Thực hiện pháp luật về phân loại cơ sở lưu trú du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện pháp luật về lưu trú du lịch từ thực tiễn tỉnh nghệ an (Trang 56 - 58)

Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của ngành Du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, phục vụ nhu cầu đa dạng của hàng chục triệu lượt khách mỗi năm ở các mức chi tiêu khác nhau, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Từ năm 2012 đến năm 2017, cơ sở lưu trú du lịch tại Nghệ An tăng gần gấp 2 lần, từ 2.000 cơ sở lên đến 5.000 cơ sở [46]. Loại hình cơ sở lưu trú du lịch ngày càng phong phú. Ngoài hai loại hình chủ yếu khách sạn và nhà nghỉ du lịch, đã xuất hiện căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, làng du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), bãi cắm trại du lịch. Đặc biệt thời gian qua nổi lên loại hình mới: khách sạn căn hộ (condotel), chia sẻ kỳ nghỉ dưỡng (time share) làm đa dạng lực lượng và cách thức vận hành cơ sở lưu trú du lịch.Về loại hình cơ sở lưu trú du lịch được chia thành các loại khách sạn, làng du lịch, biệt thự, căn hộ, nhà nghỉ, bãi cắm trại, nhà khách kinh doanh du lịch và một số loại hình lưu trú du lịch khác. Trong đó, khách sạn, nhà nghỉ chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng và số buồng.

Hoạt động kinh doanh lưu trú hiện nay tuy có sự tăng trưởng cả về doanh thu, lượng khách và đầu tư cơ sở vật chất (năm 2017 tăng thêm 51 cơ sở, các cơ sở cả cũ và mới đều cố gắng nâng cấp trang thiết bị) [46]; nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nan giải, sự tăng trưởng bộc lộ thiếu tính bền vững, đơn cử như lượng khách có tăng (năm sau hơn năm trước nhưng số ngày lưu trú không tăng), vẫn khó giữ chân khách, lượng khách quốc tế có dấu hiệu chững lại;

tăng trưởng doanh thu chủ yếu do trượt giá là chính… Thiết nghĩ, để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cho du lịch nói chung và lĩnh vực lưu trú nói riêng phải có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các ngành liên quan. Các cơ sở càng cần chú trọng hơn về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động và có chiến lược kinh doanh bài bản chính là vươn lên thành “mảng sáng” để khắc phục dần tính mùa vụ.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú “Homestay” là một trong những loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú được điều chỉnh bởi Điều 48, mục 3, Chương 5, Luật Du lịch năm 2017 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 17 [31], Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch [2]. Đồng thời loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú này thuộc phạm vi quản lý về an ninh trật tự theo quy định Khoản 22, Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP [13]. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú “Homestay” phải chấp hành các quy định, điều kiện, về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP [13]. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú “Homestay” và những cơ sở lưu trú được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, địa điểm kinh doanh lưu trú thuê mượn (không có hợp đồng theo quy định) sẽ không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP [13]. Như vậy, kinh doanh dịch vụ “Homestay” là một loại hình kinh doanh cho thuê lưu trú, một loại nghề hoạt động kinh doanh dịch vụ, dùng các điều kiện cơ sở của gia đình để làm nơi đón tiếp, phục vụ khách du lịch tham quan khám phá, trải nghiệm gần gũi và thực tế hơn với cuộc sống và nền văn hóa bản địa.

Trên thực tế, phần lớn các hộ kinh doanh này không đăng ký với cơ quan nhà nước, mà chủ yếu tự do đưa thông tin lên các trang mạng xã hội để quảng cáo, mời gọi thu hút khách nhưng chưa tiến hành đăng ký thủ tục kê khai giá, không ban hành nội quy cơ sở dành cho khách đến lưu trú dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao vào các dịp lễ, Tết, mùa cao điểm, còn những mùa thấp điểm thì hạ giá quá thấp, thậm chí chỉ có vài chục ngàn/ngày dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với các loại hình lưu trú du lịch khác, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý.

Với vai trò quản lý chính các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn, hàng năm, Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành tiến hành kiểm tra, thẩm định phân loại, xếp hạng cho các cơ sở lưu trú du lịch. Năm 2018, Sở đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở 72 cơ sở lưu trú du lịch về niêm yết giá, treo biển hiệu, quyết định công nhận hạng... Đồng thời, tiến hành kiểm tra theo chuyên đề về việc thực hiện các quy định của nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch; việc đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn về trang thiết bị, số lượng và chất lượng dịch vụ, về chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên theo Tiêu chuẩn Quốc gia về Khách sạn - Xếp hạng [4].

Trong thực tế, phân loại cơ sở lưu trú du lịch ở Nghệ An đã đúng với cách phân loại cơ sở lưu trú du lịch được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Song ở Nghệ An, hai loại hình chủ yếu là khách sạn và nhà nghỉ du lịch, còn các loại hình lưu trú khác đang dần hình thành ngày càng phong phú và phát triển hơn nữa các loại hình cơ sở lưu trú tại Nghệ An.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện pháp luật về lưu trú du lịch từ thực tiễn tỉnh nghệ an (Trang 56 - 58)