiên, số liệu về sinh viên làm trái ngành được công khai là không có. Muốn giải quyết được trái ngành, việc các trường ĐH và Bộ GD&ĐT kiểm soát, đánh giá và so sánh số lượng sinh viên làm trái ngành hàng năm là một điều cần thiết làm. Việc công khai tỉ lệ sinh viên làm trái ngành là biện pháp đúng đắn để cung cấp thông tin cho thí sinh và xã hội biết về chất lượng đào tạo của từng trường. Khi việc công khai chất lượng là bắt buộc, các trường phải có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang cần, để sinh viên ra trường tìm được việc làm, không lãng phí chi phí và thời gian đào tạo. Việc công khai này cũng là một cách để các trường truyền thông về chất lượng đào tạo hiệu quả hơn nếu chương trình đạo tạo của trường chất lượng và có tính thực tiễn.

Doanh nghiệp

Một trong những điểm khác biệt trong công tác tuyển dụng giữa Việt Nam và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật,… là yêu cầu về bằng cấp đúng chuyên ngành khi xin việc tại các doanh nghiêp. Thực tế tại Việt Nam là nhiều doanh nghiệp không hề có yêu cầu chính sách khắt khe về bằng cấp đối với các vị trí trong công ty, dẫn đến rào cản trái ngành thấp, dễ dàng chuyển đổi ngành. Chẳng hạn như vị trí thiết kế đồ họa, chỉ cần có nhiều sản phẩm đã thực hiện là sinh viên có thể đi làm luôn, không yêu cầu bằng cấp đến từ các trường thiết kế chuyên môn, không cần biết trước đó sinh viên học chuyên ngành gì ở đại học. Marketer ở nhiều doanh nghiệp không cần phải là sinh viên đến từ các trường ĐH có chương trình giảng dạy chuyên ngành Marketing mà chỉ cần có kinh nghiệm viết bài, thiết kế, làm quảng cáo là nhiều nhà tuyển dụng gật đầu đồng ý. Trong khi đó, tại nước ngoài, việc có bằng cấp phù hợp và đúng với vị trí ứng tuyển là điều bắt buộc. Chẳng hạn như việc nộp đơn vào làm giáo viên của một trung tâm dạy ngoại ngữ hay các tổ chức về ngôn ngữ tại nhiều nước, cần có các chứng chỉ thuộc chuyên ngành sư phạm và giảng dạy để có thể được nhà tuyển dụng duyệt hồ sơ. Tuy nhiên, cũng cùng một vị trí đó, nếu là tại Việt Nam, sinh viên có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC là có thể đứng lớp mà không cần bằng cấp SP. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những sự khác biệt trên?

Nguyên nhân đầu tiên là do hiện nay không có các chính sách nào ép buộc phải đúng chuyên ngành mới có thể làm việc tại Việt Nam, các chính sách còn nhiều lỏng lẻo, vậy nên việc học một ngành làm ngành khác là điều có thể dễ dàng thực hiện và đi đâu cũng có. Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến là việc học ở đa số các trường ĐH còn mang tính lý thuyết nhiều, vậy nên đối với các doanh nghiệp, kiến thức thực tế của tất cả sinh viên là như nhau, khi đi làm đều phải đào tạo lại từ đầu vậy nên các nhà tuyển dụng không quan tâm nhiều đến bằng cấp ....

Một trong những vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay là chủ trương miễn học phí cho tất cả sinh viên ngành sư phạm của các trường ĐH, CĐ công lập. Chính sách này đã được thực hiện gần 20 năm, với mục tiêu thu hút sinh viên giỏi vào SP, thế nhưng cho đến nay hiện tượng sinh viên SP học xong không đi làm giáo viên mà tham gia vào thị trường lao động ở những lĩnh vực khác nhau hay còn gọi là làm trái ngành chiếm một tỉ lệ lớn và gây tranh cãi. Chính sách miễn giảm học phí là trợ cấp từ ngân sách của Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như ĐHSP TP.HCM, ngân sách Nhà nước phân bổ cho trường lên đến gần 50%. Trong khi đó, rất nhiều ngành nghề xã hội đang cần thì lại chỉ được phân bổ ngân sách ở mức 12%-15%. Tận dụng chính sách này, nhiều học sinh vì muốn được học ĐH với mức giá miễn phí đã bất chấp nộp đơn, để rồi hệ quả là sinh viên trường SP ra trường không làm đúng ngành và thất nghiệp nhiều trong khi ngân sách được phân bổ để miễn giảm học phí chênh lệch nhiều so với các trường khác, tạo sự bất công. Một nghiên cứu được thực hiện bởi khoa SP Trường ĐH Cần Thơ cho thấy có tới hơn 50% sinh viên chọn ngành SP do được miễn học phí. Nếu ngành SP phải đóng học phí, hơn 55% sinh viên nói họ sẽ bỏ học; hơn 20% sinh viên lưỡng lự có nên học nữa hay không và chỉ có khoảng 22% khẳng định họ vẫn tiếp tục học ngành SP.

Sáng ngày 18 tháng 10 năm 2017, tại Hội thảo hoàn thiện chính sách - pháp luật về giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính Sự nghiệp - Bộ Tài chính nêu quan điểm: “ Chỉ nên miễn với một số đối tượng nhất định như sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia để thu hút người giỏi vào SP”. Khi nhu cầu giáo viên cơ bản được đáp ứng và chỉ một số ít sinh viên SP được làm đúng nghề thì việc miễn, giảm học phí với sinh viên SP là không còn phù hợp. Một trong những đề xuất được đưa ra cũng trong buổi Hội thảo đó là hoàn trả hoc phí cho những sinh viên công tác đúng ngành SP trong một thời gian nhất định. Điều này vừa giữ chân được người tài theo học, lại vừa tránh được tình trạng học SP nhưng ra làm ngành khác, gây lãng phí thời gian, nguồn lực và ngân sách.

Tóm lại, một trong những giải pháp giúp giải quyết việc làm trái ngành hiện nay, đó là phân bổ ngân sách cho giáo dục tại các trường ĐH một cách thông minh, hợp lý, chính xác; cắt giảm các khoản trợ cấp không còn cần thiết hay có tác dụng hỗ trợ như việc chi bổ ngân sách chưa hợp lý cho các trường SP trên địa bàn cả nước.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn làm trái ngành nghề của sinh viên (Trang 79 - 83)