Thứ nhất, xây dựng và ban hành pháp luật về thi đua, khen thưởng
Nhà nước quản lý công tác thi đua, khen thưởng bằng pháp luật. Văn bản pháp luật luôn là công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý xã hội nói chung và quản lý công tác thi đua, khen thưởng nói riêng. Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thi đua, khen thưởng và tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ
chức tốt công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước, Nhà nước đã chú trọng và ban hành nhiều văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng thể hiện, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng và tạo ra hành lang pháp lý để các cơ quan nhà nước căn cứ vào đó thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; đồng thời cũng là sự tập trung nguyện vọng, phát huy lòng nhiệt tình hăng hái tham gia thi đua và đón nhận những kết quả, phần thưởng xứng đáng của các tổ chức, cá nhân trong lao động, sản xuất, công tác, học tập, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nội dung trọng tâm và hình thức thể hiện của các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng được ban hành tùy vào từng giai đoạn lịch sử, cụ thể:
Văn bản pháp luật đầu tiên về thi đua, khen thưởng là Quốc lệnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, ban hành trong cả nước vào ngày 26/01/1946. Quốc lệnh ban hành 10 điều thưởng phạt và nêu rõ 10 loại công việc, thành tích cần được kịp thời khen thưởng.
Để cụ thể hóa Quốc lệnh và đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, từ năm 1946 đến năm 1998, Nhà nước đã ban hành các sắc lệnh, quyết nghị, pháp lệnh và nhiều nghị định, thông tư, chỉ thị để tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Các văn bản pháp luật giai đoạn này chủ yếu hướng dẫn khen thưởng thành tích kháng chiến với việc ban hành nhiều loại huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước... đã khơi dậy và phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần hy sinh cao cả, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn đầu khi đất nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác thi đua, khen thưởng đã có lúc bị buông lỏng, chưa thực sự trở thành động lực cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình trên, Bộ Chính trị đã ban hành các Chỉ thị số 35-CT/TW ngày
03/6/1998; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Nhằm pháp luật hóa, thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng. Ngày 26/11/2003, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thi đua, Khen thưởng; tiếp tục sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013. Đây là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất để tổ chức triển khai công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước, là cơ sở quan trọng để hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng và tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Để việc tổ chức triển khai Luật Thi đua, Khen thưởng được đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc, Chính phủ đã ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật: Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 122/2005/NĐ-CP ngày 04/10/2005 quy định tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng; Nghị định số 50/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 quy định mẫu Huân chương, Huy chương, Huy hiệu, Bằng Huân chương, Bằng Huy chương, Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen. Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013; Nghị định số 91/2017/NĐ- CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Trên cơ sở quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã đề ra những quy định cụ thể về thi đua, khen thưởng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó từng bước đưa Luật Thi đua, Khen thưởng vào cuộc sống. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong tổ chức thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng. Muốn đưa Luật vào thực tiễn, từng đơn vị, địa phương cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm hoặc cá biệt để hướng dẫn thi hành, là cơ sở để tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng
Một là, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thi đua, khen thưởng và thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng
Tổ chức thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng là hoạt động có mục đích, là quá trình làm cho những quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng đi vào thực tiễn, giúp cho tổ chức, cá nhân nắm được mục đích, ý nghĩa cũng như tiêu chuẩn, nội dung của thi đua, khen thưởng để rèn luyện, phấn đấu. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị khi thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Tùy thuộc vào yêu cầu, đối tượng, nội dung cụ thể khác nhau, mỗi ngành, mỗi cấp sẽ có các cách thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thi đua, khen thưởng khác nhau nhưng mục tiêu chung nhằm tạo nên sự thống nhất và hành động trong tổ chức, đơn vị, sự đồng thuận trong xã hội, từ đó cổ vũ quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội nhà nước đã đề ra.
