Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Vùng ĐBSH là một vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam, bao gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Toàn vùng có diện tích: 23.336 km², chiếm 7,1 % diện tích của cả nước.
Đặc điểm dân cư, xã hội
Vùng ĐBSH có dân cư đông đúc nhất cả nước, mật độ dân số trung bình 1.179 người/km2. Mật độ dân số của vùng ĐBSH gấp gần 5 lần mật độ trung bình của cả nước. Với dân số đông, vùng ĐBSH có thuận lợi về nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Dân cư trong vùng ĐBSH có truyền thống thâm canh lúa nước, giỏi nghề thủ công, tỉ lệ lao động qua đào tạo tương đối cao, đội ngũ trí thức có kĩ thuật và công nghệ đông đảo. Nhìn chung, đây là vùng có trình độ phát triển dân cư, xã hội khá cao.
Đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội
Dân cư trong vùng chủ yếu sống với nghề trồng lúa nước, làm nông nghiệp truyền thống một cách thuần túy. Trải qua quá trình lịch sử, phương thức canh tác chính vẫn là trồng lúa nước và làm thêm nghề thủ công, một số nghề thủ công có lịch sử phát triển lâu đời như nghề gốm, nghề dệt, đúc đồng… Người nông dân sống quần tụ thành làng, không chỉ gắn bó với nhau trong cộng đồng làng, trên những di sản văn hóa chung như đình làng, chùa làng mà còn là sự gắn bó về tâm linh, về chuẩn mực xã hội, đạo lý thông qua các hương ước, khế ước của làng.
Đặc trưng văn hóa của vùng ĐBSH là nằm trong vùng văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đại Việt. Nên hệ thống di tích lịch sử - văn hoá có một bề dày lịch sử lâu đời. Mật độ dày đặc của các di tích trong vùng ĐBSH chính là một kho tàng văn hoá dân gian và di sản văn hoá phi vật thể đa dạng, phong phú như: ca dao, tục ngữ, huyền thoại, truyện cổ tích, truyện cười, giai thoại... Nghệ thuật biểu diễn dân gian cũng đa dạng và mang sắc thái vùng đậm nét như: hát chèo, hát quan họ, múa rối... Tín ngưỡng thờ tổ tiên là một phong tục lâu đời của người Việt, gia đình nào cũng đều có bàn thờ tổ tiên và hàng năm cúng giỗ cha mẹ, ông bà. Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng như thờ thành hoàng làng, thờ mẫu, thờ các ông tổ nghề, có mặt trên hầu khắp các làng quê. Gắn bó với tín ngưỡng thờ mẫu là hệ thống các huyền thoại, thần tích, các bài
văn chầu, truyện thơ nôm, hát xướng, hát chầu văn, hầu đồng…, là những nét đặc trưng trong văn hoá tín ngưỡng của người dân trong vùng ĐBSH. Có thể khẳng định, các lễ hội văn hóa truyền thống của vùng ĐBSH rất phong phú, đa dạng. Vùng ĐBSH là một vùng đất cổ cũng chính là cội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam, vùng ĐBSH chứa đựng một kho tàng văn hóa dân tộc có giá trị vô cùng to lớn của đất nước, cả về vật chất và về tinh thần.
Vùng ĐBSH có lịch sử phát triển lâu đời, là nơi có số lượng rất lớn các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Vùng ĐBSH có Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng... Vùng ĐBSH là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học, đã và đang có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Với đặc điểm tự nhiên, kinh tế và văn hoá xã hội như trên có tác động rất lớn đến QLNN về di tích QGĐB của vùng ĐBSH. Hệ thống di tích QGĐB có số lượng lớn so với các vùng khác trong cả nước. Do vậy, đòi hỏi phải tăng cường QLNN về di tích QGĐB vùng ĐBSH. Mặt khác, các di tích QGĐB vùng ĐBSH phân bố rộng khắp trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố đông đúc dân cư của vùng là khu vực phát triển kinh tế sôi động, đòi hỏi hoạt động QLNN về di tích QGĐB phải cân bằng hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa đồng thời khai thác và phát huy giá trị di tích QGĐB thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH phát triển bền vững.