có thẩm quyền phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền và trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng v.v...
Ba là, quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây
dựng là lĩnh vực quản lý chuyên ngành, mang tính chất chuyên môn sâu do các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng thực hiện. Bởi lẽ, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xác nhận tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm nghề nghiệp mới được phép hành nghề xây dựng. Do đó, chỉ những cơ quan nhà nước am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực xây dựng mới có đủ năng lực để thực hiện được việc này.
Bốn là, quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây
dựng chịu sự điều chỉnh không chỉ của các đạo luật chuyên ngành về xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật về Quy hoạch đô thị cũng như các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Xây dựng … mà còn chịu sự tác động của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luận Ban hành văn bản quy phạm pháp luật v.v...
1.2.2. Các nguyên tắc của quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nghề hoạt động xây dựng
1.2.2.1. Bảo đảm sự tập trung, thống nhất của quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng
Trong nền hành chính ở nước ta, nguyên tắc tập trung thống nhất là một nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước. Theo nguyên tắc này, mọi hoạt động quản lý nhà nước phải dựa trên hệ thống pháp luật, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Nhà nước. Trong hoạt động quản lý, cơ quan quản lý nhà nước
cấp dưới phải tuân thủ, chịu sự lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng là một lĩnh vực cụ thể của quản lý hành chính nhà nước nên cũng phải tuân thủ nguyên tắc này.
Nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng thể hiện: Một là, Nhà nước xây dựng, ban hành và thực thi một hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng trong phạm vi cả nước; hai là, Nhà nước thành lập một cơ quan đầu mối có chức năng phối, kết hợp các hoạt động quản lý cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng theo một trật tự thống nhất; cơ quan này là Cục Quản lý hoạt động xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng; ba là, Nhà nước thành lập một hệ thống cơ quan thống nhất từ trung ương đến địa phương để giúp Nhà nước thực hiện việc quản lý về xây dựng nói chung và quản lý về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng nói riêng v.v...
1.2.2.2. Phân cấp quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng một cách hợp lý cho các địa phương để nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm
Phân cấp quản lý và đảm bảo quyền tự chủ cho các địa phương là một nội dung của quản trị hành chính. Thực tiễn cho thấy việc tập trung mọi hoạt động quản lý về xây dựng nói chung và quản lý về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng nói riêng cho các cơ quan trung ương là không hợp lý và thiếu tính khả thi. Bởi lẽ, các cơ quan trung ương không có đủ thời gian, nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để xem xét, thẩm tra hồ sơ và cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho mọi cá nhân có nhu cầu trong cả nước. Mặt khác, chỉ có các địa phương - nơi quản lý trực tiếp cá nhân có nhu cầu xin cấp chứng chỉ hành nghề - mới năm rõ và đầy đủ các thông tin cần thiết về đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế thị trường, hoạt động đầu tư, kinh doanh nói chung và đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nói riêng vận động nhanh chóng, mau lẽ dưới
các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải thực hiện khẩn trương, giảm thiểu thời gian chờ đợi, thẩm tra hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề góp phần giảm chi phí "đầu vào" của hoạt động sản xuất, kinh doanh v.v... Muốn vậy, quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải được phân cấp một cách hợp lý, khoa học và phù hợp cho các địa phương dựa trên quan điểm phân cấp về thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, thẩm tra và cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động theo loại, hạng chứng chỉ; đồng thời, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với các địa phương về phân cấp quản lý này. Bên cạnh đó, nhà nước cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc phân cấp quản lý cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của các địa phương đảm bảo vừa thực hiện nguyên tắc tập trung, thống nhất vừa đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và tính độc lập, tự chủ tương đối trong quản lý của địa phương.
1.2.2.3. Quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng chú trọng tính hiệu quả và hướng đến việc xây dựng một phương thức quản lý theo mô hình quản lý điện tử
Tính hiệu quả không chỉ là mục tiêu mà còn là nguyên tắc của quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nói riêng đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường. Tính hiệu quả của quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được hiểu là không để lãng phí mọi nguồn lực đầu tư của xã hội vào các hoạt động quản lý. Mỗi đồng vốn chi phí cho hoạt động quản lý về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải đem lại giá trị kinh tế cao nhất. Biểu hiện của tính hiệu quả của quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng gồm: i) Giảm thiểu đến mức thấp nhất thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nhằm giảm chi phí cho cá nhân có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề; ii) Công khai minh bạch về nơi tiếp nhận hồ sơ, quy trình, thủ tục và nội dung hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; iii) Xây dựng bộ chứng chỉ ISO về quy trình tiếp nhận, thẩm
tra, xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; iv) Xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng v.v...
Muốn vậy, quá trình quản lý về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, các trang thiết bị tiên tiến; ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến; tự động hóa một số công đoạn, thao tác và xây dựng mô hình quản lý điện tử… Trước mắt cần trang bị hệ thống phần mềm ứng dụng, xây dựng cổng thông tin điện tử và từng bước tiếp nhận hồ sơ điện tử xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trên in te rnets; xem xét việc trả kết quả và cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, tiến tới việc quản lý, giám sát, theo dõi và lưu trữ hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.