Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh bến tre (Trang 56 - 58)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.4. Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

2.2.4.1. Hệ thống hạ tầng du lịch

Đường bộ là loại hình giao thông chính ở Bến Tre với QL60 và QL57, cùng hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường liên xã… đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp. 98,7% khách du lịch trong nước đến Bến Tre bằng các loại xe khách, xe du lịch, xe ôtô, taxi, xe máy,... khách quốc tế là 97,1%; Tỷ lệ khách du lịch trong nước và quốc tế đến Bến Tre bằng đường thủy chiếm rất thấp, khách quốc tế là 2,9% và khách trong nước là 1,3%. Con đường chính dẫn vào Thành phố Bến Tre được đầu tư nâng cấp, trang trí, phối cảnh rất đẹp, đặc biệt sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành đã rút ngắn đáng kể thời gian đến Bến Tre. Cầu Hàm Luông hoàn thành nối liền 2 cù lao Bảo và Minh. Cầu Cổ Chiên nối Bến Tre với Trà Vinh được đưa vào sử dụng năm 2015, gắn kết kinh tế của các tỉnh ĐBSCL, giúp tiềm năng kinh tế - văn hóa - xã hội của Bến Tre được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ.

Đường thủy không ngừng tăng về số lượng và chất lượng phương tiện, đảm bảo an toàn cho du khách. Loại phương tiện phục vụ du lịch là tàu du lịch các loại hay xuồng chèo, xuồng máy, cano nước… Tuy có thế mạnh về giao thông thủy cũng như du lịch, nhưng nhìn chung tỉnh vẫn còn hạn chế nhiều mặt, chủ yếu khai thác du lịch sông nước dưới dạng tự nhiên.

2.2.4.2. Cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ ngành du lịch

Nhà hàng – khách sạn: những năm gần đây cơ sở lưu trú như nhà nghỉ, khách sạn của Bến Tre phát triển khá nhanh và đã phần nào giải quyết được số lượng đông đảo du khách đến Bến Tre trong các dịp lễ hội, du lịch, những hội nghị lớn hay nhu cầu khác. Mật độ phân bố các khách sạn chủ yếu tập trung ở trung tâm TP. Bến Tre và huyện Châu Thành. Số lượng cũng như quy mô các cơ sở lưu trú còn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du lịch hiện nay.

Số lượng khách sạn tăng đáng kể trong thời gian gần đây: từ 11 cơ sở (2000) lên 45 cơ sở lưu trú du lịch (2012). Trong đó có 2 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 2 khách sạn 1 sao (một số khách sạn đủ tiêu chuẩn và đang làm hồ sơ xét), 03 nhà khách, 37 khách sạn, nhà nghỉ; với tổng số 946 phòng.

Hoạt động ăn uống phát triển khá nhanh cùng với phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ đều có phòng ăn, quầy bar, cafe… không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách nghỉ mà còn phục vụ khách bên ngoài. Chất lượng bữa ăn tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, có cả món ăn Âu, Á… kết hợp với đờn ca tài tử, thưởng thức làn điệu dân ca mang bản sắc văn hóa đặc trưng. Đồ uống cũng rất đa dạng phong phú, đặc biệt là các loại nước uống trái cây như dừa, cam, nước ép bưởi… cũng như đầy đủ các loại rượu thương hiệu của tỉnh như Phú Lễ (Ba Tri), rượu dừa… Ngoài các cơ sở ăn uống trong khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở ăn uống bên ngoài cũng liên tục xuất hiện và mở rộng. Các loại thức ăn rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu thực khách du lịch và cả người dân địa phương

Các khu vui chơi giải trí: nhằm tăng cường quảng bá về hình ảnh và thu hút khách du lịch, tỉnh đã không ngừng tăng cường các hoạt động quảng bá hình ảnh, tổ chức các hình thức giải trí kết hợp với du lịch, xây dựng các khu vui chơi. Các khu vui chơi giải trí kết hợp với du lịch nằm tập trung ở huyện Châu Thành, Cồn Phụng, Mỹ Thạnh An và trong nội thị có nhà văn hóa, khu sinh hoạt tập thể, văn nghệ, lễ hội...Các điểm du lịch sinh thái kết hợp văn hóa cũng được chú trọng đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Bên trong hệ thống nhà hàng có câu lạc bộ khiêu vũ, bar, dịch vụ spa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng karaoke, phòng hội nghị, ca nhạc theo chủ đề…

Phương tiện vận chuyển khách du lịch: tính đến cuối năm 2013 đã có trên 100 xe từ 7 chỗ đến 45 chỗ chất lượng khá tốt phục vụ đưa đón du khách, cùng với 60 đò du lịch, trên 30 đầu xe ngựa, trên 100 xuồng chèo được khách du lịch ưa chuộng. Các phương tiện vận chuyển công cộng đang phát triển mạnh. Dịch vụ vận tải hành khách công cộng được duy trì, năng lực vận tải được đầu tư mới theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại, có tuyến xe buýt đến tận nơi một số điểm du lịch.

Các doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa mạnh dạn khai thác hết tour, tuyến du lịch và quảng bá rộng rải bởi lẽ ngành du lịch tỉnh chưa thật sự phát triển mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Hiện tỉnh Bến Tre có 09 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 04 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa; 05 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có phát triển về số lượng doanh nghiệp, nhưng năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa phát triển chi nhánh đến các thị trường du lịch trọng điểm. Lượng khách do các doanh nghiệp lữ hành thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ đưa về Bến Tre là chủ yếu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh bến tre (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)