Sau Luật thanh tra 2004, ngày 10/11/2006 Quyết định số 2151/2006/QĐ- TTCP được ban hành đã quy định những nội dung quan trọng của Đoàn Thanh tra, cụ thể là nguyên tắc, chế độ làm việc trong hoạt động thanh tra;những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra; tổ chức và hoạt động thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn Thanh tra. Năm 2010 Luật thanh tra ra đời đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của ngành Thanh tra, theo đó, nguyên tắc của hoạt động thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức là những quy tắc chỉ đạo, tiêu chuẩn hành động xuyên suốt trong quá trình tiến hành thanh tra của cơ quan thanh tra Nội vụ và bao gồm những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, nguyên tắc hoạt động thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức
tuân theo pháp luật. Khi có đầy đủ những căn cứ do pháp luật quy định, thanh
tra TDSDCC được quyền tiến hành hoạt động thanh tra một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc can thiệp không có căn cứ pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều là bất hợp pháp và tùy theo mức độ nặng, nhẹ sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Trong quá trình thanh tra TDSDCC, những người được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra phải tuân thủ đúng những quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra, bảo đảm tính độc lập, nghiêm minh khi thực hiện những thủ tục cần thiết và trong phạm vi thẩm quyền cho phép. Người ra kết luận thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận và việc làm của mình trong quá trình thanh tra.
Hoạt động thanh tra TDSDCC được tiến hành từ chương trình, kế hoạch hoạt động của các tổ chức thanh tra đến việc ra quyết định thanh tra, cử đoàn thanh tra, thanh tra viên... đến việc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật thanh tra. Các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; thanh tra vượt quá thẩm quyền, phạm vi, nội dung thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật, quyết định, xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm... đều bị nghiêm cấm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, nguyên tắc hoạt động thanh tra không được làm cản trở hoạt động
bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Hoạt động
thanh tra nhằm góp phần đảm bảo tuân thủ pháp chế và kỷ luật nhà nước, tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Mục đích cuối cùng của hoạt động thanh tra TDSDCC là góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định và lành mạnh. Chính vì vậy mà thanh tra không được làm cản trở hoạt động của đối tượng. Đây là nguyên tắc thể hiện mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra TDSDCC với cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi quyền lực nhà nước với đối tượng chịu sự quản lý.
Pháp luật trao cho cơ quan thanh tra những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt vì thế khi tiến hành hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra phải đảm bảo không cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Có như vậy, thanh tra mới thực sự là công cụ để củng cố và tăng cường pháp chế và kỷ luật nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Cơ quan thanh tra TDSDCC chỉ tiến hành thanh tra những nội dung ghi trong quyết định thanh tra, không được tự ý mở rộng phạm vi thanh tra hoặc kéo dài thời gian thanh tra… Việc kết luận phải chính xác, khách quan, không vì động cơ cá nhân, không được gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Nguyên tắc có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, khi vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ thanh tra lợi dụng
việc thanh tra để thực hiện nhưng hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đối tượng thanh tra.
Thứ ba, nguyên tắc thanh tra phải bảo đảm tính chính xác, khách quan,
công khai, trung thực, dân chủ, kịp thời. Tính chính xác bảo đảm cho công tác
thanh tra TDSDCC đạt hiệu quả cao, được đối tượng chấp nhận, nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo cơ sở thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Muốn đảm bảo tính chính xác trong hoạt động thanh tra cần có quan điểm đúng đắn cũng như kiến thức, năng lực và phương pháp nghiệp vụ mới có thể đem lại kết quả chính xác. Kết quả trong thanh tra TDSDCC không đảm bảo tính chính xác sẽ dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá sai đối tượng thanh tra, từ đó có những kết luận, kiến nghị xử lý thiếu đúng đắn, trái pháp luật.
Tính khách quan bảo đảm phản ánh đúng sự thật, không thiên lệch và bóp méo sự thật. Tính chính xác và tính khách quan có tác động qua lại lẫn nhau. Có khách quan mới bảo đảm chính xác, ngược lại có chính xác mới thể hiện được tính khách quan. Để bảo đảm tính khách quan, phải sâu sát thực tế, tôn trọng sự thật, phản ánh đúng sự thật. Điều quan trọng là phải có bản lĩnh vững vàng, ý thức trách nhiệm cao và có năng lực xem xét, phân tích chính xác, khoa học.
Tính trung thực là phản ánh đúng và đầy đủ bản chất của sự việc, không thêm, bớt đồng thời cũng viện dẫn đầy đủ không cắt xén các quy định pháp luật để xác định rõ đúng, sai.
Tính công khai trong hoạt động thanh tra TDSDCC thể hiện ở chỗ phải thông báo nội dung thanh tra để mọi người biết nhằm động viên đông đảo nhân dân tham gia phát hiện, giám sát, kiểm tra góp phần bảo đảm tính chính xác. Những nội dung cần công khai bao gồm: quyết định thanh tra; tiếp công khai đối tượng thanh tra và mọi người có liên quan ở nơi thanh tra; công khai kết luận thanh tra... Tuỳ theo từng tính chất vụ việc thanh tra mà có hình thức công khai cho thích hợp trừ trường hợp về bí mật quốc gia, thuộc an ninh quốc phòng hoặc cần giữ bí mật về người tố cáo để bảo vệ họ... thì không được phép công khai.
