Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018, ước tính đạt 19.501,5 tỷ đồng, tăng 7,12% so với năm 2017 (Năm 2016 tăng 6,35%, Năm 2017 tăng 7,02%); đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tính đạt 3.927,7 tỷ đồng, tăng 5,56%, đóng góp 1,14 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính đạt 4.623 tỷ đồng, tăng 9,14%, đóng góp 2,13 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ ước tính đạt 10.186,6 tỷ đồng, tăng 6,77%, đóng góp 3,55 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính đạt 764,2 tỷ đồng, tăng 8,01%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,56%, Khu vực này năm 2018 cây lâu năm, chăn nuôi và thủy sản gặp một số khó khăn nên sản lượng tăng chậm; tuy nhiên, cây hàng năm sản lượng lương thực có hạt đạt 28,98 vạn tấn, tăng 12,59% cao nhất từ trước đến nay; ngành lâm nghiệp sản lượng gỗ khai thác đạt 850 nghìn m3, tăng 22,10%...đã làm cho khu vực này tăng khá cao.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14%. Ngành công nghiệp tăng 9,88%, đóng góp 1,24% thấp hơn nhiều so với năm 2017; nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp 8,10% (Năm 2017 tăng 15,50%). Năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó khăn; một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu; một số DN sản xuất đã gần hết công suất nên tốc độ tăng chậm lại; một số DN khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm; Hơn nữa, năm nay số dự án sản xuất công nghiệp hoàn thành đi vào hoạt động không nhiều, quy mô nhỏ nên tốc độ tăng thấp. Ngành xây dựng tăng 8,26%, đóng góp 0,88 điểm phần trăm (Năm 2017 tăng 6,80%); nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư thực hiện tăng khá. Tình hình đầu tư trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn do tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ của Chính phủ; nguồn vốn ngân sách tỉnh hạn hẹp, năng lực của DN và hộ dân cư còn hạn chế…nhưng các cấp, các ngành đã có nhiều nổ lực trong thu hút vốn đầu tư, khai thác có hiệu quả các nguồn vốn, xã hội hóa trong đầu tư…đặc biệt năm nay, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tỉnh quản lý tăng gần 56% so với năm 2017 nên vốn đầu tư phát triển thực hiện năm 2018 tăng khá.
Khu vực dịch vụ tăng 6,77%. Năm 2018 kinh tế phát triển khá, sức mua của người dân tăng lên nên một số ngành dịch vụ kinh doanh có tỷ trọng giá trị tăng thêm lớn có tốc độ tăng trưởng khá như: bán buôn, bán lẻ tăng 7,04%; thông tin truyền thông tăng 8,07%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,67%; hoạt động hành chính và dịch vụ hổ trợ tăng 8,24%...Tuy nhiên, các ngành dịch vụ không kinh doanh như: quản lý nhà nước chỉ tăng 6,59%, giáo dục đào tạo tăng 6,04%…do biên chế ổn định, tiết kiệm chi thường xuyên...làm cho khu vực này tăng thấp hơn năm 2017 (Năm 2017 tăng 7,01%).
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 27.503,1 tỷ đồng. Về cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 20,68%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,15%; khu vực dịch vụ chiếm 51,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,92% (Cơ cấu tương ứng của năm 2017 là: 20,77%; 24,11%; 51,23%; 3,89%). GRDP bình quân đầu người năm 2018 theo giá hiện hành ước tính đạt 43,60 triệu đồng, tăng 8,7% so với năm 2017.
- Tình hình hoạt động của DN. Tính chung năm 2018, có 359 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2.569 tỷ đồng, tăng 21,28% về số DN và giảm 5,10% về số vốn đăng ký so với năm 2017; số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 7,16 tỷ đồng, giảm 20,27%. Số DN ngừng hoạt động là 129 DN, giảm 2,27%; số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động SXKD là 94 DN, tăng 10,59%. Số DN ngừng hoạt động và giải thể phần lớn là những DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ thuộc các ngành xây dựng, thương mại và dịch vụ gặp khó khăn về vốn kinh doanh, kinh doanh kém hiệu quả; một số DN nằm trong Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo trước đây được ưu đãi về thuế nay không còn nên gặp khó khăn phải giải thể…