Nội dung của hoạt động thanh tra TDSDCC chủ yếu hướng tới việc kiểm soát việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tuyển dụng, sử dụng công chức của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm phục vụ hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Nghị định số 90/2012/NĐ-CP ngày 25/11/2012 có nêu nội dung thanh tra ngành Nội vụ: “Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về các lĩnh vực: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về các lĩnh vực: cơ yếu, tôn giáo, thi đua – khen thưởng và văn thư – lưu trữ”. [16]
Ngày 10/12/2012, Thông tư số 09/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ đã quy định quy trình, nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức,
viên chức. Đây là văn bản pháp luật quy định cụ thể nhất từ trước đến nay về lĩnh vực thanh tra TDSDCC, tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho các cuộc thanh tra TDSDCC trên toàn quốc. Theo đó, nội dung thanh tra bao gồm:
“Các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, đường lối, chính sách của Đảng được cơ quan, đơn vị là đối tượng áp dụng liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức trong giai đoạn và phạm vi thanh tra.
Các văn bản của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra và các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc đối tượng thanh tra ban hành liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được áp dụng trong giai đoạn, phạm vi thanh tra.” [6]
Như vậy, hoạt động thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức được bao gồm các nội dung chính sau:
Thứ nhất, thanh tra các căn cứ pháp lý của việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức: các VBQPPL của Nhà nước, đường lối, chính sách của Đảng được cơ quan, đơn vị là đối tượng áp dụng liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; các văn bản của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra ban hành liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được áp dụng trong giai đoạn, phạm vi thanh tra.
Thứ hai, thanh tra công tác thực hiện tuyển dụng công chức của cơ quan,
đơn vị là đối tượng thanh tra. Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các căn cứ, điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng công chức; thanh tra các nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức; thanh tra các nội dung về xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên.
Thứ ba, thanh tra việc bố trí, phân công công tác đối với công chức.
Thứ tư, thanh tra việc chuyển ngạch, nâng ngạch và tiêu chuẩn ngạch công chức
Thứ năm, thanh tra căn cứ, lý do để thực hiện điều động, luân chuyển, biệt
phái công chức; trình tự, thủ tục; việc bố trí, phân công công tác đối với công chức; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức; thời hạn điều động, luân chuyển, biệt phái.
Thứ sáu, thanh tra các căn cứ, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ và bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác.
Thứ bảy, thanh tra việc từ chức, miễn nhiệm của công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý