Phương pháp quản lý nhà nước về PCCC là cách thức tác động của chủ thể quản lý nhà nước về PCCC lên các đối tượng quản lý nhà nước về PCCC nhằm đạt được mục đích mà quản lý nhà nước về PCCC đặt ra [13, tr.96].
Các phương pháp quản lý nhà nước về PCCC bao gồm: - Phương pháp thuyết phục:
Phương pháp thuyết phục là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện các quy định về PCCC.
Phương pháp cưỡng chế là phương pháp sử dụng những quy định bắt buộc đơn phương lên đối tượng quản lý.
Phương pháp cưỡng chế giữ vai trò quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về PCCC nói riêng, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong việc tuân thủ pháp luật.
- Phương pháp hành chính:
Phương pháp hành chính là phương pháp quản lý bằng cách ra các chỉ thị, mệnh lệnh từ trên xuống. Tức là chủ thể quản lý ra những quyết định bắt buộc đối với đối tượng quản lý.
Vai trò của phương pháp hành chính trong quản lý rất quan trọng, giúp xác lập trật tự, kỷ cương quản lý, đồng thời là khâu nối các phương pháp quản lý khác và giải quyết các vấn đề đặt ra trong quản lý một cách nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC.
- Phương pháp kinh tế:
Phương pháp kinh tế là cách tác động gián tiếp đến hành vi của các cá nhân hoặc tổ chức thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của con người. Sử dụng phương pháp kinh tế nhằm khuyến khích về mặt vật chất, phát huy quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, hạch toán kinh tế, thưởng, phạt v.v…
Trong các phương pháp trên, phương pháp thuyết phục được đặt lên hàng đầu, đây là phương pháp phải được làm thường xuyên, liên tục và nghiêm túc. Phương pháp cưỡng chế là quan trọng; phương pháp kinh tế là biện pháp cơ bản, là động lực thúc đẩy hoạt động quản lý; phương pháp hành chính là rất cần thiết nhưng phải được sử dụng một cách đúng đắn. Việc áp dụng các phương pháp phải chú ý đến sự tác động lẫn nhau và tính đồng bộ cũng như ưu thế của từng phương pháp để phát huy hiệu quả quản lý cao nhất.