Năng lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phản ánh năng lực nội tại, trình độ phát triển của quản lý nhà nước. Nó bao hàm các yếu tố mang tính chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước. Nói đến năng lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là nói đến số lượng, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, công nghệ quản lý; kỹ năng áp dụng pháp luật, cơ chế tổ chức quản lý; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sự hiểu biết pháp luật; đạo đức nghề nghiệp, ý thức, thái độ phục vụ, tinh thần kỷ luật công vụ v.v... của cán bộ, công chức nhà nước làm nhiệm vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Thông thường việc đánh giá năng lực quản lý dựa trên một số tiêu chí cơ bản như hiệu quả quản lý, hiệu lực quản lý, tiết kiệm chi phí thời gian, nhân lực và các nguồn lực vật chất khác; tính kinh tế; kỹ năng, công nghệ quản lý; tinh thần, ý thức, thái độ của công chức nhà nước; tính chuyên nghiệp; tính tổ chức kỷ luật v.v... Như vậy, năng lực quản lý của Nhà nước tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Sự ảnh hưởng này được biểu hiện ở một số khía cạnh chủ yếu sau đây:
- Nếu năng lực quản lý đạt trình độ cao tương đương với mức độ của khu vực và quốc tế thì sẽ thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phát triển lành mạnh, công khai minh bạch. Các hiện tượng nhũng nhiều, hạch sách, tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm sẽ không có điều kiện tồn tại ở mọi công đoạn của quá trình quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Việc cấp chứng chỉ
hành nghề hoạt động xây dựng đạt hiệu quả, thực hiện đúng pháp luật và đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
- Ngược lại, nếu năng lực quản lý hạn chế, yếu kém là một nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng. Bởi lẽ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết pháp luật, không có kỹ năng phù hợp, sử dụng công nghệ quản lý lạc hậu, tinh thần, ý thức tổ chức kỷ luật v.v... của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng sẽ tiềm ẩn việc nảy sinh tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, tham nhũng, tiêu cực, kéo dài thời gian giải quyết… làm gia tăng chi phí cho cá nhân có nhu cầu xin cấp chứng chỉ. Vô hình chung tạo thành rào cản hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xây dựng. Hậu quả là một nguồn lực xã hội thay vì đầu tư nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế lại phải bỏ ra để chi phí, "bôi trơn" cho việc vận hành quá trình quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng có năng lực quản lý của bộ máy quản lý yếu kém.