7. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Tiềm năng phát triển du lịch của thành phố Đà Lạt
2.1.2.1. Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên
- Tài nguyên thực vật, thảm thực vật: Được ưu đãi về khí hậu thời tiết, do đó gần như quanh năm Đà Lạt được bao phủ bởi màu xanh của thực vật với thảm cỏ xanh, rừng cây xen lẫn giữa thành phố. Đây có thể coi là một sự hiếm có đối với các thành phố khác trong cả nước. Đà Lạt cũng là thành phố được gọi với tên khác, thành phố hoa. Nơi đây rất nhiều loài hoa: anh đào, hoa lan, hoa hồng..., hoa hồng là loài hoa được yêu thích nhất, hoa anh đào một thời được xem là biểu tượng của Đà Lạt. Bên cạnh đó Đà Lạt có trên 20 loại cúc, cúc Đà Lạt có hoa quanh năm. Đặc biệt một loài hoa mang tên Cúc Dã Quỳ là loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, mọc thành rừng, ven đường và chỉ nở vào mùa nắng (báo hiệu mùa nắng đã đến để đón chào mùa du lịch). Nhiều loài hoa phương tây cũng có ở Đà Lạt rất lâu như: mimoza, maguerite, lys, pensee, forget me not…; bên cạnh những loài hoa phương đông như: tường vy, thiên lý, trà my, huệ… Thêm vào đó Đà Lạt có hàng chục loài địa lan và khoảng trên 300 loài phong lan sinh trưởng tự nhiên. Tất cả các loài hoa trên nhờ khí hậu mát mẻ nên phát triển nhanh, không cần chăm sóc nhiều nhưng vẫn có hoa đua nở quanh năm, tạo nên nhiều vườn hoa rất đẹp cuốn hút giữ chân
khách du lịch.
Không chỉ có tài nguyên hoa, cây cảnh Đà Lạt còn có nguồn tài nguyên cây thuốc vô cùng quý giá. Theo phát hiện sơ bộ có 425 loài cây thuốc thuộc 125 họ có thể sử dụng làm cây thuốc chữa bệnh từ thân gỗ như Thông Đỏ đến cây thân thảo như Lan Gấm và các loại nấm Linh Chi… Tài nguyên về những cây thuốc này rất quý, không phải nơi nào cũng có được, là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh.
- Tài nguyên về môi trường: Đà Lạt là một thành phố không khói, nằm giữa các rừng thông, lại được bao bởi các khu sinh quyển như rừng quốc gia Bidup Núi Bà, rừng Quốc gia Cát Tiên; dãy LangBiang.
- Các danh lam, thắng cảnh tự nhiên: ở độ cao trung bình lên đến trên 1400m so với mực nước biển đã tạo cho Đà Lạt với nhiều thác ghềnh: Thác Datala, thác Prenn, Thác Voi, thác Pongour..., các hồ sinh thái như: Hồ Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm, Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở...
2.1.2.2. Tiềm năng về tài nguyên nhân văn
Đà Lạt là thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm ở vùng Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số đang sinh sống như người Lạch, Mạ, Churu, K’Ho. Nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán và nét văn hoá dân gian đặc sắc, có sức thu hút cao đối với khách quốc tế. Những lễ hội dân gian, nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng là những tài nguyên văn hoá phi vật thể thu hút khách du lịch.
Nét văn hoá riêng của con người Đà Lạt “hiền hoà, thanh lịch, mến khách” cũng được đánh giá là một tài nguyên du lịch quan trọng, là một điều kiện trong việc tổ chức các hoạt động du lịch. Thừa hưởng sự quy hoạch tổng thể, phối hợp hài hoà giũa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan đô thị mang dáng dấp kiến trúc châu Âu của các nhà kiến trúc tài ba người Pháp, đặc biệt tại Đà lạt có khoảng 300 ngôi biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc riêng biệt, hài hòa, mang một vẻ đẹp riêng mà không nơi nào có được, là một giá trị trong du lịch.
2.1.2.3. Cơ sở hạ tầng du lịch
Điểm hạn chế về vị trí địa lý của Đà Lạt là cách xa các trung tâm du lịch. Tuy nhiên hiện nay hạn chế này đã phần nào được khắc phục. Tuyến tỉnh lộ Nha
Trang – Đà Lạt dài 140km đã được đưa vào sử dụng góp phần kết nối Đà Lạt với trung tâm du lịch biển Nha Trang, và cũng là điểm cuối trong “Con đường di sản”. Các tuyến đường hành không cũng được nâng lên về số chuyến, mở thêm các đường bay Hà Nội, Đà Nẵng tới Đà Lạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đón khác từ miền Bắc và khách nước ngoài.
Hệ thống giao thông đến Đà Lạt khá phát triển. Quốc lộ 20 nối liền Đà Lạt với TP. Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế thương mại và du lịch lớn nhất cả nước. Quốc lộ 27 nối liền Lâm Đồng từ Krôngnô đến Eo Gió giáp với Ninh Thuận dài 123km, đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi. Quốc lộ 28 dài 108km nối liền Bình Thuận với Lâm Đồng và Đăk Nông. Các quốc lộ nối các tỉnh Tây Nguyên với duyên hải miền Trung, TP. Hồ Chí Minh, nối hai nước bạn Lào và Campuchia rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa đến cảng xuất khẩu và vận chuyển du lịch. Trong chiến lược phát triển giao thông đường bộ của Tây Nguyên, Chính phủ đã phê duyệt dự án đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt với vốn đầu tư 1 tỷ USD, sau khi hoàn thành sẽ là con đường chiến lược quan trọng nối 2 đô thị du lịch phát triển hiện nay là TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt.
Sân bay Liên Khương Đà Lạt đạt cấp độ 4B, với đường băng dài 3524m, rộng 45m, sân đậu máy bay 23.100m2, công suất 1,5 triệu – 2,5 triệu lượt khách/năm. Đón được máy bay Boeing 767, A320, A321, với tần suất giờ cao điểm 580 khách nội địa đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng như hiện nay, từ năm 2015 đã mở các tuyến bay tới Singapore, Lào, Campuchia…
Tuyến đường sắt Đà Lạt – Phan Rang dài 84km với 6 ga được xây dựng từ thời Pháp. Từ năm 1975 đến nay không sử dụng. Hiện nay ngành đường sắt khôi phục gần 10km tuyến Đà Lạt – Trại Mát phục vụ cho du lịch, đồng thời Chính phủ cho phép khôi phục toàn tuyến để tham quan du lịch và phục vụ giao thông vận tải. Tỉnh Lâm Đồng đang kêu gọi đầu tư nước ngoài dự án tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm với vốn đầu tư 320 triệu USD theo hình thức đầu tư BOT.
Các hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch khác như điện, nước, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng nhìn chung đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Đặc biệt là hệ thống bưu chính viễn thông có nhiều biến đổi tích cực trong
những năm gần đây. Ngành bưu chính viễn thông phát triển với công nghệ hiện đại và giá trị sản xuất nhanh. Hệ thống bưu điện, bưu cục phủ kín, hệ thống điện thoại tới 90% xã, phường. Internet đã phát triển nhanh tạo yếu tố thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.