- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo
a) Phương pháp đào tạo trong công việc
Đây là hình thức đào tạo học viên thực hiện được công việc ngay tại nơi làm việc. Trong quá trình làm việc, các nhân viên của doanh nghiệp ở các vị trí, bộ phận làm việc khác nhau đều có thể rút ra cho bản thân những kinh nghiệm riêng để từ đó vận dụng vào thực hiện công việc một cách có hiệu quả hơn. Phương pháp này diễn ra dưới sự hướng dẫn của một hoặc một số nhân viên lành nghề có kỹ năng nghề cao với người có trình độ, kỹ năng nghề thấp hoặc với những người vừa bước vào nghề. Phương pháp có các kiểu đào tạo [5]:
* Đào tạo theo kiểu chỉ dẫn công việc: đây là phương pháp khá thông dụng, được áp dụng phổ biến ở nước ta thường được dùng để đào tạo công nhân kỹ thuật, nhân viên văn phòng kể cả các quản trị gia. Học viên sẽ được đưa tới nơi làm việc dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của những lao động lành nghề và được hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể cách thực hiện công việc, những kiến thức và kỹ năng cần thiết của nghề. Trong quá trình đó, học viên sẽ được quan sát, trao đổi với những lao động lành nghề, học hỏi và thực hành dưới sự giám sát
của người hướng dẫn cho đến khi thành thạo công việc. Phương pháp này giúp cho người học trang bị được kiến thức, kỹ năng thực tiễn công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả.
* Đào tạo theo kiểu học nghề: đây cũng là một phương pháp phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Đối tượng của phương pháp này là công nhân sản xuất chưa biết nghề gì cụ thể. Ở phương pháp này các học viên được học lý thuyết trên lớp sau đó được đưa đến nơi làm việc để thực hành lại những gì đã học dưới sự hướng dẫn của những người lành nghề trong một thời gian dài cho đến khi thành thạo tất cả các kỹ năng của nghề. Phương pháp này thường được dùng để dạy cho một nghề hoàn chỉnh chủ yếu là các nghề phổ thông và các nghề truyền thống,...
* Kèm cặp và chỉ bảo: thường dùng cho những người làm công tác quản lý và những người làm công việc giám sát. Dưới sự kèm cặp, chỉ bảo của những người quản lý lâu năm có bề dày các kinh nghiệm, kỹ năng, các kiến thức đã tích lũy được sẽ giúp cho các những người làm công tác quản lý và giám sát đó học được các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm tốt các công việc hiện tại và các công việc tương lai. Có 3 cách để kèm cặp là kèm cặp bởi người quản lý trực tiếp, kèm cặp bởi người cố vấn thường là người trong doanh nghiệp nhưng đã nghỉ hưu, chuyên gia, kèm cặp bởi người quản lý hoặc người đồng nghiệp có kinh nghiệm hơn mình. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ tổ chức, ít tốn kém và học viên có thể nhanh chóng nắm được kiến thức cần học. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm là người học cũng có thể tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm chưa tốt của người dạy, hoặc có thể người dạy không nhiệt tình giảng dạy thì chất lượng đào tạo không cao.
* Đào tạo theo kiểu luân chuyển, thuyên chuyển công việc: đối tượng áp dụng của phương pháp này là những người giữ vị trí quản lý hay những đối tượng là cán bộ nguồn của doanh nghiệp chuẩn bị được đề bạt lên vị trí cao hơn. Phương pháp này giúp cho người quản lý có được những kỹ năng, kinh nghiệm khác nhau ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong doanh nghiệp thông qua việc chuyển vị trí công việc từ bộ phận này sang bộ phận khác hay từ chuyên môn này sang chuyên môn khác. Đối tượng có thể được đào tạo theo ba cách:
Cách 1: Đối tượng đào tạo được chuyển đến nhận cương vị lãnh đạo ở một bộ phận khác nhưng vẫn giữ nguyên chức danh công việc có nghĩa là chức năng và quyền hạn không bị thay đổi.
Cách 2: Đối tượng đào tạo được cử đến nhận công tác mới nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình.
Cách 3: Luân chuyển công việc trong phạm vi bộ phận doanh nghiệp đang tác nghiệp với mục đích để đưa lên vị trí quản lý bộ phận đó theo hình thức đề bạt thẳng.