Đặc điểm về tự nhiên

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nguồn nhân lực hành chính cấp xã tại huyện đức phổ, tỉnh quảng ngãi (Trang 34 - 37)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

2.1.1. Đặc điểm về tự nhiên

a. Vị trí địa lý

Đức Phổ là một huyện đồng bằng ven biển, nằm về phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 40 km, được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 14034'40" đến 14054'50" vĩ độ Bắc và 108047'50" đến 109005'60" kinh độ Đông.

Phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp huyện Nghĩa Hành và huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; phía Nam giáp huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; phía Bắc giáp huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Huyện Đức Phổ có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 xã và 01 thị trấn, trong đó có 07 xã đồng bằng: Thị trấn Đức Phổ, Phổ Cường, Phổ Hòa, Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Văn, Phổ Thuận; 06 xã bãi ngang ven biển: Phổ Thạnh, Phổ Châu, Phổ Khánh, Phổ Vinh, Phổ Quang, Phổ An; 02 xã thuộc khu vực miền núi: Phổ Phong, Phổ Nhơn. Trung tâm hành chính của huyện đặt tại Thị trấn Đức Phổ.

Hình thể của huyện trải dài theo bờ biển phía nam tỉnh Quảng Ngãi. Hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam chạy suốt chiều dài của huyện, có Quốc lộ 24 nối từ Quốc lộ 1A đi tỉnh Kon Tum, có 2 cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh là đầu mối giao thông đường thủy và

là tụ điểm của nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó còn có Sa Huỳnh với bãi tắm có cảnh quan đẹp và nhiều di tích lịch sử là một điểm du lịch của tỉnh.

Vị trí địa lý huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được thể hiện qua hình 2.1 sau.

b. Địa hình

Đức Phổ có địa hình phức tạp, đa dạng, bị chia cắt mạnh, núi và đồng bằng xen kẽ, một số nhánh núi của dãy Trường Sơn chạy ra tận bờ biển. Có ba dạng địa hình:

- Vùng bắc và nam sông Trà Câu có địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng trọng điểm sản xuất lúa;

- Vùng nam sông Trà Câu đến núi Dâu có núi và đồng bằng xen kẽ, có nhiều sông, suối, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc giảm từ tây sang đông, thường bị ngập úng vào mùa mưa;

- Vùng nam núi Dâu đến đèo Bình Đê chủ yếu là đồi núi và có một số dãy núi chạy suốt ra bờ biển, có một ít đồng bằng nhỏ hẹp nằm cạnh các suối và xen kẽ với núi.

c. Đất đai

Điều kiện tự nhiên ở huyện Đức Phổ không thuận lợi như một số huyện khác trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là độ phì nhiêu của đất, diện tích đất đai canh tác không rộng. Theo số liệu báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì năm 2014 tổng diện tích tự nhiên của huyện Đức Phổ là 37.287,61 ha. Trong đó:

- Đất nông nghiệp: 30.312,93 ha, chiếm 81,29% diện tích tự nhiên, bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp: 14.053,70 ha, chiếm 37,69%; Đất lâm nghiệp: 15.976,93 ha, chiếm 42,85%; Đất nuôi trồng thuỷ sản: 157,25 ha, chiếm 0,42%; Đất làm muối: 116,06 ha, chiếm 0,31%; Đất nông nghiệp khác: 8,99 ha, chiếm 0,02%.

- Đất phi nông nghiệp: 5.932,33 ha, chiếm 15,91% diện tích tự nhiên, bao gồm: Đất ở: 1.158,85 ha, chiếm 3,11%; Đất chuyên dùng: 2.254,15 ha, chiếm 6,05%; Đất cơ sở tôn giáo: 7,51 ha, chiếm 0,02%; Đất cơ sở tín ngưỡng: 9,96 ha, chiếm 0,03%; Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa : 811,49 ha,

chiếm 2,18%; Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối: 676,69 ha, chiếm 1,81% so với DTTN; Đất có mặt nước chuyên dùng: 1.013,67 ha, chiếm 2,72% so với DTTN;

- Đất chưa sử dụng: 1.042,35 ha, chiếm 2,80% diện tích tự nhiên, bao gồm: Đất bằng chưa sử dụng: 842,96 ha, chiếm 2,26%; Đất đồi núi chưa sử dụng: 198,57 ha, chiếm 0,53%; Núi đá không có rừng cây: 0,82 ha.

d. Thời tiết, khí hậu

Đức Phổ nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt độ cao, mưa tương đối nhiều, lượng mưa trung bình năm 1.915 mm, nhưng phân bố không đều trong năm.

Khí hậu được chia thành 2 mùa: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 25,8 0C, tháng giêng và tháng hai nhiệt độ trung bình chỉ đạt 21,5-22,5 0C, đặc biệt có lúc nhiệt độ xuống thấp, dưới 20 0C.

Đức Phổ nằm trong vùng gió mùa, có 2 mùa gió chính: gió mùa đông với hướng thịnh hành là Đông Bắc đến Bắc và gió mùa hạ với hướng chính là Đông đến Đông Nam, tốc độ gió trung bình 2 - 4 m/s. Trên biển trung bình có 135 ngày gió mạnh cấp 6 gây ảnh hưởng đến thời tiết đi biển của người dân, nhất là vào thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Mỗi năm trung bình có 1 - 2 cơn bão, thường có bão vào tháng 10, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nguồn nhân lực hành chính cấp xã tại huyện đức phổ, tỉnh quảng ngãi (Trang 34 - 37)