nước của một số địa phương và bài học rút ra cho thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
1.3.1. Kinh nghiệm của một số địa phương
1.3.1.1. Kinh nghiệm từ thành phố Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng được biết đến về thành tích cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý trên tất cả lĩnh vực, trong đó nổi bật là công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể:
Một là, nâng cao cải cách hành chính và năng lực bộ máy nhà nước. Trên cơ sở văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý chi đầu tư XDCB, UBND thành phố Đà Nẵng đã cụ thể hóa để thực hiện, tiến hành phân cấp quản lý hợp lý; hướng dẫn chi tiết về trình tự các bước triển khai về đầu tư xây dựng cơ bản và các chủ thể quản lý thụ lý hồ sơ một cách có trách nhiệm theo thẩm quyền quản lý của mình.
Hai là, điểm sáng trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng. UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành các quy định cụ thể, chi tiết về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, theo nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, thực hiện cơ chế dân chủ cơ sở, kết hợp với chính sách khen thưởng đối với các đối tượng thực hiện giải phóng mặt bằng vượt tiến độ và cưỡng chế kịp thời các đối tượng cố ý chống đối.
Ba là, nhân tố con người quyết định mọi thành công trong quản lý. Đặc biệt là vai trò trách nhiệm cá nhân lãnh đạo chủ chốt hết sực quan trọng và có tính chất quyết định đã tác động đến niềm tin của nhân dân đối với sự quan tâm của nhà nước, mặt khác gia tăng áp lực về trách nhiệm của bộ máy quản lý nhà nước, bắt buộc công chức, viên chức không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc.
1.3.1.2. Kinh nghiệm từ thành phố Huế
Thành phố Huế là địa phương có thành tích về cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trong đó có quản lý
vốn đầu tư XDCB, qua nghiên cứu có các vấn đề nổi bật như sau:
Thứ nhất, cải tiến phương pháp giao kế hoạch vốn đầu tư XDCB hàng năm: Kế hoạch phân bổ vốn thường tập trung và ưu tiên vào các ngành, các công trình nào có vai trò quan trọng trước mắt, mang tính cấp thiết hơn cần phải tập trung làm ngay, để làm động lực thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.
Thứ hai, giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng ngay từ đầu năm kế hoạch, nhằm giúp cho các chủ đầu tư,cơ quan quản lý vốn đầu tư chủ động và có kế hoạch cụ thể cho việc sử dụng vốn, qua đó chủ động trong việc phân bổ vốn cho từng công trình, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình đã được phê duyệt. Góp phần thực hiện đầu tư hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch thi công xây dựng công trình.
Thứ ba, tập trung vốn ưu tiên cho các dự án trọng điểm, tránh bố trí vốn đầu tư dàn trải cho các công trình. Bố trí đủ vốn cho các dự án nhóm B trong 4 năm, nhóm C trong 2 năm. Các công trình trọng điểm là những công trình đóng vai trò quan trọng, định hướng trong sự phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ tư, đối với các dự án không đủ thủ tục đầu tư, dự án không phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phát triển đô thị thì kiên quyết không bố trí vốn đầu tư.
Thứ năm, nâng cao chất lượng thẩm định dự án đầu tư, chất lượng thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và thẩm định thiết kế tổng dự toán
Thứ sáu, quản lý tốt việc cấp phát và thanh toán vốn đầu tư: Việc cấp phát và thanh toán vốn đầu tư phải đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Việc cấp phát vốn đầu tư phải gắn với nhu cầu thực tế của công trình, phù hợp với tiến độ thi công các hạng mục, tránh tình trạng cấp vốn tràn lan dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao.
Trong những năm gần đây, huyện Phú Vang có những thành tựu nhất định trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB đã được UBND tỉnh tuyên dương, yêu cầu các địa phương lân cận tham khảo học tập. Qua quá trình trao đổi thông tin, có thể thấy được một số kinh nghiệm của huyện Phú Vang như sau:
Một là, UBND huyện luôn tuân thủ và thực hiện quản lý NSNN theo luật và các văn bản hướng dẫn về tài chính của Nhà nước.
