7. Kết cấu luận văn
1.3.1. Kinh nghiệm của thành phố Hà Nội
Những năm gần đây ngành du lịch Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là tốc dộ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2018, thủ đô Hà Nội đón 26,3 triệu lượt khách (tăng 9,3% so với năm 2017). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến đạt 6 triệu lượt khách (tăng 16% so với năm 2017); khách du lịch quốc tế có lưu trú là 4,3 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 20,3 triệu lượt khách (tăng 7% so với năm 2017). Tổng thu từ khách du lịch đạt 75.000 tỷ đồng (tăng 11,7% so với năm 2017).
Đây là một kết quả hết sức đáng mừng cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng đòi hỏi Hà Nội phải tăng cường duy trì môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, giữ lòng tin đối với du khách đến với Thủ đô.
Với lượng khách du lịch tăng mạnh kéo theo nhu cầu lưu trú cao. Vì vậy, để đảm bảo cơ sở lưu trú tại thủ đô đủ số lượng đáp ứng và chất lượng mong muốn, Sở Du lịch Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở lưu trú trên địa bàn, kịp thời ứng phó với những hiện tượng bức xúc trong môi trường du lịch: kiểm tra phòng ngừa hướng dẫn viên là người nước ngoài, xử lý nghiêm hành vi vi phạm do đó hạn chế hướng dẫn viên người nước ngoài hành nghề trái pháp luật tại Hà Nội; ngăn chặn xử lý tình trạng chèo kéo, bắt chẹt, ép giá… khách du lịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm: Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu vực Hồ Tây trong dịp ngày lễ, Tết.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiến hành phân cấp quản lý khách sạn hạng thấp cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn để dễ dàng quản lý, sát sao, theo dõi hoạt động của các cơ sở lưu trú hiệu quả hơn.
Đối với nguồn nhân lực quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng, nhất là ở khối các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Vì vậy, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch chuyên đề về đào tạo và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, bồi dưỡng lĩnh vực lữ hành, vận chuyển; kiến thức và kỹ năng thuyết minh cho thuyết minh viên tại điểm và tổ chức các lớp văn hóa du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch trọng điểm tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về cơ sở lưu trú cao cấp, theo Sở Du lịch Hà Nội thì hiện nay trên địa bàn chưa đủ cung ứng nhu cầu khách du lịch, vì vậy Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, xin quỹ đất để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng
các khách sạn hạng sang, khu lưu trú cao cấp tiêu chuẩn 4-5 sao đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, để giúp nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú và khuyến khích các cơ sở thi thành đúng pháp luật về kinh doanh lưu trú, Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên thẩm định và cấp giấy chứng nhận nhãn du lịch bền vững Bông Sen xanh cho các cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch thủ đô.