Theo Kaplan, KTQT ban đầu gọi là kế toán chi phí được hình thành và áp dụng trong một số DN lớn hoạt động trong ngành dệt, vận tải và đường sắt của Mỹ từ những năm cuối thế kỷ XIX như Công ty thép Andrew Carnegie, Công ty DuPont, Công ty General Motors. Hệ thống kế toán chi phí của nhà máy dệt Lyman Mills thành lập năm 1855 ở New England cho phép quản lý giám sát hiệu quả của các loại thành phẩm khác nhau. Sự phát triển các kỹ thuật KTQT trong giai đoạn này đạt tới đỉnh điểm vào năm 1920 (Kaplan, 1984). Các kỹ thuật KTQT được phát triển trong giai đoạn này sau đó được gọi là các kỹ thuật KTQT truyền thống (Kaplan, 1984; Chenhall và Langfield-Smith, 1998).
Hiện nay đang tồn tại một số quan điểm khác nhau trong việc phân chia quá trình phát triển của KTQT thành các giai đoạn. Tiêu biểu cho các quan điểm này là cách phân chia quá trình phát triển của KTQT thành 4 giai đoạn của IFAC (1998) và Nishimura (2005).
Sự phát triển của KTQT được IFAC (1998, p.84) chia ra làm 4 giai đoạn chính:
Giai đoạn I từ năm 1950 trở về trước: KTQT khi đó được gọi là kế toán chi phí (Wilson và Chua, 1988). Đặc trưng của các kỹ thuật được phát triển trong giai đoạn này tập trung vào xác định chi phí và kiểm soát tài chính như chi phí chuẩn, lập dự toán, báo cáo bộ phận, các kỹ thuật phân tích hòa vốn, hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động bộ phận, phương pháp xác định giá chuyển giao nội bộ, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính như ROI, ROE, ROA, v.v... (Kaplan, 1984 ).
Giai đoạn II từ 1950 đến trước 1965: Trọng tâm của KTQT trong giai đoạn này chuyển sang các kỹ thuật phục vụ lập kế hoạch và kiểm soát (Abdel-Kader, 2006). Các hoạt động kiểm soát được định hướng đến các hoạt động quản lý sản xuất và quản lý nội bộ thay vì tập trung vào các vấn đề chiến lược và môi trường (Ashton et al., 1995). Các kỹ thuật được phát triển trong giai đoạn này bao gồm các kỹ thuật phân tích thông tin để ra quyết định và kế toán trách nhiệm.
Giai đoạn III từ 1965 đến trước 1985: Các kỹ thuật KTQT được phát triển từ các giai đoạn trước có vẻ không còn phù hợp với môi trường kinh doanh thay đổi trước sự gia tăng cạnh tranh và toàn cầu hóa. Hàng loạt bài viết của các nhà nghiên cứu về sự không phù hợp của KTQT đòi hỏi KTQT phải thay đổi (Kaplan, 1984). Sự thay đổi của công nghệ sản xuất, việc sử dụng máy tính trong các quy trình tự động
hóa làm thay đổi cấu trúc chi phí làm cho các phương pháp phân bổ chi phí truyền thống không còn phù hợp, phương pháp hạch toán chi phí theo hoạt động được Kaplan và Norton đề xuất trong giai đoạn này.
Giai đoạn IV từ 1985 đến nay: Trong những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, các DN đối mặt với môi trường kinh doanh không ổn định và sự bùng nổ của internet đã làm thay đổi môi trường kinh doanh. Sự phát triển của thương mại điện tử và internet tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu. KTQT trong giai đoạn này tập trung vào cung cấp thông tin để sử dụng hiệu quả các nguồn lực và hỗ trợ xây dựng và thực hiện chiến lược. Các kỹ thuật KTQT hướng đến việc tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng, cho cổđông và đổi mới DN (Abdel-Kader, 2006).
Nishimura (2005) cũng chia quá trình phát triển của KTQT thành 4 giai đoạn nhưng với các tên gọi khác. Theo cách phân chia của Nishimura, 4 giai đoạn phát triển của KTQT gồm: (1) sơ khai, (2) truyền thống, (3) sử dụng mô hình toán và (4) KTQT tích hợp giữa ngắn hạn và chiến lược (Nishimura, 2005).
Trong giai đoạn sơ khai, các DN kiểm soát hoạt động kinh doanh theo cách “không có hệ thống” thông qua chi phí thực tế và các chỉ tiêu do kế toán tài chính cung cấp.
Giai đoạn tiếp theo được gọi là giai đoạn “truyền thống”, các kỹ thuật được phát triển trong giai đoạn này đều xuất phát từ các công ty lớn và tập trung đáp ứng nhu cầu quản trị ngắn hạn cũng như quản lý và kiểm soát chi phí. Một loạt các kỹ thuật KTQT được phát triển trong giai đoạn này chủ yếu dựa trên chi phí như chi phí chuẩn, kiểm soát bằng dự toán và phân tích chi phí - khối lượng - lợi nhuận được hình thành đểđáp ứng nhu cầu quản lý hiệu quả quá trình sản xuất. Phương pháp phân tích chênh lệch được phát triển trong giai đoạn này để phục vụ cho phân tích các nguyên nhân chênh lệch chi phí do thời gian rỗi và do lãng phí.
Giai đoạn sử dụng mô hình toán diễn ra vào khoảng những năm của thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX, các kỹ thuật KTQT dựa trên cơ sở toán học và định lượng được phát triển ở các nước phương Tây và Mỹ. Một số kỹ thuật như chương trình tuyến tính, phân tích chi phí - khối lượng - lợi nhuận trong điều kiện không chắc chắn và mô hình tồn kho theo toán học được phát triển và áp dụng để tối đa hóa lợi nhuận và kiểm soát kế hoạch lợi nhuận của DN. Các kỹ thuật dựa trên chi phí cơ hội được phát triển như hệ thống kế toán dựa trên chi phí cơ hội, phân tích chênh lệch lợi nhuận và đánh giá hiệu quả dựa trên chi phí cơ hội (Nishimura, 2003).
Giai đoạn hiện nay (sau thập kỷ 80, thế kỷ XX) các kỹ thuật KTQT gắn với chiến lược thị trường và hệ thống kiểm soát kinh doanh như hệ thống hạch toán chi phí
theo hoạt động, chi phí mục tiêu, bảng điểm cân bằng, chuỗi giá trị, chi phí theo chu kỳ sống và chi phí chất lượng, v.v... được phát triển. Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng nội dung chiến lược của các kỹ thuật này còn mơ hồ và không có hệ thống. Hiện tại vẫn còn nhiều tranh luận về KTQTCL và những nội dung này vẫn chưa phổ biến trong thực tế (Nishimura, 2005).
Như vậy, mặc dù tiếp cận và phân chia sự phát triển của KTQT dưới những khía cạch khác nhau nhưng các tác giả đều thống nhất chia sự phát triển của KTQT thành 4 giai đoạn và đều cho rằng KTQT đã qua giai đoạn phát triển các kỹ thuật truyền thống và đang trong giai đoạn phát triển của KTQTCL.