1.2.1.1. Khái niệm tổ chức thực hiện Luật BHYT
Tổ chức thực hiện Luật BHYT được hiểu theo hai nghĩa, nghĩa rộng tổ chức thực hiện Luật BHYT trên khía cạnh là các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện luật và theo nghĩa hẹp là tổ chức thực hiện Luật BHYT được hiểu là các hoạt động nhằm triển khai, thực hiện, đưa Luật BHYT vào cuộc sống của nhân dân.
- Theo nghĩa rộng, tổ chức thực hiện Luật BHYT là công việc của cơ quan tổ chức thực hiện luật: Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp pháp của Quốc hội, có nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp
lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (Điều 96). Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc (Điều 99).
Chính quyền địa phương (HĐND và UBND) tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương (Điều 112); HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND (Điều 113);UBND tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND (Điều 114).
Đối với Ngành BHXH Việt Nam, theo Nghị định 01/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 05/01/2016, có hiệu lực kể từ ngày 20/02/2016 và được thay thế bởi Nghị định 89/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04/8/2020, có hiệu lực từ 20/9/2020 quy định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, đã quy định BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, tổ chức thu chi chế độ BHTN, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. BHXH Việt Nam được cơ cấu tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung và thống nhất từ trung ương đến địa phương và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về BHXH, BHTN, của Bộ Y tế về BHYT, của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Chính phủ giao BHXH Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương (tỉnh, huyện). Theo các Quyết định (Quyết định 99/QĐ-BHXH ngày 28/01/2015; Quyết định 1414/QĐ-BHXH ngày 4/10/2016 và Quyết định có
hiệu lực hiện nay là 969/QĐ-BHXH ngày 29/7/2019) của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, quy định BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh) là cơ quan trực thuộc BHXH Việt Nam đặt tại tỉnh có chức năng giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, tổ chức thu chi chế độ BHTN, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; Thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và quy định của BHXH Việt Nam. BHXH tỉnh chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và chịu sử quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh.
Theo nghĩa hẹp, tổ chức thực hiện Luật BHYT là các hoạt động nhằm triển khai, thực hiện, đưa Luật BHYT vào cuộc sống của nhân dân. Đây là các hoạt động cần thiết để xác định cơ cấu, hệ thống của bộ máy, xác định những công việc phù hợp với từng bộ phận, và giao trách nhiệm cho từng nhà quản lý để vận hành các bộ phận hoạt động đạt hiệu quả cao nhất có thể. Công tác tổ chức bao gồm việc thành lập nên các bộ phận trong tổ chức để đảm nhận các hoạt động cần thiết và xác định các mối quan hệ về nhiệm vụ, quyền hành và trách nhiệm giữa các bộ phận đó. Mục tiêu của công tác tổ chức là tạo nên một môi trường nội bộ thuận lợi cho mỗi cá nhân, mỗi bộ phận phát huy được năng lực và nhiệt tình của mình, đóng góp tốt nhất vào sự hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức
Để triển khai thực hiện Luật BHYT, Chính phủ ban hành các Nghị định; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành luật BHYT; Chính quyền địa phương triển khai thực hiện qua kế hoạch và hướng dẫn thi hành pháp luật ở địa phương mình.
Như vậy, tổ chức thực hiện Luật BHYT là một chuỗi công việc và hoạt động, thao tác nằm trong một chỉnh thể thống nhất từ chính quyền trung ương
đến địa phương, bắt đầu từ ban hành các văn bản bản quy phạm pháp luật về BHYT theo đúng thẩm quyền; tổ chức hướng dẫn thi hành Luật BHYT, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục luật; tổ chức triển khai thực hiện, cho đến kiểm tra, giám sát, và đánh giá, tổng kết việc tổ chức thực hiện Luật BHYT tại một địa phương hay trong phạm vi cả nước nhằm đạt được mục tiêu xác định.
1.2.1.2. Đặc điểm tổ chức thực hiện Luật bảo hiểm y tế
Tổ chức thực hiện Luật BHYT là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật về BHYT đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật, mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên có liên quan. Do đó, việc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT có những đặc điểm cụ thể như sau:
- Đặc điểm về cơ quan tổ chức thực hiện Luật BHYT
Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT là những cơ quan hành chính nhà nước, là tổ chức được thành lập và hoạt động theo những nguyên tắc và trình tự nhất định, có cơ cấu tổ chức nhất định và được giao những quyền lực nhà nước nhất định được quy định trong các văn bản pháp luật về BHYT để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của nhà nước.
Cơ quan tổ chức thực hiện Luật BHYT được quy định cụ thể trong Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015. Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ. Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện.
Cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, được thành lập từ trung ương đến địa phương để thực hiện những hoạt động
được tiến hành trên cơ sở luật về BHYT và để thi hành luật về BHYT; thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước được pháp luật quy định trên cơ sở lãnh thổ, ngành, hoặc lĩnh vực chuyên môn, đó là những quyền và nghĩa vụ pháp lý hành chính chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động chấp hành - điều hành.
- Đặc điểm của các hoạt động tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế
Các hoạt động tổ chức thực hiện Luật BHYT được cụ thể hóa bằng các hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật, đó là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra ngoài của mỗi người trong một hoàn cảnh cụ thể, mà những hành vi đó phù hợp với các quy định của pháp luật. Thực hiện Luật BHYT là hoạt động đưa các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT có hiệu lực thi hành vào cuộc sống, nghĩa là các quy phạm pháp luật về BHYT được các chủ thể khác nhau thực hiện một cách hợp pháp trong cuộc sống.