(Nguồn: Phòng Nội vụ huyện Thường Tín)
2.2.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong triển khai tổ chức thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng trên địa bàn
triển khai tổ chức thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng trên địa bàn huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội hiện nay
Hạn chế, tồn tại trong triển khai tổ chức thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng trên địa bàn huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội hiện nay
Thứ nhất, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn và thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng
Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về thi đua, khen thưởng
Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các nội dung tuyên truyền vẫn còn chưa cập nhật kịp thời các văn bản quy định mới về thi đua, khen thưởng. Việc phổ biến pháp luật còn mang tính hình thức, phong trào, đơn điệu, thiếu trọng tâm, trọng điểm và chưa đi vào những nội dung, vấn đề thiết yếu, sát thực tiễn cơ sở mà người dân cần và quan tâm. Việc đánh giá, xác định hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn mang tính chung chung.
Công tác phát hiện, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, mô hình thi đua còn nhiều hạn chế, hình thức; “Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân” [50, tr.6]. Số lượng tin, bài viết về thi đua, khen thưởng, về nhân tố mới, người tốt việc tốt trên cổng thông tin điện tử huyện cũng như qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở còn ít, chất lượng chưa cao; sách về gương người tốt, việc tốt chưa được phát hành rộng rãi khi chỉ tập trung phát theo đầu mối cơ quan, xã, thị trấn; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền về điển hình tiên tiến thiếu sinh động, chủ yếu là nêu gương tại hội nghị sơ kết, tổng kết.
Hai là, thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng
Việc tổ chức các phong trào thi đua còn qua loa, hình thức, chưa kịp thời, kém hiệu quả, chưa phát huy được vai trò của các nhân tố mới, nhân tố điển hình. Nhiều phong trào thi đua được huyện ban hành và gửi về các cơ quan, đơn vị theo hình thức email, dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị không nắm rõ các thông tin. Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu và chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm trong phong trào thi đua yêu nước: “Phong trào thi đua tuy
phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị” [50, tr.6].
Các cụm thi đua hoạt động chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức, hạn chế trong phương thức hoạt động và trong phối hợp, tổ chức thực hiện. Ngoại trừ cụm thi đua khối xã có nội dung, chương trình thiết thực theo đúng hướng dẫn hoạt động cụm, các cụm khác chủ yếu tập trung họp cuối năm để bình xét, suy tôn. Vẫn còn nhiều cụm xã chưa chú trọng các mô hình thi đua để đăng ký Cờ thi đua thành phố, Cờ thi đua Chính phủ.
Hoạt động bình xét khen thưởng ở một số đơn vị, địa phương chưa mang tính khách quan, công bằng, còn biểu hiện thiếu dân chủ mang tính nể nang, cào bằng, luân phiên như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy huân chương”; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít” [50, tr.6], tỷ lệ khen thưởng lãnh đạo vẫn còn lớn, chủ yếu là khen cấp thành phố. Qua theo dõi các cơ quan, đơn vị tại huyện Thường Tín, tác giả luận văn nhận thấy, có người lao động cả giai đoạn 2015 - 2019 không được đề xuất khen thưởng, dẫn đến tâm lý không phấn đấu trong công việc, không tham gia các phong trào thi đua và nhiều trường hơp đề nghị khen thưởng nhưng thành tích chưa xuất sắc, tiêu biểu và tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương chưa cao, chưa có sức lan tỏa trong quần chúng.
Công tác khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân lập được thành tích trong thực hiện nhiệm vụ đột xuất chưa kịp thời và ít được chú trọng, chủ yếu tập trung khen cho lực lượng công an trong việc khám phá, bắt giữ các đối tượng buôn bán ma túy, truy nã.
Việc xét, đề nghị khen thưởng theo chuyên đề còn thiếu tính chủ động, không theo dõi văn bản triển khai, dẫn đến việc đề nghị khen thưởng không kịp thời và còn có biểu hiện tràn lan, cào bằng, khen cơ quan nhiều hơn đơn vị cơ sở và chưa chú trọng khen thưởng cho các tập thể nhỏ như các Hội ở xã, thị trấn, các tổ
dân phố, thôn..vv.; khen cho cán bộ lãnh đạo nhiều hơn cho người trực tiếp làm nhiệm vụ.
Vẫn còn hiện tượng khen thưởng trùng lặp, một thành tích vừa đề nghị danh hiệu thi đua, vừa đề nghị hình thức khen thưởng ở cùng một cấp như trường hợp vừa tặng giấy khen, vừa tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Việc làm và xét các sáng kiến, giải pháp công tác còn hình thức, chiếu lệ và tập trung vào đội ngũ lãnh đạo, nhiều sáng kiến mang tính sao chép, không sát thực tế tại địa phương, đơn vị.
Công tác thẩm định thành tích khen thưởng từ cơ sở còn hạn chế, qua loa và có hiện tượng báo cáo thành tích không trung thực để đề nghị khen thưởng, đặc biệt là khen cấp thành phố và trung ương.
