Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện qua đó góp phần tăng cường hiệu lực QLNN và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành di sản văn hóa và của toàn xã hội vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích QGĐB. Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ, Thông tư số 18/2012/TT-
BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, ban hành rất kịp thời, có thể nhận thấy các văn bản quy phạm pháp luật về tu bổ di tích đã được các địa phương thống nhất triển khai thực hiện, góp phần tích cực nâng cao chất lượng và hạn chế vi phạm trong bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích. Công tác QLNN về di tích QGĐB đã được tăng cường bằng các văn bản hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, Cục Di sản văn hóa. Về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý với sự phối hợp tương đối chặt chẽ từ trung ương xuống địa phương. Một số tỉnh, thành phố (như tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình) đã ban hành các văn bản (bao gồm các Quyết định, Quy chế quản lý), quy định, bảo vệ và phát huy giá trị di tích QGĐB. Các văn bản này đã và đang phát huy tích cực trong công tác QLNN về di tích QGĐB trên địa bàn.
Thứ hai, về cơ cấu tổ chức, trong thời gian qua, tổ chức bộ máy của các cơ quan chức năng tham gia QLNN về di tích QGĐB đang được cải cách theo hướng tinh giản. Trong quản lý điều hành, từng bước phân cấp quản lý phù hợp với thực tiễn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong lĩnh vực di sản văn hóa ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng nhân lực của ngành di sản văn hóa dần được nâng lên.
Thứ ba, việc huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di tích QGĐB. Một số địa phương đã thực hiện tốt QLNN về di tích QGĐB từ các cấp chính quyền cơ sở nhất là với sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng trong xã hội. Giai đoạn 2010 - 2017, di tích QGĐB vùng ĐBSH về cơ bản đều đã được quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị. Các hình thức xã hội hóa đóng góp, công đức cho di tích đã được chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn quan tâm, giám sát. Chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích QGĐB được nhà nước quan tâm, cộng đồng trong xã hội cùng có trách nhiệm, bảo vệ di sản văn hóa. Hội Di sản văn hóa Việt Nam được thành lập và hoạt động có hiệu quả, là một tổ chức hội xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, là nơi tập trung nhiều chuyên gia giỏi có nhiều kinh
nghiệm, các nhà khoa học về di sản văn hóa, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nghiên cứu khoa học xung quanh các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích QGĐB. Một số hội thảo đã được tổ chức thành công cụ thể như: “Giá trị di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An”, “ Tam Đảo - Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch”, “ Giá trị đa dạng, tiêu biểu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”…
Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ, tu bổ di tích được tăng cường, góp phần khắc phục những hạn chế và kịp thời xử lý nghiêm một số vi phạm. Nhiều di tích QGĐB vùng ĐBSH sau khi được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo khách tham quan, qua đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương nơi có di tích.