Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện có những bước phát triển khá, tăng trưởng bình quân đạt mức cao và ổn định. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch đề ra là 10%; thu nhập bình quân gần 30 triệu
đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông nghiệp 27%, Công nghiệp - Xây dựng 39%, Dịch vụ 34%. 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,1%. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với dồn điền đổi thửa có bước bứt phá. Hết năm 2014, huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, là 1 trong 6 huyện dẫn đầu Thành phố về tiến độ xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, Huyện có thêm 07 xã đạt xã nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Thành phố giao, nâng tổng số lên 17/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau dồn điền đổi thửa, Huyện tập trung vào cơ giới hóa, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích canh tác của nông dân.
Hiện nay, huyện Phúc Thọ được thành phố Hà Nội quy hoạch là vùng sinh thái, phát triển du lịch và nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Với lịch sử lâu đời, ngay từ xa xưa, các thế hệ cư dân Phúc Thọ đã góp phần vào quá trình hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ cũng như mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Qua những di tích, di vật lịch sử - văn hóa đã chứng minh Phúc Thọ là cái nôi của truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, bền bỉ trong cải tạo thiên nhiên, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống thiên tai; đặc biệt, nơi đây cũng là vùng đất trọng học, giàu truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt, thành danh; nhân dân hiền hòa, giàu tình yêu quê hương, đất nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm;
Phúc Thọ là huyện có sự đa dạng, đan xen về tôn giáo song cư dân chủ yếu theo 2 tôn giáo chính: Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa. Ngoài ra còn có các tôn giáo khác như đạo Tin lành, tín ngưỡng thờ cúng dân gian… Đồng bào lương - giáo ở Phúc Thọ, nhìn chung đều sống hòa thuận, có truyền thống gắn bó, đoàn kết, luôn tích cực sống tốt đời, đẹp đạo.
Là vùng đất cổ, Phúc Thọ là nơi lưu giữ và bảo tồn hệ thống di sản văn hóa đậm đặc cùng nhiều lễ hội đặc sắc. Toàn huyện có 173 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có 46 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia,
44 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; đặc biệt có đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ những năm 1960, nay gọi là Đền Hát Môn và đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; năm 2016, Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
2.1.3. Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và KT-XH đến quá trình xây dựng NTM tại huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội