Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình được chính thức thành lập từ năm 1943 với tên gọi tiền thân là Mặt trận Việt Minh tỉnh Hòa Bình.
Trải qua nhiều lần đổi tên với 15 kỳ đại hội, đến nay phát huy truyền thống tốt đẹp và những nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tích to lớn được Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, Ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều hình thức khen thưởng cao quý.
Về cơ cấu, tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn. Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, khu dân cư, xóm, bản. Tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.
Theo Báo cáo số 256/BC-UBMTTQVN, ngày 31/12/2019 của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình về tình hình tổ chức, bộ máy, cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Hòa Bình năm 2019.
- Cấp tỉnh: Bộ máy chuyên trách của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh gồm có:
+ Ban Thường trực, gồm 09 đồng chí (01 Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch, 05 ủy viên thường trực kiêm trưởng các ban chuyên môn và Chánh Văn phòng).
+ Các ban chuyên môn và Văn phòng, gồm 05 đơn vị (Văn phòng; Ban Tổ chức; Ban Tuyên giáo; Ban Dân chủ - Pháp luật; Ban Dân tộc - Tôn giáo; Ban Phong trào).
+ Tổng số biên chế hiện đang sử dụng là 23 cán bộ, công chức, nhân viên, trong đó có 22 công chức; 01 hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP (tính trong biên chế).
+ Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ 03 đ/c, chiếm 13%; Đại học 16 đ/c, chiếm 69,5%; Cao đẳng 02 đ/c, chiếm 8,7%; Trung cấp 01 đ/c, chiếm 4,4%; Công nhân kỹ thuật 01 đ/c, chiếm 4,5%.
+ Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, Cử nhân 10 đ/c, chiếm 43,5%; Sơ cấp 13 đ/c, chiếm 56,5 %.
- Cấp huyện: Gồm 10 cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố. + Tổng biên chế hiện đang sử dụng: 40 cán bộ, chuyên viên (trong đó, Chủ tịch 10 đồng chí; Phó chủ tịch 10 đồng chí; cán bộ, chuyên viên 20 đồng chí).
+ Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ 06/40 đồng chí, chiếm 15%; Đại học, cao đẳng 31/40 đồng chí, chiếm 77,5%, Trung cấp 03/40 đồng chí, chiếm 7,5%.
+ Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 20/40 đồng chí, chiếm 50%; Trung cấp 12/40 đồng chí, chiếm 30%, chưa qua đào tạo 08/40 đồng chí, chiếm 20%.
- Cấp xã: Gồm 210 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường, thị trấn với trên 600 chuyên trách và bán chuyên trách; có 1554 Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, khu dân cư, xóm, bản.
Hiện nay, tổng số Ủy viên Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là 7.676 vị, trong đó cấp tỉnh là 83 vị (dân tộc: 44 vị; tôn giáo: 04 vị; nữ: 21 vị; ngoài Đảng: 29 vị), Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện là 592 vị (dân tộc: 412 vị; tôn giáo: 16 vị; nữ: 156 vị; ngoài Đảng: 157 vị), Ủy viên Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã là 7.001 vị (dân tộc: 3.647 vị; tôn giáo: 79 vị; nữ: 2.106 vị; ngoài Đảng: 1.904 vị).
Hoạt động của các Hội đồng tư vấn tiếp tục được tăng cường, mở rộng lực lượng cán bộ không chuyên trách, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên từng
bước phát huy hiệu quả tư vấn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và góp ý đối với hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay, Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thành lập được 04 Hội đồng tư vấn về: Kinh tế, Văn hoá - xã hội, Dân tộc - Tôn giáo, Dân chủ - Pháp luật, với thành viên tham gia là các đồng chí nguyên lãnh đạo một số Sở, ban, ngành của tỉnh đã nghỉ hưu.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và phát triển; Dân chủ, đồng thuận xã hội được phát huy. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì phát động được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với giảm nghèo bền vững, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được đẩy mạnh và nâng cao về chất lượng, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân và sự vào cuộc của toàn xã hội. Các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được triển khai, nhân rộng và phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh. Công tác đối ngoại Nhân dân được mở rộng và có những đóng góp tích cực, tạo môi trường thuận lợi để mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại và hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội của tỉnh. Tổ chức,
bộ máy và cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp trong tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đã tạo nên những tiền đề, kinh nghiệm cho công tác Mặt trận trong thời kỳ mới.
Đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Mặt trận; sự hướng dẫn, kiểm tra của Uỷ ban Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên; sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở; đặc biệt là sự quan tâm ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân.