Việt Nam
- Hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Điều 27, Luật Mặt trận Tổ quốc 2015 quy định, hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo 04 hình thức cơ bản là: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; Tổ chức đoàn giám sát; Thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thứ nhất, giám sát qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hoặc đề nghị tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chủ trì việc nghiên cứu, xem xét các loại văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Trường hợp cần thiết, tổ chức hội nghị hoặc gửi văn bản lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, sau đó tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp và xây dựng văn bản kiến nghị đối với nội dung của văn bản được giám sát.
Thứ hai, tổ chức đoàn giám sát. Đây là một trong những hình thức giám sát trực tiếp mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, điều
đó không có nghĩa là Mặt trận Tổ quốc hoàn toàn độc lập giám sát mà tùy từng nội dung giám sát, khi thành lập đoàn, Mặt trận Tổ quốc mời các cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia đoàn giám sát và thông báo với đối tượng được giám sát chuẩn bị các điều kiện theo yêu cầu đoàn giám sát.
Thứ ba, giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân: Chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát. Chương trình, kế hoạch giám sát của Ban Thanh tra nhân dân được công khai trên hệ thống truyền thông hoặc niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về kế hoạch giám sát; gửi kiến nghị đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát. Trường hợp kiến nghị không được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ban Thanh tra nhân dân kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xem xét, kiến nghị đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Định kỳ nghe báo cáo về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; xác nhận văn bản phản ánh, biên bản, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân trước khi gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; xem xét, giải quyết và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân. Động viên Nhân dân địa phương ủng hộ, phối hợp, tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức giám sát thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng: Hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đối với chương trình, dự án trên địa bàn, trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của Ban Giám sát
đầu tư của cộng đồng; xác nhận các văn bản phản ánh, kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trước khi gửi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Hỗ trợ Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc cung cấp thông tin, lập và gửi báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng cho cơ quan, tổ chức có liên quan khi cần thiết. Xem xét, giải quyết và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Động viên Nhân dân địa phương ủng hộ, phối hợp, tham gia hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Thứ tư, tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thực hiện chương trình phối hợp liên ngành hoặc khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mời tham gia giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đại diện tham gia. Trong quá trình tham gia giám sát, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát; nghiên cứu báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, nêu ý kiến về nội dung giám sát và tham gia xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm đề nghị đoàn giám sát kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp phát hiện có vấn đề vi phạm hoặc chưa phù hợp với chính sách, pháp luật mà cơ quan chủ trì giám sát không kiến nghị thì đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được cử tham gia đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo cơ quan, tổ chức mình để xem xét, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
- Hình thức phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Hình thức phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện với các cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào nội dung, tính chất của vấn đề phản biện, điều kiện cụ thể từng địa phương, đơn vị. Theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-
CP- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện phản biện với các hình thức như sau:
Một là, tổ chức hội nghị phản biện. Cấp nào phản biện xã hội thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp đó tổ chức hội nghị. Thành phần dự hội nghị gồm: Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị phản biện xã hội chủ trì hội nghị; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội; thành viên Hội đồng tư vấn (đối với cấp tỉnh), Ban tư vấn (đối với cấp huyện), Tổ tư vấn (đối với cấp xã), các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản được phản biện xã hội. Đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội. Đại diện cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Hai là, gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức việc nghiên cứu hoặc gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các vị chức sắc tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản được phản biện xã hội để lấy ý kiến. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phản biện xã hội có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp, xây dựng văn bản phản biện xã hội. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội giải trình làm rõ về những nội dung phản biện xã hội bằng văn bản hoặc thông qua cuộc họp. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được gửi đến cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội.
Ba là, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện xã hội. Đây là hình thức rất mới nhưng rất cần thiết đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi thực hiện phản biện xã hội. Bởi khi đối thoại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có cơ hội để phân tích, đưa ra những lý lẽ thuyết phục đối với các cơ quan tổ chức mà với hình thức phản biện khác chưa hiệu quả. Thành phần dự hội nghị đối thoại cũng giống như thành phần dự hội nghị phản biện. Trên cơ sở kết quả của hội nghị đối thoại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng văn bản phản biện xã hội gửi cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản.
Trong thực tế, ngoài ba hình thức trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội thông qua hình thức cử đại diện của đơn vị tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập, tham gia các hội thảo góp ý do các cơ quan, tổ chức khác tổ chức.