Tính chất và nguyên tắc hoạt động phòng cháy, chữa cháy

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh nam định (Trang 28 - 31)

1.1.2.1. Tính chất của hoạt động phòng cháy, chữa cháy

Phòng cháy, chữa cháy là một hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; do đó, so với các hoạt động khác trong cùng lĩnh vực thì phòng cháy, chữa cháy cũng có các nét tính chất đặc trưng, cơ bản; đó là:

Một là: Tính quần chúng.

Cháy là hiện tượng hoàn toàn có thể xảy ra tại bất cứ đâu và trong bất kỳ thời gian nào, một khi hội đủ các điều kiện phát sinh cần thiết. Trong khi đó, lửa, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và các loại chất cháy luôn luôn tồn tại. Thống kê trước nay cho thấy, các nguyên nhân gây ra cháy chủ yếu là do sự bất cẩn, thiếu ý thức và kiến thức của người dân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Mặt khác, người dân và cơ sở cũng chính là chủ thể phát hiện đám cháy trước tiên và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp cứu chữa ban đầu. Do đó, xuất phát từ thực tế, có thể nói rằng phòng cháy và chữa cháy là hoạt động mang tính quần chúng và tính xã hội sâu sắc.

Hai là: Tính pháp chế và pháp lý.

Tính pháp lý và pháp chế của hoạt động phòng cháy, chữa cháy thể hiện ở việc: Mọi hoạt động của các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình và cá nhân trong đời sống xã hội có liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy đều

phải chấp hành một cách đầy đủ, triệt để và tuân thủ bắt buộc theo các quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Ba là: Tính khoa học.

Hoạt động phòng cháy và chữa cháy là hoạt động mang tính khoa học kỹ thuật. Tính chất này xuất phát từ những cơ sở khoa học, đó là: Bản chất của sự cháy là phản ứng hóa học kèm theo tỏa nhiệt và phát ra ánh sáng. Để sự cháy không tiến triển thành đám cháy gây thiệt hại, nguy hiểm cho con người thì việc xây dựng, tổ chức thực hiện các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy phải dựa trên cơ sở nghiên cứu bản chất, các quy trình, điều kiện phát sinh, phát triển và dập tắt đám cháy. Các biện pháp phòng ngừa trong phòng cháy hay chống cháy lan trong chữa cháy… phải đảm bảo đúng nguyên tắc kỹ thuật, áp dụng đúng kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và không thể tùy tiện.

Bốn là: Tính chiến đấu.

Trong thực tế, cháy nổ là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra tại bất cứ thời điểm, thời gian nào. Do đó, để chữa cháy kịp thời và có hiệu quả, các lực lượng chức năng luôn phải tổ chức thường trực sẵn sằng chữa cháy 24/24 giờ với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao. Chưa kể đến, chữa cháy là một nghề nguy hiểm đến tính mạng. Khi đám cháy phát triển quá lớn sẽ tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ công trình, cùng với nhiệt độ tỏa ra cao và chứa nhiều khói, khí độc gây nguy hiểm; do đó người lính tham gia chữa cháy đòi hỏi cần có sự mưu trí, dũng cảm, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy, có kỹ thuật thành thạo, áp dụng chiến thuật chữa cháy đúng đắn, linh hoạt. Những điều này thể hiện tính chiến đấu của hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

1.1.2.2. Nguyên tắc hoạt động phòng cháy, chữa cháy

Được đúc rút từ kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn, Luật Phòng cháy và chữa cháy đã nêu bốn nguyên tắc hoạt động phòng cháy, chữa cháy; đó là:

Một là: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia vào hoạt

động phòng cháy và chữa cháy.

Phòng cháy, chữa cháy là hoạt động mang tính xã hội rộng lớn. Để công tác phòng cháy và chữa cháy đạt hiệu quả cao phải coi đây là sự nghiệp của toàn dân, là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình trong xã hội. Cùng với đó, hoạt động phòng cháy, chữa cháy phải được tổ chức phát động thành phong trào để toàn dân biết, toàn dân bàn, toàn dân làm, toàn dân kiểm tra.

Hai là: Trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy lấy phòng ngừa là

chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

Hoạt động phòng cháy và hoạt động chữa cháy là hai nhiệm vụ không thể tách rời nhau và luôn có mối quan hệ mật thiết. Công tác phòng ngừa phải đi trước và được tổ chức triệt để, hiệu quả nhằm mục đích làm giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy xảy ra.

Các cơ sở, hộ gia đình cần thường xuyên làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở; giáo dục ý thức về phòng cháy trong nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên; làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn, vận động; thường xuyên tổ chức kiểm tra; phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót và xử lý kịp thời đối với những vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Ba là: Phải luôn chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, phương

án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

Mặc dù tuân theo nguyên tắc phòng ngừa là chính, tuy nhiên chữa cháy cũng là một hoạt động rất quan trọng và không thể xem nhẹ. Bởi vì, trong thực tế, cháy luôn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Công tác phòng ngừa dù được thực hiện tốt nhất có thể cũng vẫn có khả năng, nguy cơ xảy ra

cháy. Do đó, hoạt động chữa cháy luôn phải được đặt trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về lực lượng, phương tiện, tổ chức phối hợp đồng bộ, chặt chẽ… để có thể chữa cháy kịp thời và hiệu quả khi có cháy xảy ra.

Nguyên tắc này cũng thể hiện tính chủ động của công tác chữa cháy. Hoạt động tổ chức chữa cháy gồm nhiều nhiệm vụ với những vai trò, đặc điểm khác nhau, do đó cần chú trọng công tác huấn luyện, thực tập các phương án cần thiết để đáp ứng các yêu cầu chữa cháy trong mọi tình huống.

Bốn là: Mỗi hoạt động phòng cháy, chữa cháy trước hết phải được thực

hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Thông thường, đám cháy khi mới xảy ra còn nhỏ. Nếu được phát hiện kịp thời và có lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập đám cháy sẽ nhanh chóng và đơn giản.Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm thì đám cháy sẽ phát triển rất lớn; khi đó việc tổ chức chữa cháy sẽ rất khó khăn, phức tạp, có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, việc chủ động chuẩn bị về lực lượng và phương tiện tại chỗ là hết sức quan trọng.

Theo đó, mỗi cơ quan, tổ chức, cơ sở, khu dân cư cần phải thành lập lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Đây là những lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy. Các lực lượng này phải được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện kỹ càng để làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở và đảm bảo khả năng sẵn sàng chữa cháy tại chỗ. Ngoài ra, theo quy định, mỗi cơ sở, hộ gia đình cũng cần tự trang bị và sử dụng thành thạo các phương tiện phòng cháy, chữa cháy cơ bản, cần thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh nam định (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)