2.1. Thực trạng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020
(1) Tổng số doanh nghiệp công nghiệp CBCT đến năm 2020 là 841 doanh nghiệp, phát triển thêm 550 doanh nghiệp so với thời điểm năm 2010, chiếm tỷ lệ 81,8% trên tổng số
doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp (1.028 doanh nghiệp, trong đó: 81 doanh nghiệp FDI, 760 doanh nghiệp trong nước).
(2) Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp CBCT tăng bình quân 12,5%/năm; Quy mô ngành công nghiệp CBCT (theo giá hiện hành) đến năm 2020 đạt 20.305 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010; Tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT tăng dần trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, năm 2020 chiếm khoảng 9,6%;
(3) Số lao động trong ngành công nghiệp CBCT hiện có khoảng 54.213 lao động, tăng 1,4 lần so năm 2010 và chiếm tỷ lệ 38,38% tổng số lao động trong toàn ngành công nghiệp. Trong đó, lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 24.000 người, chiếm gần 50% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp CBCT. Thu nhập bình quân của lao động trong các khu công nghiệp đạt 6,9 triệu đồng/người/tháng, trong cụm công nghiệp là 5,7 triệu đồng/người/tháng.
(4) Tổng vốn đầu tư trong ngành công nghiệp CBCT trong 10 năm qua đạt 75.497 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 29,4% trong tổng số vốn đầu tư toàn ngành công nghiệp. Vốn đầu tư ngành công nghiệp CBCT tăng bình quân xấp xỉ 7.550 tỷ đồng/năm.
(5) Giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp CBCT năm 2010 đạt 573 triệu USD, chiếm 27,4% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh năm 2020 đạt 1.840 triệu USD, chiếm 78,6% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh.
(6) Một số ngành công nghiệp CBCT chủ lực trên địa bàn tỉnh
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển 3 ngành chủ lực (1)
Ngành chế biến thực phẩm: Tạo ra các sản phẩm có sản lượng, giá trị cao (chiếm tỷ trọng
1,61% GRDP năm 2019) như: dầu thực vật, bột mỳ (đây là những sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI); ngoài ra còn phát triển các ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. (2) Ngành dệt: Tạo ra các sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,28% trong GRDP năm 2019; đây cũng là ngành sử dụng hầu hết nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài, các nhà máy tại Quảng Ninh chỉ thực hiện các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp (chủ yếu là gia công) nên đóng góp trong GRDP chưa tương xứng với quy mô hiện có. (3) Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại
(chiếm tỷ lệ 2,26% trong GRDP năm 2019, gồm sản xuất sứ, gạch, xi măng, clinker) sử dụng chủ yếu nguyên nhiên vật liệu trong tỉnh;
Ngoài 03 ngành chủ lực có đóng góp lớn, 21 ngành sản xuất CBCT khác như: chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre nứa (trừ giường tủ, bàn ghế); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc); phương tiện vận tải khác (tàu, thuyền,...); các ngành này có nhiều doanh nghiệp hoạt động, sử dụng nhiều lao động, đóng góp rất khiêm tốn, chỉ chiếm 2,45% trong cơ cấu GRDP, mặc dù đang được duy trì, nhưng công nghệ còn lạc hậu, năng suất, sức cạnh tranh không cao.
*Đánh giá chung:
Trong giai đoạn 2010 - 2020, ngành công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng doanh nghiệp, quy mô, tốc độ tăng trưởng, chỉ số sản xuất… trong đó một số ngành công nghiệp CBCT phát triển theo hướng bền vững hơn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường; một số ngành công nghiệp CBCT đã có những bước phát triển mạnh như ngành dệt may, ngành chế biến thực phẩm, cơ khí, chế biến vật liệu xây dựng… đã từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm; Ngành công nghiệp CBCT dần trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo, chiếm tỷ trọng 78,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh;
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song bên cạnh đó ngành công nghiệp CBCT tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để thực sự là nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh; Một số ngành CBCT đóng vai trò chủ đạo trên địa bàn tỉnh nhưng đều là những ngành có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều tài nguyên nước, lao động, tiềm ẩn
nguy cơ ô nhiếm môi trường; Phần lớn các doanh nghiệp CBCT có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa chủ động bảo đảm được nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, còn phụ thuộc vào nguyên liệu, máy móc nhập khẩu, đặc biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu như dệt may, điện tử, hóa chất...; Việc thu hút nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế còn thấp; Chất lượng lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu nguồn cung lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, tỷ lệ lao động được đào tạo và đào tạo lại thấp.
2.2 . Vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
Trong 10 năm qua, với sự quan tâm của tỉnh công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mới, có tác động đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đó là:
*Tác động tích cực:
(1) Đóng góp trực tiếp cho ngân sách tỉnh: Trong giai đoạn 2010 - 2020 (số liệu đến hết ngày 30/6/2020), các dự án công nghiệp CBCT đã nộp ngân sách 14.115,39 tỷ đồng, trong đó các dự án FDI là 13.503 tỷ đồng và các dự án trong nước là 612 tỷ đồng, như vậy, bình quân nộp ngân sách đạt trên 1.410 tỷ đồng/năm.
