7. Kết cấu luận văn
2.2.2. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý cơ sở lưu trú du lịch
Với vai trò là trung tâm kinh tế của đất nước, nơi có sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình kinh doanh du lịch, thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh du lịch. Vì thế, năm 1993, khi các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, đặc biệt là kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch chưa được hoàn thiện, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký ban hành Quyết định số 1196/QĐ-UB ngày 07 tháng 8 năm 1993 ban hành quy định về việc quản lý hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà trọ, nhà hàng, cửa hàng ăn uống trên địa bàn thành phố. Theo đó, quy định cụ thể về điều kiện cấp phép kinh doanh và hoạt động kinh doanh của khách sạn, nhà trọ, nhà hàng, cửa hàng ăn uống trên địa bàn thành phố.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của ngành Du lịch Việt Nam kết hợp với thực tiễn đòi hỏi phải có công cụ, phương pháp quản lý thích hợp, một loạt các văn bản pháp luật, chính sách quan trọng về phát triển cơ sở lưu trú du lịch và các lĩnh vực liên quan đã ra đời, kích thích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào kinh doanh lưu trú du lịch như Quyết định số 317/TTg ngày 29 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển nhà khách, nhà nghỉ của các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sang kinh doanh khách sạn; chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển cơ sở lưu trú du lịch; Pháp lệnh Du lịch ban hành năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thực hiện như Nghị định số 39/2000/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về cơ sở lưu trú du lịch; Thông tư số 01/2001/TT-TCDL ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Tổng cục Du lịch hướng
dẫn thực hiện Nghị định số 39/2000/NĐ-CP và Quyết định số 02/2001/QĐ- TCDL ngày 27 tháng 4 năm 2001 về sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn Việt Nam. Đặc biệt, Luật Du lịch đã được Quốc hội Khóa X thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 01 năm 2006, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật du lịch. Đây thực sự là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động của ngành du lịch nói chung và lĩnh vực lưu trú du lịch nói riêng.
Sau khi Nghị định số 39/2000/NĐ-CP và Thông tư 01/2001/TT-TCDL, Quyết định 02/2001/QĐ-TCDL của Tổng cục Du lịch đựơc ban hành, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 87/2002/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện chế độ thu nộp, quản lý sử dụng phí thẩm định cơ sở lưu trú Du lịch và ứng dụng tại các cơ sở lưu trú du lịch cả nước, trong đó có TP.HCM.
Sau khi Pháp lệnh Du lịch hết hiệu lực, Luật Du lịch được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý ngành triển khai thực thi có hiệu quả các công tác quản lý nhà nước, góp phần đổi mới quản lý và phát triển du lịch, từng bước nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch. Đến năm 2017, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) năm 2017, trong đó bổ sung và điều chỉnh một số quy định về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Bên cạnh đó, từ khi triển khai áp dụng quy trình ISO 9001:2000 vào cuối năm 2007, công tác thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch đã và đang tiếp tục được Sở Du lịch thành phố duy trì khá tốt, đảm bảo đúng quy định về thời gian, đơn giản hóa thủ tục và công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Việc triển khai công tác xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trong khoảng thời gian này đã góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng dịch vụ
lưu trú du lịch của thành phố, đồng thời giúp khách hàng yên tâm khi chọn lựa dịch vụ phù hợp. Bên cạnh đó, việc thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện để hỗ trợ tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và công tác quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn cũng góp phần tích cực trong việc đưa hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch vào nề nếp ổn định, phát triển phù hợp với chỉ tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và mục tiêu phát triển ngành du lịch nói riêng
Nhìn chung, công tác phổ biến, quán triệt Pháp lệnh Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành của ngành du lịch thành phố thời gian qua đã được triển khai sâu rộng tới từng đơn vị, địa phương, cơ sở quản lý, kinh doanh du lịch thông qua các hội nghị phổ biến, quán triệt văn bản do Tổng cục Du lịch và các Sở quản lý nhà nước nước về du lịch tổ chức để việc thi hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch được đầy đủ, thống nhất cho mọi đối tượng liên quan.
Tuy vậy, việc quản lý cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, ngành du lịch thành phố hầu như đơn thuần áp dụng các văn bản pháp luật của nhà nước vào du lịch địa phương mà ít có chủ động xây dựng văn bản phù hợp với tình hình thực tế để phát triển ngành du lịch thành phố. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và triển khai chiến lược phát triển các loại cơ sở lưu trú du lịch chưa được chú trọng và thực hiện kịp thời, hầu hết các triển khai quy định pháp luật về các quận, huyện tại thành phố bị chậm trễ nhiều hơn so với thời gian ban hành pháp luật và thiếu sự đồng bộ nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện.