Quản lý nhà nước về PCCC bao gồm nhiều lĩnh vực và mang tính toàn diện, tổng hợp. Hoạt động quản lý nhà nước về PCCC là hoạt động quản lý mang tính quyền lực nhà nước, được thực hiện bởi các chủ thể có quyền hành pháp; là hoạt động chấp hành và điều hành, có tính tổ chức, thống nhất và thứ bậc chặt chẽ; là một bộ phận trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Vai trò của quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất: Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở PCCC, kế hoạch phát triển về PCCC mang tính quốc gia và các vùng.
Công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với quy hoạch phát triển đồng bộ các yêu cầu về PCCC, đảm bảo các điều kiện an toàn trong quá trình phát triển, nhất là trong các lĩnh vực, địa bàn, cơ sở trọng điểm về cháy, loại trừ các nguy cơ tiềm ẩn về cháy cũng như mất an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trên cơ sở chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Chính phủ, Bộ Công an, UBND các cấp xây dựng chiến lược, định hướng phát triển hệ thống cơ sở PCCC đảm bảo hạ tầng phục vụ chữa cháy và phát triển các đơn vị Cảnh sát PC&CC tại các địa bàn trọng điểm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương.
Thứ hai: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm kỹ thuật về PCCC.
Để quản lý các hoạt động PCCC đạt hiệu quả, trước hết, Nhà nước phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC bảo đảm tính pháp lý, đồng bộ, hệ thống và toàn diện; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC; đồng thời hình thành hệ thống quản lý chuyên trách từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm kỹ thuật về PCCC (các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC) phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Nghị quyết số 76/NQ-CP, Chỉ thị số 07/CT-TTg, Chỉ thị số 13/CT-TTg, Quyết định số 442, 586, 225/QĐ-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá
nhân thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC nhằm đưa hệ thống văn bản pháp luật về PCCC thực sự đi vào cuộc sống.
Thứ ba: Tổ chức đào tạo, xây dựng lực lượng, trang bị và quản lý phương tiện PCCC.
Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH; chú trọng đầu tư ngân sách cho trang bị phương tiện, nhất là phương tiện PCCC và CNCH đặc chủng nhằm đáp ứng và nâng cao sức chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát PC&CC ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư: Tổ chức và chỉ đạo hoạt động PCCC.
Hoạt động PCCC là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Xuất phát từ tính chất này, hoạt động quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy phải được đặt dưới sự quản lý, điều chỉnh trực tiếp của Nhà nước nhằm kiểm soát sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển của xã hội, góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế trong tình hình mới.
Thứ năm: Bảo đảm ngân sách cho hoạt động PCCC, tổ chức bảo hiểm cháy, nổ gắn với hoạt động PCCC.
Kinh phí bảo đảm cho hoạt động PCCC của lực lượng Cảnh sát PC&CC, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, các đơn vị khác có thụ hưởng ngân sách Nhà nước và các địa phương được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước theo quy định tại Khoản 30, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PC&CC và Luật Ngân sách. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư
ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ cho hoạt động PCCC; các cơ quan, doanh nghiệp mua bảo hiểm cháy, nổ…
Thứ sáu: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về PCCC; điều tra vụ cháy.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về PCCC là hoạt động theo chức năng của các chủ thể quản lý nhà nước về PCCC. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải tuân thủ pháp luật và góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động PCCC.
Xử lý vi phạm về PCCC là biện pháp thực hiện quyền lực của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCC. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về PCCC với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện, cơ quan xử lý có trách nhiệm kiểm tra và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Điều tra vụ cháy là hoạt động nhằm làm rõ nguyên nhân phát sinh cháy và nguyên nhân vụ cháy. Đối với những vụ cháy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra có trách nhiệm tiến hành khởi tố vụ án, điều tra làm rõ tội phạm theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Đối với các vụ cháy không có dấu hiệu tội phạm, lực lượng Cảnh sát PC&CC có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chuyên môn khác tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân gây cháy và thực hiện việc xử lý theo thẩm quyền.