Đối với cấp trung ương, Nhà nước có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản như nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ, hướng dẫn, tập huấn thi đua, tổ chức hội thảo, xuất bản tạp chí của Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương về thi đua, khen thưởng.v.v.. nhằm quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung của các quy định pháp luật đồng thời hướng dẫn các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo sự
thống nhất trong nhận thức và hành động. Các nội dung trọng tâm trong công tác tuyên tuyền: tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tổ chức tuyên truyền nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời.
Đối với cấp địa phương, đặc biệt là cấp huyện, sau khi được hướng dẫn tổ chức thực hiện trên cơ sở các văn bản của trung ương và cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện vận dụng vào đặc điểm cụ thể của địa phương từ đó có kế hoạch tuyên tuyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp, theo đúng quy trình, quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng; đồng thời nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua, tạo niềm tin và động lực thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tham gia thi đua trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hai là, tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng
Trong bất cứ tổ chức nào, nguồn nhân lực luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vai trò quan trọng đó xuất phát từ vị trí quan trọng của con người trong tổ chức. Không có con người trong tổ chức không thể đạt được các mục tiêu tổ chức đề ra. Hiệu quả hoạt động của tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả hoạt động của mỗi thành viên trong tổ chức. Trong bộ máy nhà nước, đó chính là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu” [33,
tr.269]. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách đều bắt nguồn từ đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức với những tham mưu, đề xuất để tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng sẽ càng đặt ra những yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực chuyên môn, có
đầy đủ uy tín, tinh thần trách nhiệm cao, công minh, công tâm, tâm huyết trong công tác góp phần làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tại Điều 59, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng đã nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng như sau: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước; phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thi đua, khen thưởng để đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị trên toàn quốc. Cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp xây dựng kế hoạch hàng năm để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm thi đua, khen thưởng.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng gồm có bồi dưỡng về phẩm chất chính trị và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao sự hiểu biết về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng; nâng cao nghiệp vụ trong tổ chức các hoạt động thi đua, nắm vững các tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, qua đó thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển, công tác tham mưu khen thưởng được kịp thời, khen đúng và trúng; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, của cán bộ cơ sở để có những tham mưu, đề xuất với cơ quan nhà nước trong thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng như Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ” [34, tr.346].
Sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động thi đua, khen thưởng là việc làm không thể thiếu qua mỗi đợt thi đua và không thể xem nhẹ trong công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Bởi sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá những việc đã làm được, đồng thời xem khâu nào còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để rút ra bài học kinh nghiệm, nhìn nhận bất cập và đề ra giải pháp kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp yêu cầu của thực tiễn xã hội. Trong tổng kết, đánh giá hoạt động thi đua, khen thưởng cần thẳng thắn chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, tránh chung chung, hình thức, che dấu hạn chế.
Nội dung sơ kết, tổng kết cần đánh giá được công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; kết quả đạt được trong việc tổ chức các phong trào thi đua, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm, các hình thức, nội dung, phương pháp để tổ chức phong trào thi đua có hiệu quả cũng như chỉ ra các hạn chế và nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thi đua, khen thưởng; trên cơ sở đó đề xuất phương hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo và các nhiệm vụ cần thực hiện để nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong các giai đoạn tiếp theo.
Thông qua sơ kết, tổng kết góp phần tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, những mô hình hay, cách làm mới và làm chuẩn hóa công tác tổ chức trao thưởng, đón nhận các danh hiệu thi đua, tránh hình thức, phô trương, tốn kém mà không hiệu quả.
Thứ ba, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về tổ chức thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng
Trong công tác quản lý nhà nước, ngoài hoạt động quản lý còn có chức năng thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân; đồng thời ghi nhận những quy định còn bất cập khi áp dụng vào thực tiễn để có cơ sở kiến nghị bổ sung.
Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua, nếu thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sẽ dẫn tới tình trạng phát động là do cơ quan cấp trên còn thực hiện như thế nào là do cấp dưới, thi đua “có phát” nhưng “không động”, dẫn đến bệnh quan liêu trong bình xét khen thưởng. Thực tế, không phải cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về thi đua, khen thưởng; nhiều văn bản cấp trên ban hành