Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch của thành phố Đà Nẵng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố đà lạt, tỉnh lâm đồng (Trang 45 - 48)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.2. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch của thành phố Đà Nẵng

Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm của các di sản văn hóa thế giới của khu vực miền Trung (Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế), có cảng biển, sân bay quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch khá đồng bộ, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú như danh thắng Ngũ Hành Sơn, bảo tàng điêu khắc Chăm, bán đảo Sơn Trà, khu nghỉ mát sinh thái Bà Nà Hills, các bãi tắm được ca ngợi đẹp nhất thế giới (Mỹ Khê, Non Nước, Bắc Mỹ An). Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn và thân thiện đối với du khách. Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng đông, tăng trưởng hàng năm. Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm 2018 của Đà Nẵng ước đạt hơn 13.925 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế. Bài học chủ yều của Đà Nẵng trong QLNN về du lịch là:

1) Đã chú trọng đầu tư phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách với các sản phẩm mới như: quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, Bán đảo Sơn Trà, các khu du lịch Hòa Phú Thành, Phước Nhơn; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài.

2) Quan tâm đầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch; quảng bá đến các thị trường quốc tế với qui mô ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; Thành phố tổ chức nhiều sự kiện lớn: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, cuộc thi marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Khai trương mùa du lịch biển.

3) Giải quyết các mối quan hệ giữa các đối tác có liên quan. Chính quyền có tầm nhìn trong quy hoạch và phát triển hạ tầng đảm bảo cho thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững không gặp phải những thách thức về tình trạng quá tải trong mấy chục năm kế tiếp; có những chính sách đúng đắn, để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.

4) Vận động cộng đồng dân cư thực hiện những chính sách của chính quyền thành phố và tạo ra sự hưởng lợi cho người dân địa phương gắn với du lịch. Người dân địa phương vừa là người thực hiện những chính sách của thành phố, vừa là người được hưởng lợi từ các chính sách đó. Người dân địa phương thấy được niềm tự hào về thành phố của mình. Đây là một giá trị tinh thần mang ý nghĩa động lực để tạo ra sự phát triển cho du lịch Đà Nẵng.

5) Hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất thông qua các thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

6) Kết nối các điểm đến trên địa bàn với các sản phẩm ở trung tâm thành phố kết hợp mua sắm và giải trí, sản phẩm nghỉ dưỡng biển, sản phẩm nghỉ dưỡng núi. Bên cạnh đó là sự kết nối liên tỉnh với Hội An, Mỹ Sơn ở phía Nam; và Huế, Quảng Bình ở phía Bắc. Như vậy, Đà Nẵng không chỉ phát triển du lịch của mình mà còn hỗ trợ và mang đến dòng khách quốc tế và nội địa cho các điểm đến khác trong vùng.

Bên cạnh đó, du lịch Đà Nẵng vẫn còn những vấn đề như tour giá rẻ hay tour “0 đồng”; tình trạng kinh doanh lữ hành trái phép, hướng dẫn viên xuyên tạc lịch sử; một số doanh nghiệp lữ hành ý thức pháp luật chưa đầy đủ, cạnh tranh không lành mạnh, tiếp tay cho người Trung Quốc, Hàn Quốc kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch trái pháp luật; các tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch chưa kết nối được các doanh nghiệp để nâng cao năng lực kinh doanh.

Tour giá rẻ hay tour “0 đồng”, chủ yếu xuất hiện ở thị trường khách Trung Quốc. Tour này phụ thuộc vào chi tiêu mua sắm từ du khách để thu lợi nhuận bù lại cho giá rẻ, nên có sự thỏa thuận ngầm giữa doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên và cơ sở mua sắm. Cơ sở mua sắm bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng với giá cao hơn so với giá trị thực tế, giao dịch bằng ngoại tệ trái phép; thanh toán qua máy chấp nhận thanh toán thẻ của ngân hàng nước ngoài (POS) hoặc ứng dụng thanh toán điện tử trên thiết bị di động (Wechatpay… ), không xuất hóa đơn tài chính, làm thất thuế của Đà Nẵng.

Tình trạng kinh doanh lữ hành trái phép, hướng dẫn viên xuyên tạc lịch sử. tour giá rẻ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Đà Nẵng… Doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, chưa khai thác được thị trường quốc tế, do đó chịu sự ép giá, chi phối nguồn khách từ đối tác nước ngoài. Một số doanh nghiệp lữ hành ý thức pháp luật chưa đầy đủ, cạnh tranh không lành mạnh, tiếp tay cho người Trung Quốc, Hàn Quốc kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch trái pháp luật. Một số bộ phận hướng dẫn viên tiếng Trung, tiếng Hàn còn yếu về kỹ năng và ngoại ngữ, có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, nặng về lợi ích kinh tế, chèn ép khách vào các điểm mua sắm; có tình trạng một số HDV sử dụng bằng cấp giả, thẻ giả để hoạt động gây ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.

Có thể thấy việc QLNN về du lịch ở Đà Nẵng bên cạnh những thành công vẫn còn có những hạn chế nhất định: Đội ngũ những người làm công tác QLNN về du lịch gặp khó cả về số lượng lẫn chất lượng; Vấn đề phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động du lịch ảnh hưởng tới chất lượng của công tác QLNN. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua việc kiểm tra, kiểm soát những vi phạm của các doanh nghiệp du lịch. Chính điều này đã gây nên những khó khăn cho chính quyền thành

phố Đà Nẵng trong công tác chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành như thời gian vừa qua. Việc kiểm soát, thống kê số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế, đại lý lữ hành, cũng như việc nắm bắt hạng sao của các cơ sở lưu trú trên địa bàn còn nhiều bất cập, chủ yếu là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành của thành phố. Đó là nguyên nhân khiến du lịch Đà Nẵng chưa thể "cất cánh".

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố đà lạt, tỉnh lâm đồng (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)