Thứ hai, triển khai thực hiện tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng
Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội còn có những hạn chế, tồn tại, tập trung vào một số nội dung sau:
Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở các xã, thị trấn chưa thống nhất, mỗi nơi tổ chức một khác. Hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng chủ yếu tập trung họp bình xét thi đua đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khen thưởng tổng kết năm. “Hoạt động của Hội đồng Thi đua, Khen thưởng các cấp chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy Đảng và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về khen thưởng; chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Hoạt động của Hội đồng các cấp nhất là cấp cơ sở chủ yếu là xem xét, thông qua các hình thức khen thưởng mà chưa coi trọng công tác chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua” [39, tr.26].
Việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng chưa được quan tâm, chú trọng. Thời gian tập huấn nghiệp vụ
thường diễn ra vào 01 buổi sáng, không đủ truyền tải các nội dung của thi đua, khen thưởng và kinh nghiệm thực tiễn. Việc tổ chức các hội thảo chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu về lĩnh vực thi đua, khen thưởng còn hạn chế.
Thứ ba, triển khai thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng
Hoạt động sơ kết, tổng kết tại từ huyện đến cơ sở còn mang nặng tính hình thức, các báo cáo còn chung chung dẫn đến việc đánh giá, rút kinh nghiệm thực tiễn cũng như quán triệt đầy đủ sâu sắc chủ trương chính sách và các quy định về thi đua, khen thưởng của Đảng và Nhà nước còn kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc chưa được biểu dương, khen thưởng kịp thời trong các hoạt động sơ kết, tổng kết. Từ đó ảnh hưởng không tốt việc đảm bảo nguyên tắc dân chủ, chính xác, công khai, công bằng, đúng người đúng việc trong công tác thi đua, khen thưởng.
Tại một số xã, công tác tổ chức trao tặng và đón nhận vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn lúng túng trong điều hành hội nghị, trao thưởng. Nhiều hoạt động sơ kết, tổng kết chủ yếu thông qua hình thức báo cáo bằng văn bản, không thực hiện theo hướng dẫn của huyện.
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong triển khai tổ chức thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng trên địa bàn huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội hiện nay
Một là, xuất phát từ những hạn chế về nhận thức, năng lực và phẩm chất đạo đức của một bộ phận lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở.
Trong đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo một số phòng, ban,
ngành, đoàn thể, trường học và xã, thị trấn về công tác thi đua, khen thưởng còn chưa đầy đủ, chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng; coi thi đua là một hoạt động phụ trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến mang nặng hình thức, xem nhẹ, thậm chí buông lỏng, giao quyền cho nhân viên tự làm, không xem xét khi ký văn bản đề nghị khen thưởng. Nhiều đề xuất, khen
thưởng phải qua Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, tuy nhiên không được thực hiện, mà dựa theo ý chí của người lãnh đạo, dẫn đến việc bình xét thiếu tính khách quan, thiếu dân chủ, công bằng. Vẫn còn nhiều cán bộ, công chức quan niệm việc sơ kết, tổng kết, đề nghị khen thưởng là công việc đến hẹn lại lên. Vì vậy, chưa xác định được biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Vẫn còn một bộ phận công chức làm thi đua, khen thưởng thiếu sự nhiệt tình, còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, không kịp thời cập nhật, tham mưu tuyên truyền các văn bản về thi đua, khen thưởng cũng như triển khai công tác phát hiện, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; việc nghiên cứu các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng còn qua loa, chiếu lệ. Thái độ tham gia các lớp tập huấn về thi đua, khen thưởng còn chưa nghiêm túc, thiếu sự cầu thị, nghiên cứu, trao đổi, dẫn đến việc tiếp thu, tuyên truyền không được đầy đủ.
Công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các phong trào thi đua, thẩm định thành tích khen thưởng còn hạn chế, chung chung.
Thực hiện hoạt động kiêm nhiệm nên các thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng huyện chưa sâu sát theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị. Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ở các xã, thị trấn.
Hai là, các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn huyện Thường Tín chưa có hệ thống trang tin điện tử, dẫn đến những hạn chế trong tuyên truyền các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cũng như việc triển khai các phong trào thi đua, xây dựng các điển hình tiên tiến.
Chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng cũng như chưa có chính sách khuyến khích công chức làm công tác thi đua, khen thưởng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng bị “tha hóa”, lười học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ và không tâm huyết với công việc thi đua.
Ba là, việc tổ chức các phong trào thi đua, thực hiện khen thưởng chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn; chưa động viên khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham
gia phong trào, nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh đơn thuần, chưa tạo được động lực thúc đẩy toàn xã hội hăng hái thi đua. Các cụm thi đua thuộc huyện thiếu sự chủ động trong việc xây dựng các tiêu chí, nội dung thi đua của cụm. Kinh phí chi cho tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết còn hạn chế. Theo quy định, quỹ thi đua, khen thưởng cấp huyện, cấp xã được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm với mức tối đa bằng 1,0% chi ngân sách thường xuyên và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức khác, nhưng trên thực tế, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước ở dưới mức 1,0% chi ngân sách thường xuyên và không có các nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức khác.