Tính dân chủ trong hoạt động thanh tra TDSDCC là thể hiện sự tôn trọng với đối tượng thanh tra góp phần tích cực vào kết quả kiểm tra, thanh tra. Trong quá trình thanh tra cần coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, coi trọng tính thuyết phục và việc thu thập, tiếp nhận thông tin có liên quan, kể cả tạo điều kiện cho đối tượng thanh tra được trình bày ý kiến của họ để rà soát lại tính đúng đắn từng việc làm cụ thể. Cần tránh mọi biểu hiện chủ quan áp đặt, bất chấp ý kiến người khác. Tuy nhiên qua ý kiến đóng góp trình bày của nhiều người, đoàn thanh tra, thanh tra viên phải xem xét, cân nhắc, để có sự quyết đoán chính xác, dám chịu trách nhiệm về các quyết định và việc làm của mình. Nếu do dự hoặc không biết chọn lọc ý kiến sẽ rất lúng túng, mất tính chủ động trong kiểm tra, thanh tra.
Tính kịp thời trong hoạt động thanh tra TDSDCC cũng rất quan trọng bởi vì do yêu cầu quản lý nhà nước và những vấn đề cuộc sống đặt ra là phải được kiểm tra, thanh tra và trả lời đầy đủ, kịp thời mới có đối sách ứng xử cho sát hợp. Nếu hoạt động thanh tra tiến hành chậm trễ hoặc không gắn với chu trình quản lý sẽ kém hiệu quả. Muốn bảo đảm kịp thờiphải có kiến thức và năng lực để phát hiện, phân tích, giám sát chiều sâu, làm rõ các mối liên hệ mới có thể đánh giá đúng bản chất của sự vật, không lầm lẫn. Yêu cầu này nhằm đảm bảo phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những việc làm vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tập thể và các cá nhân trong xã hội.
Thứ tư, nguyên tắc không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời
gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra. Thủ trưởng cơ
quan thanh tra TDSDCC cần nghiên cứu, xem xét kỹ các căn cứ và những điều kiện khác có liên quan trước khi ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra để tránh trùng lặp, cố gắng tránh hiện tượng có thể xảy ra là 1 năm liên tiếp có nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đến một cơ quan, đơn vị, nhất là thanh tra, kiểm tra về cùng 1 nội dung. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, trưởng đoàn và các thành viên cần thực hiện đúng kế hoạch thanh tra, đúng quyền hạn, trình tự thủ tục và đúng thời gian, thời hiệu thanh tra.
Việc xác định đối tượng, phạm vi, nội dung hoạt động thanh tra có căn cứ từ hai phương diện: mức khái quát, hệ thống quản lý cần thông tin về vấn đề gì và thanh tra đáp ứng theo phương pháp nào lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chính hay xử lý là chính; mức cụ thể, hoạt động thanh tra thuộc quản lý nhà nước ở lĩnh vực nào thì có đối tượng phạm vi, nội dung cụ thể theo lĩnh vực đó và điều đó được thể hiện trực tiếp thông qua quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thứ năm, nguyên tắc sử dụng đúng quyền hạn trong hoạt động thanh tra
tuyển dụng, sử dụng công chức. Quyền hạn trong hoạt động thanh tra TDSDCC
là yếu tố mang tính nguyên tắc đảm bảo cho thanh tra đạt được mục đích đề ra. Hoạt động thanh tra TDSDCC là hoạt động nhân danh quyền lực hành chính nhà nước của cơ quan quản lý hành chính cấp trên đối với cấp dưới. Do vậy giới hạn, phạm vi sử dụng quyền trong thanh tra TDSDCC nằm trong khuôn khổ của quyền lực hành chính nhà nước. Việc sử dụng đúng quyền hạn trong thanh tra đòi hỏi trên các khía cạnh: phạm vi, tính chất vấn đề, hành động và không hành động trong sử dụng quyền.
Thứ sáu, nguyên tắc tuân thủ trình tự thanh tra tuyển dụng, sử dụng công
chức. Muốn tiến hành thanh tra tuyển dụng, sử dụng công chức trước hết phải có
quyết định thanh tra do người có thẩm quyền ban hành. Quyết định thanh tra phải ghi rõ nội dung thời hạn thanh tra và xác định rõ người thực hiện. Khi thời hạn thanh tra đã hết, nếu cuộc thanh tra chưa kết thúc phải có quyết định kéo dài hoặc gia hạn thời hạn thanh tra.
Kết thúc cuộc thanh tra TDSDCC, đoàn thanh tra (thanh tra viên) phải có báo cáo kết quả thanh tra, kiến nghị về các nội dung đã được thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận, quyết định, các kiến nghị. Người ra quyết định thanh tra TDSDCCphải ra kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra phải xác định rõ đúng, sai; xác định các nguyên nhân khách quan, chủ quan; quy rõ trách nhiệm. Tất cả các kết luận đều phải có hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, vật mang tin khác bảo đảm.