Hai là, công tác phân tích, dự báo kinh tế phục vụ cho việc hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô và các chính sách liên quan đến thu, chi đầu tư XDCB từ nguồn ngân sách được coi trọng vì đây là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước cũng như ngân sách địa phương.
Ba là, quản lý chặt chẽ trên toàn bộ các khâu của chu trình thực hiện đầu tư XDCB từ nguồn ngân sách (từ bước chuẩn bị cho đến kết thúc đầu tư).
Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán quản lý chi đầu tư XDCB được coi trọng hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế xã hội.
Năm là, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư XDCB thường xuyên được thực hiện, được kiểm tra năng lực định kỳ.
Sáu là, hiện đại hóa hệ thống quản lý chi tại KBNN nhằm đảm bảo tính chính xác, kịp thời đồng thời tiết kiệm được nguồn nhân lực.
1.3.2. Bài học kinh nghiệm rút ra cho thị xã Hương Thủy
Từ những kinh nghiệm thực tiễn ở trên, có thể tóm tắt những bài học cho quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN như sau:
Một là, chính sách quản lý vốn đầu tư XDCB gắn liền với đường lối phát triển KT-XH của mỗi địa phương, cần có phương pháp khoa học để xác định rõ ràng phạm vi quản lý nhằm đạt được hiệu quả quản lý NSNN trong đầu tư XDCB.
Hai là, thực hiện chi tiết và công khai các quy trình xử lý các công đoạn của quá trình đầu tư để thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền ở địa phương.
Ba là, cơ cấu nguồn vốn đầu tư từ NSNN phải tránh dàn trải, tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, các ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng cần nhiều vốn và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Bốn là, cần thực hiện đa dạng hóa vốn đầu tư XDCB, nguồn lực NSNN là hạn chế, hơn nữa đầu tư nhà nước không đem lại hiệu quả cao hơn đầu tư tư nhân nên hầu hết các nước trên thế giới đều chuyển đổi đối tượng mà khu vực tư nhân có thể đầu tư được cho thành phần kinh tế này đảm nhiệm để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư XDCB từ NSNN.
Năm là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Các cơ quan đánh giá, kiểm tra, thanh tra giúp cho các cơ quan quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN có thông tin, kế thừa và phản hồi để ngày càng hoàn thiện quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư XDCB.
Sáu là, tăng cường tính hiệu lực của đánh giá và sau đánh giá. Các đánh giá được sử dụng để rút kinh nghiệm cho các năm sau, mà đặc biệt là phải nghiêm túc quy định rõ trách nhiệm của các sai phạm, thất thoát do quản lý. Các đánh giá là cơ sở cho các thưởng phạt nhằm tránh lặp lại sai phạm trong quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN.
Việc vận dụng những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu từ thực tế quản lý một cách khoa học và sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình sẽ góp phần rút ngắn quá trình hoàn thiện quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN ở địa phương.
Tiểu kết chương 1
Vốn đầu tư XDCB từ NSNN là tiền đề tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, thu hút các nguồn vốn đầu tư khác nhằm đảm bảo tăng trưởng, phát triển kinh tế địa phương và đất nước. Hiện nay, đất nước ta nói chung, Thừa Thiên Huế và thị xã Hương Thủy nói riêng đang bước vào thời kỳ CNH-HĐH một cách mạnh mẽ, do đó, quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN có một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển đất nước nói chung và địa phương nói riêng.
Ở nước ta, hiện tượng thất thoát và lãng phí trong đầu tư XDCB đang là vấn đề nhức nhối. Do đó, việc quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN cần được quan tâm một cách đúng đắn. Thông qua quyền hạn của mình, Nhà nước cần thiết lập một hành lang pháp lý rõ ràng, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư và quản lý chặt chẽ vốn đầu tư XDCB từ NSNN nhằm tạo ra nhiều công trình có chất lượng cao, có hiệu quả nhưng không lãng phí tài lực, vật lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ HƯƠNG THỦY,
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