1.2.3.1 Chủ thể bắt buộc trong tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế
Chúng ta biết rằng, Luật BHYT được ban hành bởi Quốc hội. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp, ban hành các nghị định để cụ thể hóa Luật BHYT. Bộ Y tế và và cơ quan có thẩm quyền ban hành các thông tư để hướng dẫn chi tiết thi hành Luật BHYT.
Việc quy định này xuất phát từ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là tại Điều 19, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Chính phủ được phép ban hành Nghị định để quy định chi tiết, điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ
công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ; Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh, tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 24, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (số 80/2015/QH13) quy định Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành Thông tư để quy định các vấn đề chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình .
Bên cạnh đó, Luật số 80/2015/QH13 cũng quy định rõ HĐND cấp tỉnh được ban hành nghị quyết để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (Điều 27). UBND cấp tỉnh được ban hành quyết định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội,
ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương (Điều 28). Còn đối với HĐND huyện, xã được ban hành nghị quyết; UBND cấp huyện, xã được ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao (Điều 30).
Từ quy định trên chúng ta thấy chủ thể bắt buộc trong tổ chức thực hiện luật về BHYT đó là các cơ quan hành chính nhà nước như Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan thuôc Ủy ban nhân dân.
1.2.3.2 Chủ thể tham gia tổ chức thực hiện luật về bảo hiểm y tế
Mọi tổ chức, cá nhân đều là chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật. Nhân dân được quyền giám sát các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước là một trong những phương thức bảo đảm pháp chế và kỷ luật trong quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhân dân có thể trực tiếp thực hiện quyền giám sát, hoặc thông qua các cơ quan đại diện của mình, thông qua các tổ chức xã hội, mà họ là thành viên.
Trong việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, các chủ thể tham gia bên cạnh nhưng đơn vị tổ chức cơ quan tổ chức thực hiện, đó là người lao động, người sử dụng lao động, người đại diện tổ chức công đoàn và mọi dân tham gia BHYT.