Hoạt động kiểm tra, kiểm soát tài chính tại Bệnh viện Tâm thần Huế hiện nay chủ yếu chịu sự kiểm soát của nội bộ đơn vị, tự kiểm tra là chính. Việc kiểm tra này thường thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban chấp hành công đoàn của Bệnh viện. Nội dung kiểm tra là kiểm tra các khoản thu theo quy định của nhà nước và các khoản chi theo quy chế chi tiêu nội bộ của Bệnh viện đã họp thống nhất trong CBNV và được Giám đốc Bệnh viện ban hành. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ của bệnh viện cũng tiến hành kiểm tra giám sát việc mua sắm, sữa chữa trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động mua sắm, sửa chữa theo hướng tiết kiệm, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh.
Hàng năm, Sở Y tế Thừa Thiên Huế, đơn vị quản lý trực tiếp bệnh viện đều có kiểm tra việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, công tác lập dự toán, thẩm tra, xét duyệt quyết toán của Bệnh viện. Ngoài ra bệnh viện còn chịu sự kiểm tra, kiểm soát tài chính của các đơn vị Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính tỉnh… Tùy theo vào kế hoạch kiểm tra hàng năm mà các đơn vị này sẽ tiến hành đến kiểm tra Bệnh viện. Nội dung kiểm tra thường là việc chấp hành ngân sách nhà nước, quản lý sử dụng ngân sách, các khoản chi SNYT, mua sắm trang thiết bị y tế, chi đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, … đặc biệt là tiền thực hiện các hoạt động trong chương trình mục tiêu y tế dân số.
Các kết luận sau kiểm tra thường là một số tồn tại trong công tác quản lý tài chính như: việc quản lý khấu hao tài sản còn chưa tiến hành đúng thời gian trong năm, việc trích lập, quản lý sử dụng các quỹ còn chưa đúng quy định như khen thưởng, quỹ ổn định thu nhập..
2.2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính tại Bệnh viện Tâm thần Huế
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Đứng trước những yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ công, cắt giảm sự bao cấp của Nhà nước, Nhà nước ta đã có chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, đặc biệt là đổi mới cơ chế tài chính.
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP có vẻ như không còn phù hợp với tình hình mới. Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng ngành Y tế Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị SNYT công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Tuy nhiên Nghị định này không có văn bản nào hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là các đơn vị có đặc thù riêng, vô tình gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, nguồn thu của Bệnh viện hoạt động chủ yếu là thu từ hoạt động khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các chính sách BHYT liên tục thay đổi không đồng bộ gây khó khăn rất nhiều về tài chính cho các bệnh việc công lập nói chung và Bệnh viện Tâm thần Huế nói riêng, đó là phải đối diện với nguy cơ vượt trần chi phí khám chữa bệnh, vượt dự toán chi phí KCB BHYT, vượt quỹ KCB là rất lớn. Trên thực tế, việc vượt dự toán KCB BHYT sẽ làm cho bệnh viện không có nguồn tài chính để hoạt động. Ví dụ như Bệnh viện Tâm thần Huế năm 2018, quỹ BHYT giao 9.500.000.000 đồng, kết quả trong năm 2018 bệnh viện khám và đề nghị BHYT thanh toán 10.148.914.000 đồng, nhưng đến nay BHYT mới chỉ thanh toán 9.602.398.000 đồng, còn 546.516.000 đồng chưa thanh quyết toán cho Bệnh viện. Đây là một số tiền khá lớn so với nguồn thu của Bệnh viện Tâm thần Huế
Cơ chế quản lý tài chính
Cơ chế quản lý tài chính tại Bệnh viện được xây dựng trên cơ sở thống nhất và phù hợp từ việc xây dựng các định mức thu, chi. Bệnh viện hàng năm phải lập dự toán thu, chi và tổ chức chấp hành, thực hiện dự toán thu chi được lập sau đó. Sau mỗi năm tài chính, Sở Y tế là cơ quan quản lý trực tiếp sẽ tiến hành quyết toán thu chi. Đây là quá trình kiểm tra, tổng hợp số liệu và tình hình chấp hành dự toán trong
kỳ và là cơ sở để phân tích, đánh giá kết quả chấp hành dự toán, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho các kỳ tiếp theo. Thực hiện tốt cơ chế quản lý tài chính sẽ giúp Bệnh viện thực hiện cơ chế tài chính tại Bệnh viện tốt hơn.
Tổ chức bộ máy, năng lực của đội ngũ cán bộ, viên chức trong đơn vị
Xác định con người là nhân tố quan trọng, đóng vai trò trung tâm của bộ máy quản lý, là khâu trọng yếu trong việc xử lý các thông tin để đề ra các quyết định quản lý. Tổ chức bộ máy hoạt động, năng lực của đội ngũ CBVC của đơn vị là nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị, góp phần vào việc mở rộng, tăng thu nguồn thu và tiết kiệm chi của đơn vị, từ đó ảnh hưởng đến tình hình thực hiện tự chủ của Bệnh viện. Do đó, trong những năm gần đây, Bệnh viện liên tục bố trí cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quy hoạch hoàn chỉnh lại bộ máy quản lý để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới nhất trong tình hình mới.