(2) Sự phát triển của ngành công nghiệp CBCT đã tạo điều kiện cho sản xuất và dịch vụ phát triển:
+ Hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu cho các nhà máy chế biến: Vùng trồng cây dược liệu ở Ba Chẽ, Tiên Yên cho các doanh nghiệp dược; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn, Quảng Yên, Tiên Yên... cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản...;
+ Tạo điều kiện để các ngành dịch vụ phát triển: (1) Dịch vụ phân phối (bao gồm các ngành, như bán buôn, bán lẻ, vận tải, kho bãi); (2) Dịch vụ cho các nhà sản xuất (gồm các ngành, như truyền thông, tài chính, bảo hiểm, cho thuê thiết bị, quảng cáo); (3) Dịch vụ xã hội (gồm các ngành hành chính công, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, y tế); (4) Dịch vụ cá nhân (gồm các ngành khách sạn, nhà hàng, giải trí, văn hóa). Dịch vụ nhà ở, dịch vụ cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu, dịch vụ logistic... góp phần làm tăng giá trị sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động ngoài khu vực công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh;
(3) Tăng năng lực nội sinh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp CBCT (Vốn, Khoa học và công nghệ, kinh nghiệm, thị trường...) để tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư sang ngành nghề khác;
(4) Giải quyết việc làm và thu nhập cho 54.231 lao động với mức lương bình quân từ 5.7 triệu đồng/người/tháng (lao động trong các Cụm công nghiệp) đến 6.9 triệu đồng/người/tháng (LĐ trong các Khu công nghiệp), góp phần ổn định dân cư, nâng cao đời sống và thu nhập của nhân dân trên địa bàn tỉnh;
(5) Sự lớn mạnh của khu vực sản xuất, của các ngành CBCT sẽ tạo ra sự dịch chuyển thu hút lao động ra khỏi khu vực nông thôn, chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất nông nghiệp và áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả trong khu vực nông nghiệp;
(6) Một số ngành công nghiệp CBCT phát triển theo hướng bền vững hơn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy yêu cầu người lao động phải có trình độ, tay nghề tương ứng. Giải quyết được vấn đề này cho doanh nghiệp cũng đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
*Tác động tiêu cực
(1) Việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng để hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp CBCT có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh: Nhu cầu tái định cư và tạo việc làm cho người mất đất sản xuất tăng; Việc canh tác trên các phần diện tích đất còn lại gặp khó khăn do hệ thống thủy lợi bị tổn thương, đi lại khó khăn vì vướng hàng rào các Khu CN,CCN;
(2) Khi các cơ sở CBCT đi vào hoạt động tại các KCN,CCN sẽ hình thành nên khu dân cư đông đúc (Công nhân làm việc trong các KCN, CCN) nếu không quản lý tốt sẽ nảy sinh các
tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, cá độ, trộm cắp, mại dâm... gây mất trật tự trị an trên địa bàn và bức xúc trong nhân dân;
(3) Sản xuất tập trung nếu quản lý, giám sát không tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hướng đến sản xuất và đời sông của nhân dân khu vực xung quanh (đã có 05 dự án bị phát hiện và xử phạt hành chính: Dự án nhà máy sản xuất dầu (DMC) và Silicone tại KCN Hải Yên; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm và kho lạnh tại KCN Hải Yên; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tại phường Hải Yên, thành phố Móng Cái; Dự án Nhà máy sản xuất sợi hóa học thế kỷ mới tại KCN Cái Lân; Dự án Gia công nguyên liệu và tinh chế đất hiếm tại KCN Việt Hưng);
(4) Tỷ lệ lấp đầy các Khu CCN còn thấp (6/10KCC trên địa bàn đạt 37,6%), đất đai trong đó bị bỏ hoang gây lãng phí đầu tư công và lãng phí tài nguyên đất đai trong khi người dân bị thu hồi đất phải chuyển sang làm nghề khác không phù hợp gây bức xúc.
3. Kết luận
Trong 10 năm qua, với sự quan tâm của tỉnh, ngành công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng doanh nghiệp, quy mô, tốc độ tăng trưởng, chỉ số sản xuất… và đã dần trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự phát triển của ngành công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân. Song, bên cạnh đó cũng có những tác động không tốt đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hy vọng bài viết sẽ giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng thể và có các giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực để ngành công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, bền vững như Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; [2]. Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
[3]. Báo cáo tình hình, kết quả phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010-2020, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV trình Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XV;
[4]. TS.Trần Tuấn Anh [2020] Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam: Nhận thức và định hướng chính sách, Tạp chí cộng sản ngày 20 và 24/10/2020.
[5]. Việt Dũng [2021] Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, Tạp chí tài chính 30/3/2021.