6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.3.2. Điều kiện kinh tế
- Vốn phát triển sản xuất:
Vốn là yếu tố quan trọng cho quá trình sản xuất. Việc các cơ sở sản xuất CN-TTCN có khả năng phát triển hay không một phần không nhỏ do vốn quyết định. Trước đây, vốn của các hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực TTCN thường là vốn của bản thân hộ đó, có huy động thì thường là của anh em hay họ hàng. Việc vốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhỏ bé sẽ kéo theo việc không cơ giới hóa được một số khâu đáng ra có thể làm được trong sản xuất và nó dẫn đến việc sản phẩm khó có khả năng cạnh tranh. Một khi sản phẩm khó có khả năng cạnh tranh thì việc thu hồi và phát triển vốn lại khó… Cứ thế nó rơi vào một cái lòng vòng luẩn quẩn không thoát ra được là: vốn ít → thiết bị thủ công lạc hậu →sản phẩm làm ra với năng suất thấp → giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm → thu hồi vốn khó → vốn ít… Để các cơ sở sản
xuất CN-TTCN thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, vấn đề đặt ra là cần phải tìm ra một khâu đột phá mà đối với sự phát triển và đó chính là vấn đề vốn.
Khi có nguồn vốn lớn, các cơ sở sẽ được tiếp cận với những công nghệ hiện đại hơn, làm giảm sự hao hụt nguyên vật liệu, giảm chi phí nhân công từ đó kéo theo giá thành giảm. Sản phẩm được sản xuất hàng loạt, đồng đều về mẫu mã, chất lượng làm tăng khả năng vươn ra ngoài các thị trường mới.
- Vùng nguyên vật liệu:
Đây là yếu tố quan trọng vì nó gắn liền với chất lượng sản phẩm. Cùng với điều kiện gần nguồn nguyên vật liệu, nguyên vật liệu tạo sản phẩm phải đáp ứng tốt nhất về chất lượng thì mới có thể đảm bảo cho sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao. Khi các cơ sở sản xuất CN-TTCN nằm gần vùng nguyên liệu sẽ làm giảm chi phí vận chuyển đầu vào, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển nguyên vật liệu từ khi thu hoạch đến khi chế biến sẽ giúp nguyên liệu không bị biến đổi quá nhiều do tác động của môi trường sau chế biến; điều này làm cho sản phẩm sản xuất ra sẽ có chất lượng cao hơn, đặt biệt đối với ngành chế biến thủy hải sản, nông sản… Không chỉ chất lượng mà nguyên vật liệu cần bảo đảm mẫu mã, chủng loại và giá thấp sẽ giúp sản phẩm làm ra mới có tăng khả năng cạnh tranh.
- Trình độ kỹ thuật:
Hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất ở làng nghề, trong lĩnh vực TTCN vẫn sử dụng các thiết bị thủ công, công nghệ truyền thống. Chính vì vậy mà sản phẩm sản xuất ra có giá thành cao mà không đồng đều, chất lượng lại không cao, năng suất thấp… Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm do không đạt được hiệu suất kinh tế theo quy mô. Để có thể đẩy mạnh sự cạnh tranh của sản phẩm làng nghề thủ công, các cơ sở sản xuất CN- TTCN cần đầu tư kỹ thuật và công nghệ mới nhằm vừa tăng năng suất lao động, vừa tạo ra sản phẩm có tính đồng đều hơn, đẹp hơn.
Đặt biệt đối với số nghề như gốm sứ, vật liệu xây dựng như gạch ngói, đá… thì việc áp dụng công nghệ mới còn làm giảm mức ô nhiễm môi trường, tăng độ đồng đều của sản phẩm.
- Cơ sở hạ tầng:
Cơ sở hạ tầng không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế-xã hội nói chung mà nó còn có tác động không nhỏ đến sự tồn tại, phát triển của cơ sở sản xuất CN-TTCN nói riêng. Nếu cơ sở hạ tầng còn yếu kém sẽ làm cho quy mô sản xuất của các cơ sở sản xuất CN-TTCN chậm được mở rộng vì sự yếu kém của hạ tầng làm cho các chi phí khác đều tăng theo, từ việc mua nguyên vật liệu đầu vào cho đến việc mang thành phẩm đi bán.
Sự yếu kém của cơ sở hạ tầng bao gồm việc thiếu hệ thống giao thông cơ bản như: đường xá, cầu cống và cả việc xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông nằm xa khu dân cư, vừa gây lãng phí vừa không giúp ích được gì cho phát triển kinh tế xã hội ở điạ phương.