7. Kết cấu của luận văn
2.3.2. Tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý nhà nước về du lịch
Du lịch là hoạt động mang tính liên ngành, do đó QLNN đối với hoạt động du lịch phải tạo được những cân đối chung, điều tiết được thị trường, ngăn ngừa và xử lý những đột biến xấu, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho mọi hoạt động du lịch phát triển. Và để thực hiện tốt điều này thì tổ chức bộ máy QLNN phải được tổ chức thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, đồng thời các cơ quan trong bộ máy đó phải luôn được phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo du lịch luôn có sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động.
Điều 75, Luật Du lịch năm 2017 xác định trách nhiệm QLNN về du lịch của UBND các cấp với nội dung cụ thể: “1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương; cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch phù hợp với thực tế tại địa phương. 2. Ủy ban nhân dân các cấp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; b) Quản lý tài nguyên du
lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn du lịch trên địa bàn; c) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm tại khu du lịch, điểm du lịch, nơi tập trung nhiều khách du lịch; d) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để bảo đảm môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh; đ) Tổ chức bố trí nơi dừng, đỗ cho các phương tiện giao thông đã được cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch để tiếp cận điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; tổ chức rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn vào khu du lịch, điểm du lịch; e) Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch; g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này” [34]. Như vậy, theo nội dung điều này thì tại địa bàn cấp huyện, cơ quan thực hiện nhiệm vụ QLNN về du lịch trên địa bàn là UBND cấp huyện. Ngoài ra, UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình cũng hỗ trợ UBND cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ QLNN về du lịch trên địa bàn cấp huyện. Mặt khác, theo khoản 3, Điều 28, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng khẳng định về vị trí, vai trò của UBND cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ QLNN về du lịch, cụ thể: “Tổ chức thực hiện ngân sách huyện; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng điểm dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật” [33].
Để thực hiện nhiệm vụ QLNN nói chung và QLNN về du lịch nói riêng trên địa bàn cấp huyện, UBND cấp huyện thành lập các cơ quan chuyên môn để tham mưu, giúp việc cho UBND cấp huyện với chức năng được nêu rõ tại khoản 1, Điều 3, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban
nhân dân cấp huyện và theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác ở địa phương” [9]. Theo nội dung tại khoản 6, Điều 7, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP thì Phòng VHTT là cơ quan có chức năng: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; quảng cáo; bưu chính; viễn thông; công nghệ thông tin; phát thanh truyền hình; báo chí; xuất bản; thông tin cơ sở; thông tin đối ngoại; hạ tầng thông tin” [9]. Như vậy, UBND cấp huyện là cơ quan QLNN về du lịch trên địa bàn cấp huyện và Phòng VHTT thuộc UBND cấp huyện là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp việc cho UBND cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ QLNN về du lịch trên địa bàn cấp huyện.
Nhằm cụ thể hóa chức năng tham mưu, giúp việc của Phòng Văn hóa – Thông tin, ngày 14/9/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tại Chương II của Thông tư đã quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu và tổ chức biên chế của Phòng VHTT, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc trong QLNN về du lịch trên địa bàn cấp huyện của cơ quan này.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND cấp huyện như Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị... trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho UBND cấp huyện và hỗ trợ Phòng VHTT trong công tác QLNN về du lịch trên địa bàn cấp huyện.